Đi cao tốc, tài xế cần làm 2 việc này trước ngày 1/8 để tránh bị phạt nặng

Gia An

(Dân trí) - Ngày 1/8 là thời điểm toàn bộ các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ triển khai thu phí hoàn toàn tự động, do đó tài xế cũng cần có sự chuẩn bị để đáp ứng sự thay đổi này.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị tất cả địa phương triển khai chỉ đạo của Chính phủ về thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Theo đó, các đơn vị cần hoàn thành lắp đặt các làn thu phí ETC còn lại trước ngày 31/7 để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1/8.

Đi cao tốc, tài xế cần làm 2 việc này trước ngày 1/8 để tránh bị phạt nặng - 1

Một trạm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang thu phí ETC (Ảnh: CNQ).

Vì thế, nhiều khả năng từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước sẽ dừng hình thức thu phí thủ công, chuyển sang sử dụng đồng loạt hệ thống ETC. Sau ngày 31/7, các phương tiện không dán thẻ thu phí tự động sẽ không thể lưu thông trên các tuyến cao tốc. Vì vậy, tài xế cần lưu ý hai việc dưới đây để sẵn sàng cho thay đổi này, tránh gặp phiền phức. 

Dán thẻ thu phí không dừng ETC

Hiện nay, có hai đơn vị cung cấp thẻ thu phí không dừng là thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam hoặc thẻ e-Tag của VETC của Công ty TNHH thu phí tự động VETC. Hai bên này kết nối liên thông với nhau nên về lý thuyết, đều có thể đi qua tất cả các trạm ETC như nhau.

Các phương tiện có thể thực hiện việc gắn thẻ thu phí không dừng tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại lần kiểm định gần nhất, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền hoặc ngay khi qua trạm thu phí ETC. Ngoài ra, chủ xe có thể sử dụng dịch vụ dán thẻ tại nhà, gửi thẻ qua bưu điện để nhận và tự dán.

Đi cao tốc, tài xế cần làm 2 việc này trước ngày 1/8 để tránh bị phạt nặng - 2

Việc dán thẻ không dừng có thể được thực hiện tại nhà (Ảnh: ePass).

Hiện nay, thẻ ePass và VETC được hỗ trợ miễn phí dán cho khách hàng lần đầu kích hoạt tài khoản thu phí không dừng. Áp dụng mức phí 120.000 đồng/thẻ đối với khách hàng dán thẻ lần 2 trở đi.

Thẻ có dạng một tấm phim mỏng có gắn linh kiện điện tử, được dán lên kính chắn gió phía trước và một loại khác sẽ được dán lên cụm đèn chiếu sáng. 

Theo kinh nghiệm của các tài xế, loại gắn lên đèn có ưu điểm là độ nhạy cao, thiết bị ở trạm ETC dễ đọc và nhận xe nhanh, nhưng tính thẩm mỹ không cao và có thể bị bong theo thời gian do ảnh hưởng bởi môi trường. Trong khi đó, thẻ dán kính có thể giảm khả năng hoạt động nếu ô tô dán phim cách nhiệt (tùy loại)...

Nạp đủ tiền cho tài khoản thu phí

Đi cao tốc, tài xế cần làm 2 việc này trước ngày 1/8 để tránh bị phạt nặng - 3

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã áp dụng chỉ thu phí không dừng (ETC) từ ngày 1/6 (Ảnh: Baochinhphu).

Ngoài dán thẻ ePass hoặc VETC thì tài xế còn phải đảm bảo trong tài khoản thu phí không dừng còn đủ tiền để chi trả khi đi qua làn ETC. Chủ xe có thể nạp tiền tại các điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ ETC, chuyển khoản ngân hàng, trên website hoặc thanh toán qua một số ứng dụng như Momo, Viettel Money… Tùy hình thức mà việc chuyển tiền vào tài khoản ETC có thể bị mất phí hoặc được miễn phí. 

Theo quy định, người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, đi vào làn đường dành riêng  tại các trạm thu phí bị phạt từ 2 tới 3 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng. "Không đủ điều kiện" ở đây bao gồm xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng.