Lãnh đạo hãng pin lớn nhất thế giới chê ông chủ Tesla không biết làm pin
(Dân trí) - Nhà sáng lập của hãng pin CATL cho rằng việc Tesla đặt cược vào pin hình trụ 4680 là đi vào ngõ cụt, sẽ không bao giờ thành công.
Contemporary Amperex Technology Limited (CATL) hiện là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới và ông Robin Zeng, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty, không đồng quan điểm với tỷ phú Elon Musk về nhiều vấn đề.
Tesla đã đặt cược lớn vào năm 2020 khi thông báo phát triển một định dạng pin mới cho xe điện - pin 4680. Loại pin này đang được dùng cho xe bán tải điện Cybertruck, sau khi đã được sử dụng trong một số ít xe Model Y.
Dạng pin hình trụ tròn này được giới thiệu là có mật độ năng lượng cao hơn so với các loại pin 2170 và 1865, vốn lần lượt được sử dụng cho các mẫu Model Y và Model 3, cũng như Model S và Model X. Nó cũng được cho là có chi phí sản xuất rẻ hơn, lắp ráp dễ hơn.
Gần đây, Tesla đã thông báo đã xuất xưởng viên pin 4680 thứ 100 triệu. Đây là một cột mốc lớn, cho thấy công ty đã tăng sản lượng loại pin độc quyền này, đạt công suất 495.000 viên pin mỗi ngày, đủ để cung ứng cho 368 chiếc Cybertruck.
Tuy nhiên, CATL lại cho rằng việc theo đuổi dạng pin hình trụ tròn này là một con đường cụt. Theo hãng tin Reuters, ông Robin Zeng đã nói "vỗ mặt" CEO Elon Musk của Tesla rằng việc đặt cược vào pin hình trụ 4680 sẽ thất bại và không bao giờ thành công.
"Chúng tôi đã có một cuộc tranh luận lớn về vấn đề này, và tôi đã chứng minh cho ông ấy. Ông ấy chỉ im lặng. Ông ấy không biết cách chế tạo pin. Đây là vấn đề hóa điện, còn ông ấy giỏi về chip, phần mềm, phần cứng, và cơ khí", ông Zeng nói.
Không chỉ vậy, ông Zeng có một số lưu ý về việc ông Musk đưa ra các mốc thời gian không tưởng cho loạt sản phẩm mới. "Vấn đề của ông ấy là hứa hẹn quá đà. Tôi đã nói với ông ấy rằng có thể phải cần tới 5 năm để làm việc gì đó, nhưng ông ấy lại nói là 2 năm. Ông ấy nói rằng ông ấy muốn tạo sức ép cho mọi người", ông Zeng nói.
Tỷ phú Elon Musk đã thúc đẩy ý tưởng rằng các xe Tesla sẽ có khả năng tự lái trong suốt một thập kỷ qua. Lời hứa này lên đến đỉnh điểm với việc giới thiệu mẫu taxi tự lái Cybercab, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2026 mà không cần vô lăng hay bàn đạp.
"Ông ấy có lẽ cũng tự nhủ rằng cần 5 năm, nhưng nếu bạn tin rằng chỉ cần hai năm như ông ấy nói thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn", ông Zeng chia sẻ với Reuters.
Hai bên đã gặp nhau ở Bắc Kinh vào tháng 4, và theo Reuters, cả hai thường xuyên thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau. Đáng chú ý, CATL là nhà cung cấp chính cho nhà máy Tesla tại Thượng Hải, nơi lắp ráp các mẫu Model 3 và Model Y để phục vụ thị trường nội địa và quốc tế. Tesla cũng đã mua quyền sử dụng công nghệ của CATL cho cơ sở sản xuất pin mới của hãng ở Nevada (Mỹ), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới.
Pin hình trụ tròn 4680 của Tesla sử dụng công nghệ lithium-ion với cực dương làm từ nickel-cobalt-mangan (NCM). Trong khi đó, CATL chuyên sản xuất các tế bào pin lithium sắt photphat (LFP) hình lăng trụ.
Gần đây, gã khổng lồ Trung Quốc này đã giới thiệu pin sodium-ion dành cho tiêu dùng phổ thông; loại pin này thậm chí còn có chi phí sản xuất rẻ hơn so với pin LFP.