"Đăng kiểm là bắt buộc, dán thẻ ETC là chuyện khác"

Gia An

(Dân trí) - Việc dán thẻ ETC trở thành yêu cầu bắt buộc khi đi đăng kiểm ô tô đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đầu tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC).

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm chủ trì, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Đăng kiểm là bắt buộc, dán thẻ ETC là chuyện khác - 1

Tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC đã tăng mạnh thời gian gần đây (Ảnh: Hoàng Giám).

Đề xuất này của Bộ GTVT sau đó vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trên các diễn đàn mạng xã hội về giao thông, nhiều tài xế đặt ra hàng loạt câu hỏi xung quanh vấn đề.

Bất cập nếu bắt buộc dán ETC khi đăng kiểm

Anh Minh Nghĩa (40 tuổi, Hà Nội) cho rằng, đăng kiểm là quá trình bắt buộc với ô tô khi tham gia giao thông. Trong khi đó, việc sử dụng đường cao tốc là quyền và nhu cầu riêng của mỗi người. Kéo theo đó, dịch vụ thu phí không dừng (ETC) là thỏa thuận giữa tài xế và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

"Theo tôi, một bên là tiêu chuẩn kỹ thuật (đăng kiểm), bên còn lại là dịch vụ (ETC) và hoàn toàn không liên quan đến nhau. Không thể gộp chung một dịch vụ tùy chọn vào một yêu cầu bắt buộc để rồi tùy chọn (ETC) bị trở thành bắt buộc", anh Nghĩa nhấn mạnh.

Đăng kiểm là bắt buộc, dán thẻ ETC là chuyện khác - 2

Cơ quan chức năng đang xem xét quy định việc dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc khi đăng kiểm ô tô.

Người này nêu ví dụ, một phương tiện chỉ chạy trong địa bàn nhỏ hẹp như huyện, tỉnh và không qua trạm thu phí cao tốc, sao bắt buộc phải dán thẻ ETC? Hoặc doanh nghiệp mua xe phục vụ chở khách quanh các khu du lịch của địa phương, hay đơn giản là đưa đón nhân viên, học sinh trong cùng đường không phải cao tốc thì cũng không nhất thiết cần dán thẻ thu phí không dừng. 

Cùng quan điểm, anh Văn Tuấn (35 tuổi, tài xế taxi) cho biết, những chuyến xe hàng ngày của anh chỉ chở khách nội thành, hiếm khi đi vào cao tốc bởi anh đều chủ động từ chối các "cuốc" đi xa. Do đó, lái xe này thấy việc bắt buộc dán thẻ ETC trong quy trình đăng kiểm là không hợp lý.

"Đăng kiểm là bắt buộc, còn thẻ ETC là dịch vụ tùy thuộc từng nhu cầu riêng. Nếu phương tiện không dán thẻ mà tự ý đi vào làn ETC, thì đã có biện pháp xử phạt riêng rồi. Bởi vậy, tôi cho rằng quy định bắt buộc mọi ô tô phải dán ETC còn bất cập", anh nói.

Theo anh Tuấn, nếu sau này có dự định bán xe, thì thủ tục hủy dịch vụ ETC, chuyển quyền sở hữu phương tiện… thì sẽ khá phức tạp và lằng nhằng nếu vẫn giữ quy trình như hiện nay. Ngoài ra, tài xế này sẽ mất thêm một lần phí là 120.000 đồng để dán ETC cho phương tiện mới.

"Mức giá 120.000 đồng cho một lần dán thẻ ETC cũng đang gây vô số tranh cãi trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người cho rằng con số trên cao gấp cả chục lần so với giá thành của một tem RFID - công nghệ dùng trên thẻ ETC", anh Tuấn chia sẻ. "Nếu muốn khuyến khích phương tiện dán thẻ ETC thì tốt nhất hãy đưa ra mức phí hợp lý, thay vì ép buộc".

Đăng kiểm là bắt buộc, dán thẻ ETC là chuyện khác - 3

Sau thời gian dài miễn phí, chủ xe dán thẻ thu phí tự động ETC sẽ phải trả 120.000 đồng kể từ ngày 6/8 trở đi (Ảnh: Hoàng Giám).

Anh Hoài Nam ở Vĩnh Phúc cho biết thấy hài lòng sau thời gian sử dụng dịch vụ thu phí không dừng trên cao tốc. Tuy nhiên, trước một số vấn đề tranh cãi hiện nay, anh nêu quan điểm không đồng tình với đề xuất mới của Bộ GTVT.

"Hàng năm, có hàng trăm nghìn phương tiện không đi vào cao tốc, nhưng bắt phải dán ETC với mức giá 120.000 đồng/lần mới được đăng kiểm. Nếu không dán ETC, xe không được đăng kiểm, đồng nghĩa không thể tham gia giao thông, điều này khá bất cập", anh Nam giải thích.

Một tài xế khác chuyên chở nông sản từ trang trại ở Mèo Vạc lên Mã Pí Lèng (Hà Giang). Hành trình di chuyển nhiều năm qua không đi qua cao tốc, chỉ quẩn quanh trên các thôn bản, cũng thắc mắc: "Tại sao phải dán ETC?".

Không thể phủ nhận lợi ích của ETC

Trong khi đó, anh Trung Nguyên ở TPHCM cho biết ủng hộ việc "dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm".

Theo anh, quy định này sẽ giúp đồng bộ hệ thống quản lý. Việc phổ cập ETC giai đoạn đầu tuy còn khó khăn, nhưng lâu dài sẽ phát huy hiệu quả cao, nâng cấp hạ tầng, từ đó là cơ sở cho việc triển khai giao thông thông minh tại Việt Nam.

Đăng kiểm là bắt buộc, dán thẻ ETC là chuyện khác - 4

Việc triển khai dịch vụ thu phí tự động ETC được cho là sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông trên các tuyến cao tốc, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội (Ảnh: Đình Nam).

"Trong tương lai, ETC không chỉ dành cho phương tiện đi cao tốc, mà sẽ hướng đến tích hợp các loại phí mới. Chẳng hạn như thu phí ô tô đi vào nội đô ở các thành phố, thu phí đỗ xe tự động thay vì phải dùng tiền mặt", anh Nguyên bày tỏ quan điểm. "Tôi cho rằng sản phẩm hay dịch vụ gì thì cũng tồn tại những hạn chế, song không thể phủ nhận lợi ích của ETC và mong mọi người có cái nhìn tích cực hơn".

Anh cũng cho rằng, một số chủ phương tiện viện lý do "không thường xuyên đi cao tốc hay trạm BOT thì không cần dán ETC" là không thuyết phục. Trong trường hợp đột xuất cần sử dụng, thẻ ETC được dán trên xe kết nối với tài khoản còn tiền sẽ giúp việc đi qua trạm trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn, đảm bảo giao thông được thông suốt.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thắng (sinh sống tại Thái Bình) cho hay, chính quyền đã tạo điều kiện dán ETC miễn phí, lộ trình dài, quá trình cũng nhanh - gọn. Nếu tài xế không có nhu cầu sử dụng, thì không cần nạp tiền vào thẻ.

"Thu phí tự động giúp giảm 2 lần dừng: một lần dừng lấy thẻ và dừng trả tiền, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên cao tốc, đồng thời minh bạch khoản thu phí của nhà đầu tư, có lợi cho người dân vì sớm kết thúc thời gian thu phí. Tôi nghĩ mọi người dân nên chấp hành và ủng hộ", anh Thắng nói.

Trước đó, từ ngày 1/8, các tuyến cao tốc trên cả nước bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến. Các trạm BOT trên quốc lộ sẽ chỉ còn một làn thu phí hỗn hợp.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đã có hơn 3,52 triệu phương tiện trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối (đạt tỷ lệ 75,9%), tăng 1,19 triệu xe so với thời điểm cuối năm 2021. Ước tính còn khoảng 400.000 ô tô đang được sử dụng nhưng chưa dán thẻ ETC.