Hãng taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có gì khác taxi truyền thống?
(Dân trí) - Thông qua việc trải nghiệm taxi điện không mùi, không tiếng động và mang lại lợi ích cho sức khỏe lâu dài, người dùng sẽ hiểu và mở lòng hơn với các sản phẩm "xe xanh".
Ngày 23/3, gần 50 chiếc VinFast VF e34 với ngoại thất sơn xanh Cyan - màu nhận diện thương hiệu Taxi Xanh SM, đã chính thức được bàn giao cho Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM). Đây là loạt xe sẽ được GSM đưa vào kinh doanh dịch vụ taxi điện với thương hiệu Taxi Xanh SM trong tháng 4.
GSM là công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, đồng thời là cổ đông chính với 95% cổ phần. Hai dòng sản phẩm chính của công ty gồm: taxi tiêu chuẩn sử dụng VF e34 và VF 5, taxi cao cấp sử dụng xe VF 8.
Hướng tới mục tiêu "phủ sóng" xe xanh
Với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các dòng xe ô tô điện đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách Việt do lợi thế được miễn 100% lệ phí trước bạ. Tuy nhiên do những điều kiện khác nhau, nhiều người chưa thể hoặc chưa muốn sở hữu xe điện.
Vì vậy, GSM hướng tới việc đem lại cho khách hàng những trải nghiệm phương tiện xanh, giá cả hợp lý. "Chúng tôi tin rằng nếu được trải nghiệm thực tế các tính năng thông minh trên xe, sẽ có nhiều người mong muốn sở hữu xe điện, từ đó thay đổi thói quen để hướng tới cái đích chung là một môi trường giảm thiểu ô nhiễm", ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM chia sẻ.
Taxi điện khác gì so với taxi truyền thống?
Theo ông Thanh, mô hình kinh doanh taxi điện của GSM giống với mô hình taxi truyền thống về mặt vận hành nhưng khác biệt ở 3 yếu tố:
- Phương tiện: hoàn toàn sử dụng xe điện, đem tới cho người dùng trải nghiệm mới như không ồn, không mùi, không khói bụi, tốt cho sức khỏe.
- Công nghệ: người dùng có thể đặt taxi thông qua số tổng đài của hãng, đặt taxi tại các khu vực có điểm đỗ taxi hoặc ứng dụng thông minh của hãng.
- Dịch vụ: GSM đảm bảo sẽ kiểm soát chất lượng dịch vụ thông qua đội ngũ tài xế được đào tạo bài bản, hướng tới việc đem lại dịch vụ 5 sao cho khách hàng.
Về mức phí taxi điện, GSM chưa công bố chi tiết nhưng ông Thanh khẳng định sẽ cạnh tranh so với thị trường.
"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi khi thành lập Công ty GSM là để thúc đẩy quá trình xanh hóa giao thông công cộng thông qua trải nghiệm của người dùng với phương tiện điện, để đông đảo người dân có thể trải nghiệm những ưu điểm của xe điện với mức chi phí hợp lý", ông Thanh bổ sung.
GSM có phải là "con dao hai lưỡi" đối với VinFast?
Giới chuyên gia nhận định, việc đem lại trải nghiệm cho người dùng thông qua hình thức taxi điện có thể xem là một hình thức tiếp thị giúp VinFast tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng. Có mặt lợi cũng có mặt hại, nếu chất lượng xe điện chạy dịch vụ có vấn đề, đặc biệt khi taxi là phương tiện có tần suất sử dụng rất cao thì hãng xe Việt có thể gặp phải những ảnh hưởng xấu.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Thanh khẳng định GSM rất tự tin vào chất lượng của xe điện VinFast. Bên cạnh đó, hãng cũng mong muốn nhận được những đóng góp thiện chí từ phía người dùng để cải thiện sản phẩm nếu có lỗi.
"Thực tế các bản cập nhật phần mềm đã xử lí hầu hết các lỗi hiện tại mà người dùng phản ánh và nhìn chung khách hàng đều hài lòng", ông Thanh chia sẻ.
Sau xe buýt điện VinBus, taxi điện sẽ là giải pháp di chuyển hứa hẹn tạo ra sự chuyển biến lớn đối với các thành phố lớn tại Việt Nam, đặc biệt khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.