Khám phá 2 mẫu BYD vừa được mở bán tại VMS 2024
(Dân trí) - BYD mang bộ đôi sản phẩm ô tô điện vừa ra mắt chưa đầy một tuần đến VMS 2024. Trong đó, mẫu xe thuộc phân khúc MPV cỡ trung - nơi VinFast vẫn còn bỏ trống - thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
Trong lần đầu tiên tham dự Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024, BYD là một trong những thương hiệu có gian hàng để lại nhiều ấn tượng với giới báo chí, truyền thông và đông đảo khách tham quan bởi các mô hình ô tô điện và hybrid của mình.
BYD M6
Được giới thiệu là MPV cỡ trung, BYD M6 sẽ chạm trán Toyota Innova Cross và 2 "tân binh" cũng đang có mặt tại VMS 2024 là MG G50 và GAC M6 Pro. So với mức 1,23 tỷ đồng của "đồng hương" Haima 7X-E, giá bán 756 triệu đồng cho chiếc xe đa dụng thuần điện (MPEV) của BYD hấp dẫn và cạnh tranh hơn hẳn.
Không "SUV hóa" như một số đối thủ, nhà sản xuất chọn duy trì những đường nét mềm mại của MPV truyền thống ở ngoại thất của M6. Khu vực đầu xe đậm chất BYD với ngôn ngữ thiết kế Dragon Face (mặt rồng), gồm dải trang trí màu bạc to bản nối liền cụm đèn pha full-LED dạng thấu kính. Khe hút gió ở cản trước được cách điệu phù hợp với tổng thể.
Thân xe đơn giản với đường gân dập nổi duy nhất chạy từ trước ra sau, các cột màu đen bóng tạo ra hiệu ứng "mui bay" được bao quanh bởi dải trang trí mạ crôm thanh mảnh.
Điểm cộng dành cho chiếc BYD là hệ thống treo liên kết đa điểm phía sau - nhỉnh hơn hầu hết xe đa dụng đồng hạng vẫn còn "trung thành" với treo thanh xoắn. La-zăng 17 inch và phanh đĩa trên 4 bánh xe là trang bị mặc định.
Đèn hậu LED với đồ họa 5 vạch dọc cùng thanh mạ crôm vắt ngang cửa hậu là điểm nhấn ở phía sau, đi cùng cánh lướt gió và ăng-ten vây cá mập. Cốp chỉnh cơ sẽ gây ra đôi chút bất tiện cho những ai có chiều cao khiêm tốn hoặc "chân yếu, tay mềm" bởi cơ chế đóng cốp khá nặng.
Nội thất của M6 tối giản nhưng có phần chững chạc, phổ thông hơn Atto 3, Dolphin. Hầu hết cụm điều khiển tập trung vào màn hình cảm ứng 12,8 inch đặt nổi trên bảng táp-lô có khả năng xoay 90 độ để hiển thị ngang hoặc dọc, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto, đi kèm 6 loa âm thanh.
Nhiều bề mặt được bọc da nhân tạo hoặc nhựa mềm, song hành cùng nhựa giả gỗ sần và nhựa đen bóng. Trải nghiệm nhanh của phóng viên Dân trí cho thấy các mối ghép được hoàn thiện chắc chắn, ít gây ra âm thanh khó chịu khi tiếp xúc, song chất lượng vật liệu vẫn có thể được cải thiện.
Trái với phần còn lại trong dải sản phẩm BYD tại Việt Nam, M6 chỉ dùng bảng đồng hồ analog đi kèm màn hình màu 5 inch. Một số tiện nghi đáng chú ý khác trên mẫu MPEV hiếm hoi tại Việt Nam bao gồm điều hòa tự động 2 vùng độc lập có lọc bụi mịn PM2.5, mở/khóa cửa và khởi động động cơ bằng thiết bị hỗ trợ NFC, cửa sổ lên/xuống một chạm và chống kẹt ở tất cả vị trí, khởi động từ xa, cần số điện tử và phanh tay điện tử tích hợp Auto Hold.
Chiếc xe dành cho thị trường Việt Nam được bố trí ghế theo cấu hình 2-3-2 thay vì chỉ 6 chỗ ngồi như tại Thái Lan, phù hợp với cả nhóm khách hàng gia đình lẫn kinh doanh dịch vụ vận tải.
Hàng ghế thứ 2 của M6 rộng rãi cả về khoảng trần lẫn khoảng trống để chân, cũng như khoảng cách từ mặt ghế đến sàn cung cấp được mức nâng đỡ cần có cho vùng đùi của người ngồi - điều mà không phải chiếc xe điện phổ thông nào cũng làm được.
Hành khách có thể điều chỉnh tịnh tiến và thay đổi độ ngả lưng của ghế, nhưng mức ngả tối đa không tốt bằng Xpander, Veloz Cross ở phân khúc thấp hơn.
Hàng cuối cùng chỉ nên dành cho những người có chiều cao từ 1,7m trở xuống. Cửa gió điều hòa được lắp đặt âm trần là một điểm sáng. Thể tích khoang hành lý dao động trong khoảng 180-950 lít.
Phương diện an toàn trên M6 không quá nổi trội so với các đối thủ đồng hạng. Ngoài hỗ trợ phanh ABS/EBD, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc hay hệ thống can thiệp chống lật, chiếc MPEV còn sở hữu 6 túi khí, hệ thống chống tăng tốc ngoài ý muốn (hạn chế va chạm do đạp nhầm chân ga), cảm biến áp suất lốp, 4 cảm biến lùi và hệ thống camera 360 độ có chế độ xuyên gầm sắc nét. Các tính năng ADAS hoàn toàn "vắng mặt" trên mẫu xe hơn 750 triệu đồng này.
Chịu trách nhiệm dẫn động chiếc BYD là động cơ điện nằm ở cầu trước với công suất tối đa 161 mã lực và mô-men xoắn cực đại 310Nm, kết hợp với bộ pin LFP Blade 55,4kWh, cho phạm vi hoạt động tối đa 420km. Thời gian sạc nhanh nhất từ 10% lên 80% là 40 phút với công suất nhận sạc DC 89 kW, sạc AC giới hạn ở mức 7 kW.
Tính năng Vehicle-to-Load (V2L) cho phép chủ xe chuyển đổi công năng chiếc M6 thành máy phát điện di động với công suất tối đa 2.000W, đủ sức duy trì hoạt động các thiết bị điện thiết yếu trong vài ngày.
BYD Han
Với số tiền tương đương 2 chiếc M6, người tiêu dùng trong nước có thể sắm chiếc BYD Han. Mẫu xe này được định vị cao hơn Seal, ngang ngửa BMW 5-Series và Mercedes-Benz E-Class, song chiều dài cơ sở 2.920mm bằng chính "đàn em" và kém đôi chút những chiếc sedan hạng sang kể trên.
BYD Han được phân phối với duy nhất phiên bản Performance cùng giá bán 1,489 tỷ đồng, đắt hơn 130 triệu đồng so với Seal bản cao cấp. Yếu tố nổi bật nhất trong khả năng vận hành của BYD Han nằm ở cặp mô-tơ điện (1 trước, 1 sau) sản sinh tổng công suất 507 mã lực và mô-men xoắn cực đại 700Nm, cùng khả năng tăng tốc 0-100km/h chỉ trong 3,9 giây - tương đương chiếc xe sang thuần điện Porsche Taycan 4S đắt hơn Han 4 tỷ đồng.
Cụm pin LFP Blade trên Han có dung lượng khả dụng 85,44kWh, đủ sức cho chiếc sedan này lăn bánh tối đa 521km (chuẩn WLTP) sau mỗi lần sạc đầy. Xe hỗ trợ công suất sạc DC tối đa 120 kW, đồng nghĩa với việc nạp bộ pin từ 30-80% chỉ mất khoảng 30 phút.
Tuy nhiên, người dùng sẽ mất đến 13 tiếng để sạc từ lúc cạn đến đầy bằng bộ sạc AC 6,6kW. Tính năng V2L vẫn xuất hiện trên chiếc sedan đầu bảng của BYD tại Việt Nam.
Thiết kế ngoại và nội thất của BYD Han theo đuổi phong cách lịch lãm, cứng cáp và thể thao, tiết chế vẻ mềm mại như Seal. "Gương mặt" của Han vẫn lấy tâm điểm là thanh màu bạc to bản kết nối với cụm đèn pha full-LED dạng pha lê tự động thích ứng thuộc ngôn ngữ thiết kế Dragon Face như chiếc M6. Ngay bên dưới là hốc gió trung tâm và khe hút gió ở góc cản va được thiết kế uốn lượn và phủ màu đen bóng, củng cố vẻ sang trọng.
Nắp ca-pô "tràn" ra sát bánh xe theo kiểu vỏ sò như trên nhiều mẫu xe thể thao thực thụ, đồng thời là điểm bắt đầu của đường gân dập nổi thẳng tắp dọc thân xe.
Các chi tiết như dải trang trí đính trên cánh cửa phía trước, đường chân kính và gương chiếu hậu được phủ sáng màu thay vì đen bóng như "đàn em", song cột C và ốp babule được cách điệu theo hình mang cá vẫn hiện diện. Tay nắm cửa dạng ẩn điều chỉnh điện nhưng cơ chế hoạt động ổn định hơn.
Ẩn sau la-zăng 19 inch với kiểu dáng cầu kỳ là hệ thống phanh hiệu năng cao do Brembo cung cấp với cùm phanh 4 piston, đảm bảo người lái có thể kiểm soát chiếc "xế hộp" mạnh 500 mã lực một cách tự tin và an toàn. Dàn treo MacPherson phía trước và liên kết đa điểm phía sau quen thuộc.
Đuôi xe đầy đặn và ấn tượng với đèn hậu vắt ngang cửa hậu kiểu đan dây cổ điển và lạ mắt. Trên chiếc sedan đắt tiền nhất của mình, nhà sản xuất vẫn giữ nguyên dòng chữ "BUILD YOUR DREAM" như nhiều mẫu xe ra mắt trước đây thay vì thu gọn thành "BYD" như dòng sản phẩm mới. Cốp điện tích hợp tính năng đóng/mở rảnh tay.
Tính khí động học của các mẫu BYD luôn thuộc nhóm tốt hàng đầu so với các đối thủ đồng hạng và Han cũng không phải là ngoại lệ với hệ số cản gió chỉ 0,233 Cd.
Khoang lái của BYD Han toát lên vẻ xa hoa, trang nhã, đồng thời có phần liền lạc và đồng nhất giữa cách bày trí và tạo hình các chi tiết hơn Seal. Loạt vật liệu cao cấp như da Nappa, nhựa mềm, sợi carbon, kim loại và các chi tiết mạ crôm được áp dụng khắp không gian bên trong.
Cửa gió điều hòa ở rìa ngoài "hoành tráng" và ăn nhập với mảng ốp nhôm trên cánh cửa, ngay bên cạnh có tấm ốp đen bóng tích hợp đèn LED theo phong cách đặc trưng của các ô tô đến từ đất nước tỷ dân.
"Đội ngũ nhân viên" phục vụ chủ xe và hành khách đi cùng có nhiều cái tên tiêu biểu như hàng ghế trước chỉnh điện tích hợp tính năng thông gió/sưởi và nhớ 2 vị trí ghế lái, vô-lăng chỉnh điện có sưởi, gương chiếu hậu chống chói tự động, sạc không dây chuẩn Qi, cửa sổ trời toàn cảnh, đèn viền nội thất 128 màu, điều hòa tự động với công nghệ lọc bụi mịn PM2.5, CN95 và máy tạo ion âm.
Điểm trừ lớn dành cho BYD Han là sự "khan hiếm" cổng sạc USB-C khi chỉ có 1 cổng USB-C ở hàng ghế trước, trong khi 3 cổng còn lại đều là USB-A.
Hàng ghế sau được bố trí tới 2 màn hình: 1 cái cỡ nhỏ được đặt ngay dưới cửa gió phục vụ các chức năng điều hòa và 1 màn hình LCD 7 inch đảm nhiệm thao tác chỉnh ghế, điều hòa, hệ thống thông tin - giải trí… Bên hông ghế hành khách phía trước được bố trí cụm nút cho phép "ông chủ" mở rộng không gian để chân theo ý thích.
Khả năng đảm bảo an toàn cho người ngồi trong lẫn bên ngoài được đầu tư bài bản với tổng cộng 9 túi khí, camera 360 độ với khả năng quan sát xuyên gầm, 8 cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước/sau cùng gói công nghệ hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS) gồm kiểm soát hành trình thích ứng hoạt động ở mọi vận tốc, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn đường và hỗ trợ giữ làn, hỗ trợ chuyển làn đường và nhận diện biển báo giao thông. BYD Han thậm chí có cả tính năng hỗ trợ xuống dốc - thứ hiếm thấy trên một mẫu sedan.