Muôn kiểu chống nóng ô tô của tài xế Việt giữa 'chảo lửa' mùa hè

(Dân trí) - Với thời tiết gần 40 độ C, không ít người lái xe hơi đã phải tìm mọi biện pháp để phần nào xua đi cái nóng bên trong ô tô.

Hà Nội đang bước vào mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên 40 độ C, khiến cho ô tô để ngoài trời có thể trở thành "chảo lửa" với mức nhiệt bên trong trên 60 độ C. Di chuyển bằng xe hơi những ngày này thực tế không hề dễ chịu, nhất là với những chiếc ô tô phải để trực tiếp ngoài trời rồi đi một quãng đường ngắn.

Để chống lại cái nắng gay gắt, tài xế đã áp dụng nhiều cách khác nhau, trong đó có những biện pháp được cho là chỉ có ở Việt Nam. 

Che cửa sổ trời

Cửa sổ trời là "option" không ít người mua ô tô quan tâm khi chọn xe. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng, chi tiết này lại trở thành nguồn nhiệt xả thẳng xuống đầu người lái và hành khách trên xe.

Muôn kiểu chống nóng ô tô của tài xế Việt giữa chảo lửa mùa hè - 1

Tấm chắn cửa sổ trời cho ô tô

Cửa sổ trời có cấu tạo gồm lớp kính, có thêm tấm chắn nắng nhưng vẫn mỏng hơn so với các phần còn lại của trần xe. Nắng vì thế truyền nhiệt nhiều hơn vào trong ô tô thông qua bộ phận này, nhận thấy rõ hơn trên những xe có cửa sổ trời toàn cảnh.

Để khắc phục, nhiều người lái ô tô đã mua thêm các tấm chắn, lớp phản quang để che thêm cho phần cửa sổ trời. Các miếng che này có giá khoảng vài trăm nghìn đồng, được tài xế đánh giá mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, nó phần nào ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của xe.

Lắp quạt mini

Muôn kiểu chống nóng ô tô của tài xế Việt giữa chảo lửa mùa hè - 2

Nếu dùng thêm quạt trong xe, không nên chọn loại dùng pin

Điều hòa là trang bị có trên gần như tất cả các mẫu ô tô hiện nay, song khả năng làm mát của mỗi xe lại khác nhau. Một số mẫu ô tô được đánh giá có điều hòa yếu do không tối ưu cho khí hậu nhiệt đới, không có cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau.

Giải pháp được tài xế Việt lựa chọn, đặc biệt là trên ô tô vận tải hành khách, là sử dụng quạt mini gắn rời. Loại quạt này thường sử dụng nguồn điện 5V được cấp thông qua bộ chuyển đổi gắn vào tẩu thuốc. Theo kinh nghiệm của một số lái xe, không nên sử dụng loại quạt dùng pin sạc vì có nguy cơ cháy nổ khi để trong xe trời nắng.

Mặc áo chống nắng

Muôn kiểu chống nóng ô tô của tài xế Việt giữa chảo lửa mùa hè - 3

Nếu mặc áo chống nắng cần đảm bảo gọn gàng, không cản trở vận hành

Với nhiều người, nhất là các chị em, ô tô không thể bảo vệ làn da trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Vì thế hình ảnh những người phụ nữ lái xe nhưng vẫn mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít không phải quá xa lạ tại Việt Nam.

Thực tế, lớp kính cửa xe không thể ngăn hoàn toàn tác động của tia UV. Khi dán thêm phim cách nhiệt loại tốt, mức hiệu quả sẽ tăng lên nhưng vẫn không thể đạt hiệu suất 100%.

Việc sử dụng áo dài tay, áo chống nắng và kem chống nắng là cần thiết, nhất là khi lái xe đường dài. Tuy nhiên cần đảm bảo gọn gàng để không ảnh hưởng tới việc vận hành, không gây giảm tầm quan sát. 

Hé nắp capo 

Muôn kiểu chống nóng ô tô của tài xế Việt giữa chảo lửa mùa hè - 4

Việc hé nắp ca pô khi chạy xe có thể gây mất an toàn

Một số lái xe hé nắp capo vì nghĩ rằng sẽ giúp luông gió vào khoang máy nhiều hơn, làm mát động cơ nhanh hơn trong những ngày nắng gay gắt. Cách này thường được một số lái xe taxi áp dụng, thậm chí gắn thêm miếng cao su để hé cao phần nắp.

Tuy nhiên, theo anh Quốc Bình, chủ một gara trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), nắp capo của ô tô luôn cần được đóng chặt trong khi di chuyển. "Tôi đã gặp trường hợp khách đến sửa xe, thay kính do nắp capo mở hé, đang đi thì gặp ổ gà và bật lên làm vỡ kính", anh chia sẻ.

Một kỹ thuật viên của Hyundai cũng cho biết, theo quy định của nhà sản xuất, nắp capo chỉ mở khi cần bảo dưỡng, sửa chữa. Việc mở, hé nắp capo trong khi xe chạy tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, chưa kể bụi bẩn, dị vật dễ lọt vào khoang động cơ hơn.

Đình Nam