"Dừng xe quá vạch cần phạt 18-20 triệu để trả lại đường cho người đi bộ"
(Dân trí) - Xe nào cũng cố nhoi lên trước vạch khi chờ đèn thì người đi bộ sang đường ở chỗ nào? Vạch dừng chính là ranh giới bảo vệ quyền lợi người đi bộ, ai vi phạm nên bị phạt thật nặng (Độc giả Hùng Trần).
Những ngày qua, đã diễn ra tranh luận sôi nổi xoay quanh vấn đề "Dừng xe quá vạch cũng bị phạt như vượt đèn đỏ". Tôi thấy ý kiến cho rằng lỗi dừng xe đè vạch hoặc quá vạch chỉ nên bị phạt như lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường" nhận được nhiều sự ủng hộ.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy văn bản pháp luật nêu khá rõ ràng: Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi, báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Tôi ủng hộ việc xác định hành vi dừng xe đè vạch hoặc quá vạch là không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, tức là áp chung mức phạt với lỗi vượt đèn đỏ.

Các phương tiện dừng đè vạch hoặc quá vạch chiếm chỗ sang đường của người đi bộ (Ảnh: Tố Linh).
Luật pháp cần rõ ràng và nghiêm minh. Có vạch dừng là để xác định vị trí dừng xe khi đèn vàng hoặc đèn đỏ. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc diễn giải của CSGT rằng vạch kẻ dừng có ý nghĩa như một hàng đinh, vượt qua tức là không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông.
Nếu không tôn trọng vạch dừng, các xe cứ nhoi lên trước vạch hoặc đè vạch khi dừng chờ đèn ở ngã ba, ngã tư thì còn đâu chỗ cho người đi bộ sang đường. Nếu vì bị chiếm mất chỗ, phải luồn lách qua các xe dừng chờ lấn vạch mà người đi bộ gặp tai nạn giao thông thì người đi ô tô, xe máy có bị truy cứu trách nhiệm không?
Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng khi tham gia giao thông, hãy tôn trọng phần vạch kẻ dành cho người đi bộ sang đường.
Theo tôi, những ai dừng xe đè vạch hoặc quá vạch mà lập luận rằng do lỡ trớn, do có ý thức không vượt đèn đỏ đều là ngụy biện. Nếu có ý thức tuân thủ luật giao thông và đảm bảo sự an toàn cho bản thân thì phải biết giảm tốc độ khi gần tới giao lộ. Chỉ cần làm được việc đó thì sẽ không có chuyện lỡ trớn mà dừng xe đè vạch hay quá vạch khi đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng hoặc màu đỏ.
Ở những nơi không có đồng hồ đếm ngược thì đèn tín hiệu giao thông màu xanh cũng nháy vài giây rồi mới chuyển sang vàng, đèn vàng nháy vài giây rồi mới chuyển sang đỏ, tức là đủ thời gian để các phương tiện dừng xe trước vạch. Luật có quy định nếu đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng khi xe đã qua vạch dừng hoặc đang trên vạch dừng thì có thể đi tiếp, không bị phạt cơ mà.
Tôi thấy như vậy là hợp tình hợp lý rồi, chỉ có ai giữ thói quen đi cố khi thấy đèn sắp hết màu xanh, hoặc lơ đãng, không tập trung quan sát, không kiểm soát tốc độ thì mới dễ rơi vào tình huống dừng xe đè vạch hoặc quá vạch.
Cũng có trường hợp đèn giao thông bị lỗi, nhưng không thể coi đó là điển hình. Khi đèn lỗi thì CSGT cũng sẽ xử lý linh hoạt theo tình hình thực tế hoặc theo hình ảnh do camera ghi lại, chứ không cố tình làm khó, xử ép người tham gia giao thông. Đừng lấy đó làm lý do để không tuân thủ vạch dừng.
Không thể chỉ dựa vào sự tự giác và ý thức của mỗi cá nhân để xây dựng môi trường giao thông văn minh. Có quy định mà không phạt nghiêm thì người dân sẽ nhờn luật, sai mà không biết mình sai, giao thông sẽ cực kỳ hỗn loạn.
Tôi rất ấn tượng với hình ảnh trên một đường cao tốc ở Đức dù đông nhưng các xe vẫn chừa lại một làn trống dành cho xe cấp cứu đi qua. Tất cả người tham gia giao thông phải cùng có ý thức thì mới làm được như vậy.
Đừng đẩy câu chuyện đi theo hướng "con gà và quả trứng", mỗi người cần xây dựng ý thức tự giác tuân thủ luật giao thông trước khi đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng và lực lượng thực thi pháp luật.
Thực tế cho thấy trong thời gian Nghị định 168/2024/NĐ-CP mới có hiệu lực, ô tô, xe máy dừng đèn đỏ rất ngay ngắn dưới vạch kẻ. Việc dừng xe dưới vạch không khó, chỉ cần chúng ta có ý thức là sẽ làm được. "Ngọc muốn sáng phải năng giũa mài", ý thức tuân thủ luật giao thông cần được rèn giũa trong khuôn khổ pháp lý.
Độc giả Hùng Trần
Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.