Giá ô tô trong nước cao do thuế phí bất hợp lý

(Dân trí) - Sau khi VinFast bất ngờ công khai bảng cơ cấu giá thành xe, dư luận đều bất ngờ trước tỉ lệ thuế chiếm tới gần một nửa giá bán hiện tại của ô tô thương hiệu Việt. Đáng lưu ý, Phó TGĐ VinFast khẳng định, đây là cơ cấu giá thành thực tế của ô tô VinFast bởi hãng không hề nhận được biệt đãi nào từ chính sách của Nhà nước.

Chuyên gia: Gánh nặng thuế phí là rào cản với sự phát triển của ngành sản xuất ô tô

Theo số liệu mà VinFast công bố thuế, phí đang chiếm tới gần 50% giá trị chiếc xe khi tới tay khách hàng. Đơn cử, trong giá bán 1,099 tỷ đồng của một chiếc Lux A2.0, tiền thuế lên tới 412,1 triệu đồng. Đó là chưa kể với giá bán hiện tại, VinFast đang chấp nhận bù cho khách hàng gần 300 triệu đồng/xe theo chính sách “3 Không cộng ưu đãi” để người tiêu dùng có thêm cơ hội sử dụng xe hơi thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) trả lời Vietnamnet: Thuế phí bất hợp lý đang là nguyên nhân chính đẩy giá xe ô tô sản xuất trong nước lên cao.

“Giá bán lẻ của một chiếc ô tô thực tế là sự cộng gộp của giá thành sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và chi phí phân phối, bán hàng... Trong đó, nặng nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt, lên tới 40%, rồi thuế giá trị gia tăng 10%”, TS. Ngô Trí Long nói.

Theo ASEANstats (Bộ phận Thống kê thuộc Ban Thư ký ASEAN), tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam hiện tại chỉ là 31 xe/1.000 dân. Đây là mức gần như thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, chỉ trên Campuchia.

Số liệu do ASEANstats công bố cũng cho thấy lượng xe mới đăng ký ở Việt Nam tăng rất chậm, chỉ đứng thứ 6 trong khu vực, với hơn 2 triệu xe đăng ký mới mỗi năm.

Phải chăng người Việt Nam không hào hứng với ô tô? Câu trả lời là KHÔNG. Thực tế, nhu cầu đó rất lớn và đang ngày một tăng cao.

Lý giải cho nghịch lý “nhu cầu mua cao - tỷ lệ mua thấp” nêu trên, TS. Ngô Trí Long tái khẳng định nguyên nhân là do “gánh nặng” thuế phí. Theo chuyên gia, hiện tại, người Việt Nam phải “mơ” mới mua được xe hơi với mức giá hợp lý, ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng chính sách thuế chồng thuế đánh vào ô tô hiện nay rất bất hợp lý. Việc này vừa khiến người tiêu dùng thiệt thòi, vừa không khuyến khích ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển.

“Ngành công nghiệp ô tô của chúng ta đi sau các nước trong khu vực đến 20 - 30 năm. Đến nay, chúng ta đã có thương hiệu xe hơi Việt đầu tiên là VinFast nhưng việc ban hành các chính sách hỗ trợ vẫn ì ạch, khiến doanh nghiệp phải tự bơi, người tiêu dùng thì chịu thiệt”.

“Nhà nước nên có ưu đãi để phát triển ô tô nội địa như Hàn Quốc, Malaysia hay Nhật Bản đã làm để Việt Nam có thể thực sự tự chủ trong ngành sản xuất xe hơi. Mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa của xe hơi sản xuất trong nước lên càng cao càng tốt, mà con số 60% của VinFast chính là một tín hiệu rất đáng mong chờ”, ông Long nhận định.

Giá ô tô trong nước cao do thuế phí bất hợp lý - 1

Thuế, phí đang chiếm tới gần 50% giá trị chiếc xe VinFast khi tới tay khách hàng

Cần thiết có chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước

Đồng quan điểm cho rằng việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước hiện còn bất hợp lý, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kêu gọi cần sớm thay đổi, nếu không sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của xe sản xuất trong nước.

“Hiện nay, ta vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với toàn bộ chiếc xe. Tôi nghĩ nên bóc tách ra. Phần nội địa hóa được thì cần phải khuyến khích, nếu mình vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý”, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng ô tô là ngành công nghiệp có vai trò đầu tàu, tạo điều kiện cho một loạt các ngành phụ trợ phát triển. Nhà nước tuy có quan tâm, nhưng các giải pháp cụ thể được thực hiện quá chậm trễ.

“Tôi thấy từ lâu Bộ Tài chính đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để phục vụ cho việc chế tạo các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Chính phủ nên sớm thông qua đề xuất này”, chuyên gia Phạm Chi Lan kiến nghị.

Trước thông tin VinFast cho biết doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào từ Nhà nước, là người nhiều năm theo dõi sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định Nhà nước cần có ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước tương tự như đã dành cho doanh nghiệp nước ngoài.

“Các hãng xe của Nhật, Hàn hay Mỹ đã nhận được nhiều ưu đãi về đất đai, thuế phí… trong hàng chục năm qua. Tôi tin là không nhỏ. Đó cũng là lý do vì sao họ gắn bó với Việt Nam đến bây giờ. Có nhiều ưu đãi mà những doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa như VinFast ra đời sau không được hưởng”.

Từ những phân tích trên, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần ủng hộ nhà sản xuất ô tô nội địa và phải ủng hộ bằng những giải pháp cụ thể. Không nên bắt doanh nghiệp “tự bơi” mãi theo cách “chịu lỗ để lấy thị trường” như VinFast đang phải chấp nhận làm thời gian qua.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm