Đừng để cháy xe vì rơm rạ!

Mùa hè đến, nhiều nông dân đem phơi và thậm chí đốt rơm rạ ở mặt đường để lấy tro. Việc này không những gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, mà còn là “thủ phạm” của nhiều vụ cháy xe...

Ngày 5/7, trên đường 295 thuộc địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh) ô tô tập lái mang biển kiểm soát 99K-6168 chạy theo hướng Yên Phong - Từ Sơn do đâm phải… đống rơm đang đốt trên đường khiến đã cháy rụi.

 

Người dân cho biết, chiếc xe tập lái này khi đi qua đoạn đường nói trên đã không quan sát được hướng đi do khói bụi mù mịt. Do đó, lái xe đã đâm thẳng vào đống lửa khiến chiếc xe bốc cháy. Dù lực lượng PCCC đã ứng cứu nhưng chiếc xe chỉ còn trơ khung sắt.

 

Trước đó, ngày 22/6 chiếc ô tô Kia mang BKS 19A-001.35 do anh Lý Trung Dũng điều khiển đang lưu thông trên đoạn đường thuộc khu 1, phường Vân Phú, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì bỗng dưng bốc cháy dữ dội.

 

Anh Dũng cho biết, do trời nắng to nên anh đã nổ máy khoảng 10 phút trước khi cho xe chạy. Sau khi đi được khoảng 200 mét, anh ngửi thấy mùi khét nên đã xuống kiểm tra và phát hiện khói bốc ra từ xe. Do xe bốc cháy quá nhanh và lửa bùng to nên anh Dũng không thể dập tắt được. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ống pô của xe quá nóng, cọ xát với rơm rạ mà người dân phơi trên đường nên sinh nhiệt, đánh lửa và dẫn đến vụ cháy. Ước tính, thiệt hại của vụ cháy lên đến gần 700 triệu đồng.

 

Đừng để cháy xe vì rơm rạ!  - 1

Nhiều vụ cháy đáng tiếc xảy ra do ống xả nóng gặp rơm rạ phơi trên đường. (Ảnh: Tuổi trẻ)

 

Năm ngoái, chiếc ô tô biển số 20L-4609 đang đi thì phát lửa. Khi người đi đường thông báo cho lái xe biết, hệ thống điện của xe đã bị bắt lửa nên hai người ngồi trong xe là vợ chồng ông Đặng Văn Lợi (công tác tại Chi cục kiểm lâm Bắc Kạn) không thể mở cửa thoát ra ngoài. Người đi đường đã phá vỡ cửa kính phía trước để cứu người. Hai vợ chồng ông Lợi đều bị thương. Khi lực lượng cảnh sát PCCC đến hiện trường, chiếc xe đã bị cháy toàn bộ thiết bị bên trong. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do xe cuốn nhiều rơm đi trên đường vào gầm, ma sát lớn nên đã bốc hoả.

 

Trên đây chỉ là một số vụ tai nạn cháy xe điển hình do rơm rạ. Theo các chuyên gia kỹ thuật, khi ô tô vận hành, nhiệt độ tại cổ ống xả rất cao, có thể gây cháy bất kỳ khi nào nếu có các vật liệu dễ bắt lửa như rơm, rạ, giấy vướng vào gầm, gần ống xả. Cùng với đó, hoả hoản có thể tới từ hệ thống xả, đặc biệt trên các xe cũ, do các vết dầu, mỡ văng ra từ hộp số, mặt máy, đáy các-te..., lâu ngày có thể đọng lại dưới gầm xe rất dễ gây cháy nếu cổ xả hở hoặc có vật dễ bắt lửa vướng vào gầm.

 

Để tránh những tai nạn đáng tiếc tương tự, khi lái xe trên đường có phơi rơm rạ, lái xe cần tránh hết mức có thể các loại rơm rạ phơi trên đường. Trong trường hợp không thể tránh, người lái nên tắt điều hòa, hạ kính khi đi qua đoạn đường có phơi rơm. Rất nhiều trường hợp lái xe không biết xe của mình bốc khói, khi người dân đi đường nhắc nhở lại không nghe thấy nên đã để xe bị cháy đáng tiếc. Sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm rạ, người lái nên dừng xe để xuống kiểm tra, gỡ rơm rạ cuốn vào gầm xe và gần ống xả (nếu có) để tránh tai nạn đáng tiếc.

 

Ngoài ra để tránh xe cháy do bắt lửa từ hệ thống xả, trước khi đi xa thay vì chỉ rửa xe thông thường, hãy vệ sinh máy và xịt gầm cho sạch các vết dầu mỡ đọng.

 

Theo Công Thường

 VnMedia