Đánh đồng nghiệp, Jeremy Clarkson sẽ phải chia tay Top Gear
(Dân trí) - Đài <i>BBC</i> vừa ra thông báo sẽ không gia hạn hợp đồng với biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Jeremy Clarkson nữa sau vụ xô xát giữa ông này với một nhà sản xuất của <i>Top Gear</i> - một trong những chương trình truyền hình chuyên về ô tô thành công nhất thế giới.
Cuộc điều tra nội bộ đối với vụ xô xát hôm 4/3 cho thấy biên tập viên Clarkson đã đánh nhà sản xuất Oisin Tymon, khiến anh này bị rách. Clarkson sau đó còn có những lời lẽ xúc phạm Tymon và doạ đuổi việc anh này. Tất cả diễn ra sau khi Clarkson được thông báo là không có thức ăn nóng sau một ngày quay phim.
Ông đã bị đình chỉ công tác từ ngày 10/3. Từ sau vụ việc này đến nay, chương trình Top Gear đã tạm ngừng phát sóng.
Hợp đồng của Clarkson với Top Gear sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
"Tôi rất tiếc khi hôm nay phải thông báo với Jeremy Clarkson rằng đài BBC sẽ không gia hạn hợp đồng với ông nữa. Đây không phải một quyết định dễ dàng," Giám đốc đài BBC Tony Hall cho biết.
Hiện chưa rõ hai người còn lại trong "bộ ba huyền thoại" dẫn chương trình Top Gear là James May và Richard Hammond có tiếp tục công việc tại đây không hay sẽ nghỉ theo Clarkson khi hợp đồng của cả hai cũng hết hạn vào cuối tháng này.
Có tin đồn DJ Chris Evans sẽ được đài BBC lựa chọn để thay thế Clarkson. Tuy nhiên, Chris Evans đã phủ nhận thông tin này.
Top Gear là một trong những chương trình truyền hình thành công nhất của đài BBC, chuyên về lĩnh vực ô tô. Điểm đặc trưng của chương trình Top Gear là những màn thử xe ấn tượng, khi hoành tráng, lúc hài hước, lúc cực kỳ mạo hiểm. Top Gear ra đời năm 1977, nguyên bản là chương trình tạp chí truyền hình có thời lượng kéo dài 30 phút của đài BBC, với các biên tập viên chính là Angela Rippon, Noel Edmonds, William Woollard,... Đến năm 1988, Jeremy Clarkson mới gia nhập ban biên tập chương trình. Đây cũng là năm đánh dấu bước chuyển biến của Top Gear trở thành một chương trình thử nghiệm xe và các vấn đề liên quan, như an toàn giao thông mang phong cách thẳng thắn và hài hước. Đến năm 2002, Top Gear được thay đổi format, trở thành chương trình truyền hình chuyên nghiệp, với thời lượng phát sóng tăng lên 1 tiếng. Ba biên tập viên chính - Jeremy Clarkson, Richard Hammond và James May, cùng với The Stig (một tay lái ẩn danh) là linh hồn của Top Gear format mới. Chương trình có số lượng khán giả ước tính lên đến 385 triệu người trên toàn thế giới. Năm 2007, đây là một trong những chương trình truyền hình bị vi phạm bản quyền nhiều nhất thế giới. Ngoài Anh quốc, Top Gear còn có phiên bản ở Mỹ và Úc. Đoàn làm phim Top Gear của Anh từng đến Việt Nam vào năm 2008 để thực hiện hành trình xuyên Việt bằng xe máy làm phóng sự. |
Nhật Minh
Theo Leftlane