Giao xe cho người khác lái: Tình huống phổ biến, nguy cơ phạm luật hình sự

Nhật Minh

(Dân trí) - Đây là tình huống mà nhiều chủ xe có thể rơi vào, như khi đi rửa xe, vào nhà hàng, khách sạn, hay gửi xe dưới hầm chung cư...

Giao xe cho người khác lái: Tình huống phổ biến, nguy cơ phạm luật hình sự - 1

Chiếc Mercedes-Maybach S560 được chủ xe giao cho một nhân viên bảo vệ lái đã đâm hàng loạt xe máy rồi lao vào chốt bảo vệ hầm chung cư 6th Element vào sáng 27/5 tại Hà Nội (Ảnh: Tiến Mạnh).

Sáng 27/5 ở Hà Nội, xe Mercedes Maybach tông hàng loạt xe máy trong hầm chung cư 6th Element (phường Xuân La). Công an quận Tây Hồ cho biết, chủ ô tô Mercedes S560 Maybach giao xe cho một nhân viên bảo vệ lái vào vị trí đỗ thì xảy ra sự việc.

Giao một tài sản lớn như ô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe) là việc tưởng chừng hiếm khi xảy ra, nhưng trên thực tế lại khá phổ biến.

Thường gặp nhất hiện nay là tình huống giao chìa khóa ô tô cho nhân viên hoặc chủ cửa hàng rửa xe, hoặc nhân viên bảo vệ tại các nhà hàng, khách sạn để họ đưa xe vào chỗ đỗ dù không biết họ có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông hay không. Đây là việc làm vi phạm quy định pháp luật và có nguy cơ bị xử phạt nặng nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 58 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.

Trong khi đó, Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nghiêm cấm hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ".

Nếu giao xe ô tô hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, thì chủ xe có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng lên đến 6.000.000 đồng nếu là cá nhân hoặc từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 nếu là tổ chức, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.

Giao xe cho người khác lái: Tình huống phổ biến, nguy cơ phạm luật hình sự - 2

Nhân viên bảo vệ lái chiếc Mercedes-Maybach S560 tông 18 xe máy ở hầm chung cư 6th Element (Hà Nội) hôm 27/5 được xác định là chưa có giấy phép lái xe (Ảnh: Đào Tuấn).

Trong trường hợp có căn cứ xác định chủ xe biết rõ một người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông (không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; không đủ các điều kiện khác) mà vẫn cho mượn và thiệt hại xảy ra đến mức nghiêm trọng thuộc các trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Về trách nhiệm bồi thường cho người và tài sản bị thiệt hại do hành vi vi phạm luật giao thông gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự. Người điều khiển xe vi phạm luật giao thông gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn và tài sản bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, phù hợp với mức độ thiệt hại trên thực tế.

Trường hợp lái ô tô gây tai nạn trong hầm để xe chung cư, theo quy định tại Điều 39, Luật Giao thông đường bộ 2008, mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống, gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Như vậy, hầm để xe của tòa nhà không thuộc mạng lưới giao thông đường bộ và tai nạn xảy ra trong hầm để xe chung cư không thuộc nhóm hành vi liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, dù không xảy ra trên đường giao thông nhưng việc để xảy ra tai nạn gây hậu quả làm người khác bị thương và phương tiện hư hỏng nặng, thì tùy theo hành vi vi phạm và mức độ hậu quả có thể bị xử lý hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc điều tra, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn.

Điều 264 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm