Honda CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng lợi thế

(Dân trí) - Sau những lần chuyển đổi, Honda một lần nữa lắp ráp mẫu crossover cỡ C của mình tại nhà máy ở Vĩnh Phúc. Chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp không chỉ riêng CR-V 2020, gần đây còn có Xpander AT 2020.

Chiều 20/7, Honda Việt Nam đã làm "Lễ xuất xưởng" dòng xe CR-V 2020 tại nhà máy Vĩnh Phúc, trước khi ra mắt chính thức vào ngày 30/7 tới.

Như vậy, sau hơn hai năm chuyển sang nhập khẩu Thái Lan, mẫu ô tô này một lần nữa được lắp ráp tại Việt Nam.

Honda CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng lợi thế - 1

CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam sẽ ra mắt khách hàng vào cuối tháng này

Nhờ nguồn gốc mới, Honda CR-V đủ điều kiện để hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng đến hết năm nay. Với tầm giá quanh mức 1 tỷ đồng, khách hàng có thể tiết kiệm 50-60 triệu đồng khi lăn bánh model 2020.

Thực tế, việc chuyển sang lắp ráp CR-V thế hệ mới còn để đảm bảo nguồn cung khi doanh số xe ngày càng tốt. Đây là crossover cỡ C bán chạy nhất năm 2019 với 13.337 xe. CR-V cũng bán được nhiều hơn CX-5 hay Tucson trong nửa đầu năm 2020.

Cuối năm 2017, Honda CR-V thế hệ thứ 5 ra mắt thị trường Việt Nam với dạng nhập khẩu nguyên chiếc, khép lại hoạt động lắp ráp dòng xe này của liên doanh Nhật Bản.

Honda CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng lợi thế - 2

Phiên bản 2020 của CR-V không có thay đổi lớn về ngoại hình so với trước

Động thái này nhằm đón thuế ưu đãi 0% từ các nước ASEAN nhờ Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ đầu 2018. Tuy nhiên, phải đến tháng 5/2018 thì Honda Việt Nam mới bán ra dòng xe nhập khẩu do cần thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính.

Như vậy hiện nay, liên doanh Nhật Bản đang lắp ráp hai mẫu ô tô tại Việt Nam là City và CR-V. Đây đều là hai xe chủ lực của Honda trên thị trường, trong đó City được lắp ráp từ sớm khi đạt mức doanh số cao, thậm chí có tháng đứng đầu phân khúc.

Bài toán nhập khẩu - lắp ráp của các hãng xe

Câu chuyện chuyển sang lắp ráp không chỉ xảy ra với riêng CR-V 2020 mà gần đây còn có Xpander AT 2020. Mẫu MPV này được xuất xưởng tại nhà máy của Mitsubishi ở Bình Dương, bắt đầu đến tay khách hàng từ tháng 8.

Honda CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng lợi thế - 3

Lắp ráp trong nước không đảm bảo cho giá bán ô tô rẻ hơn, nhưng từ nay đến cuối năm khách hàng sẽ được lợi nhờ ưu đãi phí trước bạ

Liên doanh Nhật Bản bán song song Xpander nhập khẩu và lắp ráp với mức giá bằng nhau, thiết kế và trang bị giống hệt nhau. Tuy nhiên do nguồn gốc mới, xe lắp ráp sẽ có chi phí lăn bánh rẻ hơn khoảng 30 - 40 triệu đồng do hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.

MG, thương hiệu xe Anh nay thuộc sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc, vừa quay lại Việt Nam, cũng lên kế hoạch lắp ráp trong năm 2021. Trước đó, MG sẽ nhập khẩu xe từ Thái Lan để hưởng thuế 0%, thay vì thuế 10% với xe từ Trung Quốc như hiện nay.

Theo các chuyên gia trong ngành, chuyện các hãng lắp ráp hay nhập khẩu ô tô phụ thuộc đồng thời vào hai yếu tố chính. Trước hết, lượng xe tiêu thụ và tiềm năng thị trường phải đủ để đảm bảo cho dây chuyền có thể hoạt động, bởi chi phí đầu tư ban đầu là rất lớn.

Thứ hai, các chính sách của chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí là lợi thế rõ rệt cho xe lắp ráp so với xe nhập khẩu. Có như vậy, các hãng mới “mặn mà” với việc lắp ráp xe tại Việt Nam, từ đó hỗ trợ nền ô tô trong nước, giải quyết các vấn đề lao động, việc làm.

Đình Nam