Giáo viên dạy lái xe nói gì về hình ảnh "hack" thiết bị DAT để gian lận?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Với cấu tạo về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường và quy trình đào tạo cấp giấy phép lái xe hiện nay, các giáo viên dạy lái khẳng định không có khả năng "hack" DAT để gian lận quãng đường.

Trên các diễn đàn, hội nhóm về ô tô đang lan truyền hình ảnh về một chiếc ô tô màu trắng, gắn bên trong rất nhiều thiết bị điện tử được cho là công cụ đo đếm quãng đường khi học lái xe. Trong ảnh, ghế sau của ô tô này đặt nhiều thiết bị có màn hình hiển thị, nối lên nóc xe là những vật màu đen được cho là bộ thu nhận sóng hệ thống định vị GPS.

Giáo viên dạy lái xe nói gì về hình ảnh hack thiết bị DAT để gian lận? - 1

Hình ảnh được cho là "hack" thiết bị DAT để gian lận quãng đường học thực hành lái xe đang lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình Facebook).

Từ giữa tháng 6/2022, thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông vận tải quy định các xe ô tô tập lái đều phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Học viên bắt buộc phải hoàn thành 24 giờ lái xe thực tế với quãng đường 710 km với giấy phép hạng B1 số tự động; còn hạng B2 và B1 số sàn phải chạy đủ tối thiểu 40 giờ với quãng đường 810 km.

Bởi vậy, hình ảnh và thông tin được cho là hack số quãng đường học viên học lái đường trường nói trên nhanh chóng gây xôn xao cộng đồng mạng. Tuy nhiên, một số người cho rằng, nhiều khả năng đây là hoạt động kiểm tra thiết bị DAT của trung tâm đào tạo lái xe.

Sau khi xem hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, ông Trần Đức Trung Thông - một giáo viên dạy lái xe tại Nghệ An cho rằng, với quy định và chương trình đào tạo lái xe hiện hành thì không có khả năng gian lận trong quá trình thực hành lái xe trên đường.

Giáo viên dạy lái xe nói gì về hình ảnh hack thiết bị DAT để gian lận? - 2

Hình ảnh thực tế của học viên được camera (khoanh đỏ) ghi nhận, đồng bộ với dữ liệu trong thiết bị DAT.

"Thông tin và nhận diện khuôn mặt của từng học viên được tích hợp trong một thẻ từ riêng, dùng để đăng nhập, đăng xuất trong quá trình học thực hành lái xe trên đường. Các thông tin nhận diện khuôn mặt học viên sẽ được đồng bộ với hình ảnh nhận diện camera đặt trong cabin xe.

Trong suốt quá trình học, cứ 3 đến 5 phút nó sẽ nhận diện một lần, nếu hình ảnh camera thu được không đúng với khuôn mặt được tích hợp thông tin trong thẻ thì thiết bị sẽ phát thông báo nhận diện sai. Nếu thiết bị nhận diện sai nhiều lần, quá trình học đó sẽ không được ghi nhận, tức là học viên sẽ không đủ điều kiện để được thi sát hạch, cấp bằng lái xe.

Việc lắp các thiết bị DAT ở ghế sau xe như hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội không có tác dụng gì bởi không có camera để nhận diện học viên nên dẫu thiết bị có di chuyển theo xe thì quá trình học của học viên cũng không được ghi nhận", ông Thông cho hay.

Theo ông Trần Đức Trung Thông, việc lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường đảm bảo ý thức của học viên và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe và kỹ năng lái xe của học viên.

Giáo viên dạy lái xe nói gì về hình ảnh hack thiết bị DAT để gian lận? - 3

Nếu thông tin học viên được thu nhận từ camera không đúng với thông tin nhận diện tích hợp trong thẻ từ dùng để đăng nhập DAT, quá trình học của học viên không được ghi nhận, do đó không đủ điều kiện tham gia sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ông Nguyễn Thái Phúc, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo lái xe ô tô tại TP Vinh cũng cho rằng, không có khả năng hack thiết bị chạy DAT để gian lận trong quá trình học thực hành đường trường của học viên.

"Trên một phương tiện dạy lái chỉ lắp được một thiết bị DAT. Cùng một thời điểm thiết bị DAT chỉ ghi nhận được một học viên. Học viên trước khi đi đường trường thì phải trải qua các bước: lấy dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt, các thông tin này được tích hợp trong một chiếc thẻ từ, được phát khi học viên có lịch học lái xe đường trường để đăng nhập thiết bị DAT. Khi thiết bị DAT nhận diện đúng khuôn mặt của học viên thì mới đồng ý cho thực hiện phiên học của học viên đó", ông Phúc phân tích.

Từ những phân tích về cấu tạo thiết bị DAT cũng như quy trình đào tạo cấp giấy phép lái xe hiện hành, ông Phúc khẳng định không thể gian lận trong quá trình học viên thực hiện bài học lái xe trên đường trường được như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua.

"Quy định về học thực hành lái xe trên đường trường là nhằm trang bị cho học viên những kỹ năng cần thiết trong quá trình vận hành phương tiện, ứng phó và xử lý các tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của học viên sau này cũng như người tham gia giao thông khác. Bởi vậy, học viên phải là người ý thức hơn ai hết trong việc nghiêm túc thực hiện các quy định về quy trình học lái xe", ông Thái Phúc nói thêm.