Một số lưu ý để xe máy không bị... cháy

(Dân trí) - Trong thời gian gần đây, trên cả nước có khá nhiều trường hợp xe gắn máy bỗng nhiên bốc cháy. Để khắc phục tình trạng này, có cần các chuyên gia giúp đỡ hay chủ xe hoàn toàn có thể tự phòng tránh?

Về nguyên nhân cháy xe máy, ô tô, có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, nhưng chắc chắn phải có tác nhân gây cháy cũng như nguồn cháy, chứ không thể... tự nhiên cháy.

Thông thường, các vụ cháy xảy ra khi xe đang lưu thông trên đường và có thể khẳng định có tác nhân bên ngoài, cộng với những nguồn phát nhiệt trên xe gây ra hỏa hoạn: cổ xả, tia lửa điện...

Với trình độ thiết kế và sản xuất hiện nay, việc một chiếc xe máy đang đi mà bỗng nhiên phát hỏa thì khó có khả năng phát sinh từ nguồn điện, bởi toàn bộ nguồn điện trên xe đều đi qua một bộ điều khiển cũng như cầu chì an toàn, nên mọi tia lửa điện, dù nhỏ (ví dụ như chạm mát), phát ra thì cầu chì sẽ là nơi bị cháy đầu tiên. Do vậy, khả năng gây cháy cao do nguồn điện chỉ bắt nguồn từ việc đấu thêm thiết bị, sử dụng cầu chì sai nguyên tắc (đấu tắt, hay loại bỏ công năng của cầu chì...).

Với những chiếc xe đang lăn bánh mà bị cháy, có thể loại bỏ nguyên nhân chập điện hay rò điện từ cao áp vì nếu như vậy, chắc chắn xe sẽ không nổ máy được do bugi không được cấp đủ điện.
 
Ngoài ra, trong các trường hợp xe đang lăn bánh mà bốc cháy, một nguyên nhân khá bất ngờ là do... chuột. Xe máy, đặc biệt là xe tay ga, có vị trí cổ ống xả nằm sâu trong lòng xe, chuột có thể chui vào, kéo theo rác, giấy báo..., khi xe chạy, động cơ và cổ ống xả có nhiệt lượng rất lớn, gặp phải những vật dễ cháy, sẽ dễ dàng bốc cháy.
 
Một số lưu ý để xe máy không bị... cháy  - 1

(Ảnh: Nguyên Phong)

Mặt khác, dây điện cũng là món “khoái khẩu” của loài động vật gặm nhấm này, do đó khả năng bị hở điện gần các ống dẫn nhiên liệu cũng khá lớn, dẫn tới nguy cơ cháy xe.

Đó là không kể những trường hợp bất cẩn như xe chạy ở vùng nông thôn, bị dính rơm rạ vào ống xả (trường hợp này đã xảy ra khá nhiều với ô tô); hay sau khi lau chùi, sửa chữa, thợ máy hoặc chủ xe để quên giẻ ở ống xả cũng có thể là tác nhân gây cháy...
 
Chính vì những lý do trên, người sử dụng xe máy hoàn toàn có thể phòng ngừa các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn như vừa qua với một số lưu ý đơn giản sau:
 
- Trước khi vận hành xe mỗi ngày, cần kiểm tra xung quanh xe, khu vực ống xả, cổ ống xả xem có dính các vật dễ cháy hay không.

- Kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thường xuyên để có thể phát hiện ra các hiện tượng rò rỉ hay hư hỏng về điện hay hệ thống dẫn xăng.

- Không lắp thêm các thiết bị điện ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu có thì cần tính toán kỹ đến công suất của dây điện và làm hệ thống bảo vệ riêng theo tư vấn của nhà sản xuất hoặc đại lí bảo hành có uy tín.

- Tuyệt đối không thay đổi hệ thống cầu chì và thay đổi công suất cầu chì nguyên bản của xe.

- Cần chú ý tác nhân gây cháy bên ngoài như đổ xăng tràn ra ngoài, cổ xả dính vật liệu dễ cháy, ống dẫn nhiên liệu, các vật liệu dễ cháy dính vào cổ xả...
 
Việt Hưng