Ngành công nghiệp ô tô Mỹ: Một năm cần quên lãng

(Dân trí) - Tháng 12 u tối đã khép lại năm tồi tệ nhất trên thị trường ô tô Mỹ kể từ năm 1992. Lần đầu tiên, doanh số tiêu thụ xe con đã vượt dòng bán tải và SUV kể từ năm 2000.

 
Ngành công nghiệp ô tô Mỹ: Một năm cần quên lãng - 1
 
General Motors (GM) đã phải kết thúc năm 2008 đầy khó khăn bằng việc vay tiền thuế của người dân Mỹ để có thể duy trì hoạt động. Chrysler cũng không khá hơn khi khép lại năm đầu tiên chia tay Daimler bằng việc đi thuê các luật sư tư vấn phá sản. Và Toyota, hiện tượng thần kỳ của ngạn công nghiệp ô tô Nhật tại Mỹ, cũng ngậm ngùi thông báo khả năng thua lỗ lần đầu tiên trong 71 năm hoạt động.

Tựu chung, 2008 là năm mà hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều muốn quên. Doanh số tiêu thụ xe tại thị trường Mỹ đã giảm 18% trong cả năm 2008, xuống còn 13,24 triệu chiếc, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Autodata. Đây là năm doanh số tệ nhất của thị trường ô tô Mỹ kể từ năm 1992, và là mức sụt giảm năm cao nhất kể từ năm 1974.

“Điều tốt đẹp nhất về năm 2008 là nó đã qua,” Chủ tịch Jim Lentz của Toyota Motor Sales USA, nói.

Lần đầu tiên kể từ năm 2000, người dân Mỹ mua nhiều xe con hơn xe bán tải và SUV - xe du lịch chiếm 50,8% tổng doanh số trên thị trường Mỹ trong năm 2008, so với tỷ lệ 46,3% của năm 2007. Do tác động của việc tăng giá nhiên liệu hồi giữa năm, doanh số tiêu thụ xe cỡ nhỏ đã tăng tỷ lệ trong tổng doanh số toàn thị trường từ mức 17% của năm 2007 lên 20,5%.

Doanh số lao dốc

Doanh số tiêu thụ ô tô Mỹ đã sụt giảm mạnh cho tới ngày cuối cùng của năm 2008, đến mức các nhà sản xuất không kịp cắt giảm sản lượng để hạn chế hàng tồn kho. Hồi quý I/2008, người ta còn có thể dự đoán tổng doanh số năm đạt trên 15 triệu xe, nhưng với tình hình như quý IV, doanh số cả năm chỉ có thể đạt khoảng 10 triệu xe.

Cụ thể từng nhà sản xuất, GM chứng kiến doanh số năm 2008 tại Mỹ giảm 22,9% so với năm 2007 xuống mức thấp nhất trong vòng 49 năm qua. Doanh số của Ford giảm 21%; Chrysler giảm 30%. Trong khi đó, tình hình của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có khả quan hơn, tính đến hết năm 2008, doanh số của Toyota giảm 16%, còn của Nissan giảm 10,9%.

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ: Một năm cần quên lãng - 2
Xe Toyota, với đầy đủ nhãn hiệu Corolla, RAV4, Camry,… chưa có nơi tiêu thụ đang nằm la liệt tại cảng Long Beach(Ảnh: NYT)

“Cứ như là hai năm khác nhau dồn vào một,” ông James Press, phó chủ tịch Chrysler, nói. Ông cho biết công ty ông vẫn còn kiểm soát được doanh số và các kế hoạch tái cơ cấu trong nửa đầu năm, nhưng đến nửa cuối năm, những biến động trên thị trường tài chính tín dụng đã khiến việc vay tiền mua xe khó khăn hơn, thêm vào đó là tình hình suy thoái kinh tế và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã đẩy họ vào tình cảnh khó khăn, tiền gần tới mép vực phá sản.

Hình ảnh xấu của “tam đại gia” ô tô Mỹ

GMAC, phân nhánh tín dụng, thường đảm nhiệm việc cung cấp các khoản vay cho khoảng một nửa khách hàng của GM, chỉ thực hiện được 3% công việc cho GM trong tháng 10 và tháng 11. Giờ đây, GM hy vọng việc Bộ Tài chính Mỹ rót tiền vào GMAC sẽ khiến việc cho khách hàng vay tiền mua xe của họ dễ dàng hơn, để phần nào bù đắp doanh số đã mất.

Những thông tin không mấy hay ho về ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 2 tháng qua càng khiến cho người tiêu dùng dè dặt, nhiều cân nhắc hơn trong quyết định mua xe. CEO của “tam đại gia” ô tô Mỹ đã phải khẩn nài sự trợ giúp tài chính từ chính phủ để tránh nguy cơ phá sản vào đầu năm 2009.

Việc giá xăng tại Mỹ tăng lên trên 4USD/gallon đã khiến doanh số tiêu thụ xe bán tải và SUV sụt giảm gần 28%. Khi giá nhiên liệu giảm trở lại trong nửa cuối năm, thì những khó khăn trên thị trường tín dụng và tình hình suy giảm kinh tế đã gây tác động tiêu cực đến doanh số tiêu thụ của tất cả các loại ô tô. Thị phần của GM trên thị trường Mỹ đã giảm từ 23,5% của năm 2007 xuống chỉ còn 22% trong năm 2008.

GM, Ford, và Chrysler đều nhanh chóng đẩy mạnh việc sản xuất xe con và xe crossover nhằm thích ứng với sự thay đổi thị hiệu. Nhưng dòng bán tải và SUV cỡ lớn từ lâu đã là nguồn lợi nhuận chính của họ nên sự sụt giảm nhanh chóng của doanh số dòng xe này mới gây tác động mạnh như vậy. Doanh số tiêu thụ xe bán tải cỡ lớn đã giảm từ mức 2,21 triệu xe của năm 2007 xuống còn 1,61 triệu xe. GM đã báo lỗ 18,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2008.

Cay đắng chung

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ: Một năm cần quên lãng - 3
 Hàng ngàn chiếc Mercedes tồn đọng tại bến cảng ở Californialà điều hiếm thấy trước kia. Nhưng trong tình hình thị trường hiện nay, một số xe thậm chí còn nằm lại cảng trong nhiều tháng. Giữa tháng 11/2008, Mercedes đã cho một tàu công-ten-nơ chuyển khoảng 1.000 xe tới cảng Long Beach. (Ảnh: NYT)

Không chỉ có các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải khép lại một năm nhiều chua xót. Năm ngoái, tập đoàn Nissan Nhật Bản đã tuyên bố rút khỏi lĩnh vực sản xuất xe bán tải cỡ lớn, và thay nhãn mẫu Dodge Ram thành Nissan từ sau năm 2010. Doanh số của Toyota cũng giảm 16%, khiến họ phải dừng dự án nhà máy lắp ráp xe bán tải mới tại Texas trong 3 tháng. Cuối năm, tình hình kinh tế khó khăn lại khiến Toyota phải hoãn dự án xây dựng nhà máy mới ở Mississippi - dự kiến là nơi sản xuất xe Prius hybrid.

Thông thường, trong thời kỳ suy giảm kinh tế, doanh số tiêu thụ xe hạng sang sẽ khá hơn các mác xe bình dân, do người giàu thường vẫn thay xe nếu thấy có nhu cầu mà không bận tâm đến tình hình kinh tế. Nhưng hiện nay, diễn biến có khác đôi chút. Mercedes-Benz cho biết doanh số của họ đã giảm 11,2%. BMW đã phải cắt giảm việc xuất hàng từ Đức sang Mỹ, khi chứng kiến doanh số giảm 15,2%. Phân nhánh xe sang Lexus của Toyota cũng có doanh số giảm 21%, trong khi Porsche giảm 25% trong cả năm. Điểm sáng duy nhất trên thị trường xe sang Mỹ có lẽ là Mini, phân nhánh của BMW, với doanh số tăng 28,6%.

Tổng tiêu thụ ô tô hạng sang của thị trường Mỹ trong năm 2008 chỉ đạt mức 1,52 trieụe xe, so với 1,91 triệu xe của năm 2007. Tháng 12 được coi là đặc biệt “đen tối”, khi doanh số của Mercedes giảm 32%, còn BMW giảm 40% so với tháng 12/2007.

Nhật Minh
Theo Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm