Ngành ô tô Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng sáp nhập

(Dân trí) - Ngành công nghiệp ô tô với nhiều nhà sản xuất độc lập như hiện nay của Nhật Bản đã đến lúc co cụm lại giống như các nước sản xuất ô tô khác, với chỉ vài ba doanh nghiệp lớn vào cuối thập kỷ này.

toyota-president-akio-toyoda-and-daihatsu-president-masanori-mitsui-1455524529034

Nhật Bản - nền tài chính 4,4 ngàn tỷ USD là ngôi nhà của 8 nhà sản xuất, bao gồm các công ty toàn cầu như Toyota, Honda, Nissan,… Con số này nhiều hơn quốc gia yêu xe là Đức với chỉ 3 hãng xe nội địa hay với quốc gia rộng lớn Mỹ - nơi mà Ford, General Motors (GM) và Tesla là những công ty độc lập còn lại.

Thỏa thuận của Toyota trong tháng 1 để có được phần còn lại của Daihatsu tiêu tốn khoảng 3,2 tỷ USD có thể là dấu hiệu cho một thời đại mới của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản, theo chuyên gia phân tích Takaki Nakanishi của Jefferies Group LLC. Đến năm 2020, theo ông, sẽ còn không quá ba nhóm công ty, do sự tăng chi phí nhằm tạo ra những chiếc xe xanh hơn, an toàn hơn và kết nối hơn. Ông Nakanishi cho biết: “Nhật Bản hiện có quá nhiều nhà sản xuất và nguồn lực đang bị phân tán. Xu hướng sáp nhập sẽ là một xu hướng tự nhiên để củng cố và giảm việc lãng phí nguồn lực”.

Là thương vụ lớn nhất lịch sử của Toyota, việc mua Daihatsu sẽ giảm danh sách các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từ 8 xuống 7. Đồng thời, điều này sẽ tránh được việc mua lại như ở châu Âu mà cầm đầu là Volkswagen - đã có được Porsche, Audi, Lamborghini,… hay như việc Sergio Marchionne kết hợp Fiat và Chrysler vào năm 2014 rồi tiếp tục “gạ gẫm” các nhà sản xuất khác.

Đối với các nhà sản xuất xe hơi hạng 2, chi phí để duy trì danh mục đầu tư vào động cơ sạch và hệ thống lái tự động sẽ bị hạn chế. Ví như chủ tịch Masanori Mitsui của Daihatsu cho biết công ty 109 tuổi này lựa chọn thuộc về Toyota là kết quả của quá trình vật lộn nhằm theo kịp sự phát triển của xe điện, các công nghệ xe tự hành và kết nối.

Honda, Mazda và Mitsubishi đã tránh việc sở hữu chéo với các nhà sản xuất khác dù vẫn duy trì việc liên doanh với Land Rover, Ford, Chrysler. Tuy nhiên, không có một nhà sản xuất nào có thể với tới được nguồn lực tài chính mạnh mẽ của Toyota với 45,2 tỷ tiền mặt và đầu tư ngắn hạn. Con số này là nhiều hơn cả 6 nhà sản xuất còn lại kết hợp trong năm tài chính vừa qua. Điều này cũng thể hiện qua ngân sách cho nghiên cứu và phát triển với việc Toyota dự báo sẽ bỏ ra gần 14 tỷ cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 - nhiều hơn sự kết hợp của Nissan, Subaru, Suzuki, Mazda và Mitsubishi.

Một liên minh mới đang trong quá trình hình thành khi mà năm ngoái Mazda và Toyota cho biết cả hai sẽ chia sẻ công nghệ trong lĩnh vực xe xanh. Về phần Mazda, công ty đã không còn quan hệ với Ford những vẫn đang cân nhắc về việc liên minh với Toyota.

Tiếp theo là Suzuki?

Cả Suzuki và Toyota đều bác bỏ thông tin đăng trên Nikkei và các phương tiện truyền thông khác của Nhật về việc cả hai đang đàm phán về việc liên minh. Bất kể việc phủ nhận, nhà nghiên cứu Nakanishi vẫn hy vọng cả hai công ty sẽ hợp tác trước khi hết thập kỷ này.

Sự quan tâm của Honda

Honda cũng đã cho thấy họ sẵn sàng điều chỉnh chiến lược thông thường, thể hiện sự quan tâm tới sự hợp tác cùng GM. Mối hợp tác trên công nghệ sử dụng nhiên liệu hydrogen đã phát triển tốt và kết thúc bằng việc sử dụng trong những chiếc xe tương lai. Chủ tịch Takahiro Hachigo nói với các phóng viên tại triển lãm Detroit: “Cho dù đó là công nghệ xe điện, trí tuệ nhân tạo hoặc những lĩnh vực sáng tạo khác, chúng tôi đang nói chuyện với họ để xem nếu có thể lựa chọn một số lĩnh vực đem lại lợi ích cho cả hai công ty”.

Lịch sử của Nissan với Renault chỉ ra hai mặt của vấn đề và những khó khăn phải đối mặt để thỏa mãn các bên có liên quan. Hãng xe Nhật Bản có thể không thể sống sót mà không có sự hỗ trợ của đối tác trong năm 1999. Tuy nhiên cả hai bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh quyền lực năm ngoái với việc chính phủ Pháp gia tăng sự sự giận dữ lên công đoàn lao động của Nissan.

Bỏ qua sự xích mích, ông Nakanishi thấy rằng các vụ sáp nhập hoặc liên minh là không thể tránh khỏi. Ông nói: “Quy mô đã trở thành một yếu tố cần thiết để cạnh tranh. Điều cần thiết là đặt mọi thứ lại cạnh nhau, bởi điều này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh”.

Mạnh Tuấn

Ngành ô tô Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng sáp nhập - 1
Ngành ô tô Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng sáp nhập - 2
Ngành ô tô Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng sáp nhập - 3