Lý do trung tâm đăng kiểm từ chối ô tô "độ" mặt ca-lăng, cản trước sau
(Dân trí) - Một số chủ xe đặt câu hỏi về việc ô tô đã "độ" mặt ca-lăng hay thay đổi cản trước hoặc cản sau có bị từ chối kiểm định và thực tế cơ quan đăng kiểm đã có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Xuất phát từ yếu tố thẩm mỹ cá nhân, không ít người Việt đã "tân trang" ô tô của mình sau một thời gian sử dụng. Đó có thể là bộ decal cho xe thêm phần cá tính hoặc "chịu chơi" hơn là can thiệp vào thân vỏ với bộ cản trước/sau hay mặt ca-lăng, bodykit thể thao.
Trong bối cảnh việc đăng kiểm ô tô được siết chặt, nhiều chủ xe cho biết đã bị từ chối kiểm định ngay từ "vòng gửi xe" với lý do "độ" các chi tiết trên.
Một số người cho rằng thay mặt ca-lăng hay "độ" cản trước/sau cho ô tô chỉ mang tính chất làm đẹp chứ không ảnh hưởng đến an toàn và kỹ thuật. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý và chuyên gia trong ngành thì vấn đề này không đơn giản như vậy.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết trong hạng mục kiểm tra của các trung tâm kiểm định đều có các yêu cầu về hình dáng, kích thước xe... Đồng thời, các cơ sở kiểm định đều có ảnh chụp nguyên bản của từng dòng phương tiện dựa trên đăng ký kiểu loại của nhà sản xuất với Cục Đăng kiểm.
"Một chiếc Toyota Camry đời 2012 lại lắp cản trước hoặc mặt ca-lăng của xe đời 2017 thì hiển nhiên nó sẽ khác với chứng nhận đăng ký kiểu loại. Do đó, chủ phương tiện cần trả về nguyên trạng đối với bộ phận đó trước khi thực hiện đăng kiểm", vị này thông tin thêm.
Còn về việc dán decal lên xe, Giám đốc trung tâm đăng kiểm trên cho biết chỉ cần chủ xe không sử dụng các loại làm thay đổi tổng thể màu sơn đã đăng ký thì các đơn vị kiểm định vẫn sẽ chấp nhận.
Dưới góc nhìn của người làm nghiên cứu khoa học, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng cho rằng kiểu dáng của ô tô liên quan đến chứng nhận kiểu loại nên phải đúng như đã được đăng ký.
"Mặt ca-lăng của nhiều dòng xe không đơn thuần chỉ có nhựa. Phía bên dưới có thể là các cảm biến hoặc radar của nhà sản xuất nên việc tự thay đổi có thể sẽ không đảm bảo đúng an toàn, kỹ thuật. Do vậy, nếu người dùng vẫn muốn "độ" thì hoàn toàn có thể làm thủ tục thay đổi kết cấu xe để được sự chấp nhận của các cơ quan chức năng", ông Phúc thông tin thêm.
Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điểm a, Khoản 9, Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực) hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi một số trung tâm đăng kiểm ở khu vực miền Nam bị đình chỉ do phát hiện sai phạm trong quy trình kiểm định phương tiện cơ giới, Cục Đăng kiểm đã ra chỉ thị siết chặt kiểm định ô tô trong năm 2023 bằng cách thành lập Tổ công tác. Nhiệm vụ của Tổ công tác gồm kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở kiểm định trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng các phương tiện tham gia giao thông.