Lý do CEO của GM bị sa thải
(Dân trí) - Steven Rattner, người đang lãnh đạo chương trình hỗ trợ khẩn cấp ngành ô tô Mỹ, kể lại việc ông đã “sốc” thế nào trước tình hình tài chính và ban lãnh đạo của GM, nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ.
Quy mô và tốc độ của cuộc cải tổ này đã dấy lên không ít thắc mắc và hồ nghi, khiến ông Rattner quyết định lên tiếng giải thích rõ ràng mọi việc. Ông tin rằng sự can thiệp mạnh tay của chính phủ không phải là một hình thái bảo hộ như một số người đã lo lắng, mà là một phần cần thiết trong nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ về kinh tế.
Dưới đây là những gì ông Rattner nói về quyết định sa thải CEO Rick Wagoner của GM:
“Mọi người đều biết Detroit (các nhà sản xuất ô tô Mỹ) nổi tiếng là thiển cận và chậm tiến. Ngay cả khi đã chuẩn bị tinh thần như vậy, tôi vẫn bị sốc trước bộ máy quản lý quá tệ ở đó, đặc biệt là GM, nơi có hoạt động tài chính có lẽ là yếu nhất chúng tôi từng thấy tại một công ty lớn.
Ví dụ, theo các thỏa thuận cho vay trước đây của chính phủ Mỹ, Bộ Tài chính sẽ duyệt mọi giao dịch bất thường trị giá trên 100 triệu USD của GM. Ngay ngày đầu về làm tại Bộ Tài chính, tôi đã nhận được đề nghị duyệt chi của GM, và chúng tôi phát hoảng khi thấy không hề có những phân tích cụ thể và thuyết phục để làm căn cứ duyệt chi.
Những yếu kém về văn hóa doanh nghiệp cũng gây sốc không kém. Tại trụ sở GM, tòa nhà Renaissance, văn phòng của lãnh đạo cấp cao nằm ở tầng cao nhất, sau những lần cửa khóa kỹ và kính bảo vệ. Lãnh đạo làm việc trên tầng đó có thẻ thang máy cho phép họ lên/xuống thẳng gara riêng mà không phải dừng lại ở bất cứ tầng nào giữa chừng.
Rõ ràng là Rick và các cộng sự của ông ấy có chiều hướng cho rằng hầu hết những rắc rối của họ là do sự kết hợp của cuộc khủng hoảng tài chính, giá dầu, tỷ giá yên-USD và Nghiệp đoàn ngành ô tô (UAW).
Chúng tôi đã đi đến thống nhất là bất cứ ban lãnh đạo nào từng “đốt” 21 tỷ USD tiền mặt mỗi năm và đã tiêu 13 tỷ USD trong quý I/2009 đều không được phép tiếp tục điều hành. Thêm vào đó, bản kế hoạch tái cơ cấu của GM đệ trình chính phủ hồi tháng 2 chỉ giống như một bản kế hoạch kinh doanh thông thường, chứ không phải một bản kế hoạch mới thật quyết liệt mà chúng tôi cho là cần thiết với GM.
Cuộc trò chuyện của tôi với Rick dừng ở đó. Ngày hôm sau, tôi đã gặp phó của Rick, ông Fritz Henderson. Một người đã gắn bó cả đời với GM (con trai của một người cũng cả đời làm cho GM), Fritz mang trong mình nhiều năng lượng và sự cởi mở hơn. Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi là liệu GM sẽ khá hơn dưới sự điều hành của Fritz hay của một người từ bên ngoài, như Ford đã làm khi mời CEO khi đó của Boeing là Alan Mulally. Vừa lo lắng không biết Fritz có thể đem đến sự thay đổi lớn mà GM đang cần không, tôi vừa lo khả năng phải tìm một CEO dũng cảm giữa thời điểm hỗn loạn.
Trong khi đó, nếu cần phải xốc lại ban giám đốc nào thì đó chính là của GM. Chúng tôi đã quyết định đề xuất với Tim, Larry, và cuối cùng là Tổng thống việc thay thế Rick bằng Fritz ở vị trí CEO tạm thời, thay đổi ít nhất là một nửa ban giám đốc, và chọn một chủ tịch ở bên ngoài.”
Nhật Minh
Theo Fortune