Để điều tra xe Tesla, cơ quan an toàn Mỹ đưa ra một yêu cầu bất thường
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã phải yêu cầu 12 nhà sản xuất ô tô lớn cùng hỗ trợ việc điều tra nguy cơ gây tai nạn của xe Tesla.
NHTSA đã viết thư gửi General Motors (GM), Toyota, Ford, Volkswagen và một số nhà sản xuất ô tô lớn khác vì muốn thực hiện "phân tích so sánh" các hệ thống hỗ trợ lái của xe Tesla với các xe khác về khả năng phanh và ga đồng thời trong một số trường hợp.
Ngày nay, hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều trang bị cho xe hệ thống kiểm soát hành trình chủ động và một số hệ thống hỗ trợ lái khác kết hợp với công nghệ định tâm làn đường (căn xe chạy giữa làn đường). Ngoại trừ hệ thống Super Cruise (hệ thống cho phép lái xe rảnh tay trên đường cao tốc với tầm hoạt động lên tới 2.000km) của GM và hệ thống BlueCruise sắp ra mắt của Ford, các hệ thống còn lại đều yêu cầu người lái phải giữ vô lăng.
Hệ thống Autopilot của Tesla cũng vậy, cho phép xe tự động đánh lái, tăng tốc và phanh trong làn đường của nó; đồng thời, Tesla cũng khuyến cáo tài xế phải luôn đặt tay trên vô lăng. Nhưng trong nhiều trường hợp, kể cả trong thử nghiệm của tạp chí Consumer Report, hệ thống rất dễ bị đánh lừa, cho phép tài xế bỏ tay khỏi vô lăng rất lâu, hoặc thậm chí không ngồi trên ghế lái. Các chuyên gia thử xe của Consumer Report đã thực hiện việc này trên đường thử kín và một số chủ xe Tesla đã thực hiện cả ngoài đời thực.
Hồi tháng 8, NHTSA đã mở một cuộc điều tra chính thức đối với các hệ thống hỗ trợ lái của Tesla sau 12 vụ va chạm vào xe khẩn cấp, trong đó có xe cảnh sát hoặc xe cứu hỏa đang làm nhiệm vụ giải quyết các vụ va chạm hoặc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, có bật đèn khẩn cấp trên xe. NHTSA cho biết đã ghi nhận 17 trường hợp chấn thương và một trường hợp tử vong trong 12 vụ va chạm.
Cuộc điều tra liên quan tới 765.000 xe Tesla tại Mỹ được sản xuất từ năm 2014 đến năm 2021.
Cũng trong tháng 8, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra việc Tesla sử dụng các thuật ngữ "Lái tự động" (Autopilot) và "Tự lái hoàn toàn" (Full Self Driving) khiến khách hàng hiểu lầm và dẫn tới nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Trong thư, NHTSA đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô khác liệt kê các vụ tai nạn mà hệ thống hỗ trợ lái có hoạt động trong khoảng 30 giây ngay trước khi xảy ra va chạm.
Cơ quan này cũng muốn biết hệ thống của các nhà sản xuất ô tô khác làm thế nào để đảm bảo việc tài xế sẽ tập trung nhìn đường và đặt tay lên vô lăng.
NHTSA cũng yêu cầu các nhà sản xuất ô tô cung cấp thông tin chi tiết về phương thức phát hiện và phản ứng trước sự hiện diện của các xe cấp cứu, cứu hỏa hoặc xe cảnh sát. Cho đến nay, có vẻ như chỉ có công nghệ của xe Tesla có lỗ hổng này, như thể là hệ thống của hãng bị nhầm lẫn hoặc thậm chí bị thu hút bởi đèn khẩn cấp.
Ngày 31/8, NHTSA đã gửi cho Tesla một bức thư dài 11 trang với nhiều câu hỏi cần được trả lời trước ngày 22/10.
Từ tháng 6/2016 đến nay, NHTSA đã cử các nhóm điều tra đến 31 vụ tai nạn liên quan đến các hệ thống hỗ trợ lái tự động một phần. Các hệ thống như vậy có thể giữ cho xe chạy chính giữa làn đường và giữ khoảng cách an toàn với các xe phía trước. Trong số các vụ tai nạn, có 25 vụ liên quan đến hệ thống Autopilot của xe Tesla, với 10 trường hợp tử vong được ghi nhận bởi NHTSA. Một số vụ tai nạn xảy ra khi xe băng qua các biển báo cấm, hoặc đâm vào rào chắn đường.
Hồi đầu tháng 9, NHTSA xác nhận rằng cũng đang điều tra vụ tai nạn chết người ngày 26/7 ở New York mà một người đàn ông 52 tuổi đã bị xe Tesla đâm trúng khi ông đang khắc phục tình trạng xịt lốp xe.
Phạm Trung Đức
Theo AutoBlog