Dán nhãn năng lượng cho ô tô: Sẽ có hai loại tem
Chính thức thực hiện từ ngày 1/1/2015, việc dán nhãn năng lượng cho ô tô dưới 7 chỗ ngồi đang trở thành vấn đề băn khoăn, lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và nhập khẩu xe du lịch.
Lựa chọn phương án nào?
Trung tâm kiểm định đang kiểm tra xe. (Ảnh: Đăng Ngọc)
Theo quy định tại Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/12/2014, từ 1/1/2015, các loại ô tô du lịch (từ 7 chỗ trở xuống) được sản xuất, lắp ráp hoặc NK, chưa qua sử dụng, phải thực hiện việc dán nhãn năng lượng trước khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Quy định này đã được cơ quan quản lý chức năng thông báo tới các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu (NK) ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay trao đổi với phóng viên, đại diện một số DN cho biết: Chỉ còn vài ngày nữa là đến “mốc” thời gian phải thực hiện quy định dán nhãn năng lượng song DN vẫn còn khá lúng túng trong việc thực hiện.
Theo thống kê của Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tháng 9/2010 cho tới nay Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm khí thải (đồng thời cho kết quả về tiêu thụ nhiên liệu) của 400 mẫu xe mới, (loại từ 7 chỗ ngồi trở xuống). Trong số đó có khoảng 156 mẫu xe được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Chi phí thử nghiệm khí thải và tiêu hao nhiên liệu đối với xe chạy xăng là 14,4 triệu đồng/mẫu; xe chạy diesel là 16 triệu đồng/mẫu. |
Trước đó (tháng 4/2014) trao đổi với phóng viên, đại hiện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đưa ra quan điểm kiến nghị các cơ quan chức năng chấp nhận kết quả thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu mà các nhà sản xuất, NK xe hơi đã có theo tiêu chuẩn quốc tế.
Và mới đây, ngày 24/11,VAMA cũng có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam bày tỏ “lo lắng” đến thời hạn DN không chuẩn bị kịp. Cơ quan này cũng kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận các mức tiêu thụ nhiên liệu “tự công bố” của DN với điều kiện DN phải cam kết tính xác thực bằng văn bản.
Thực tế, để DN có thời gian chuyển đổi, Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT đã có quy định cho phép DN được tự công bố mức tiêu hao nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong thời gian từ 1/1/2015 đến hết 31/12/2016. Song song với đó, DN cũng có thể đăng ký đề nghị cơ quan Đăng kiểm tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận tem năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Quý- Giám đốc Hành chính, đối ngoại & pháp lý - Công ty GM Việt Nam cho biết: Hiện DN có cả số liệu tiêu thụ nhiên liệu được hãng nước ngoài công bố lẫn số liệu thử nghiệm tại Trung tâm Thử nghiệm khí thải của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Và 2 số liệu này có sự chênh lệch. Việc lựa chọn công bố số liệu nào còn chờ ý kiến của nhà sản xuất chính hãng. Trong thời gian đầu DN dự kiến sẽ thực hiện phương án tự công bố và chịu trách nhiệm.
Song ông Quý cũng băn khoăn, sau này khi thực hiện công bố theo mức thử nghiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số liệu này có sự chênh lệch với số liệu DN tự công bố sẽ khiến cho khách hàng nghi ngờ DN công bố không trung thực.
Vì sao có sự chênh lệch?
Liên quan đến quy định này, làm việc với đại diện cơ quan Đăng kiểm chúng tôi được biết: Có 2 loại nhãn năng lượng (nhãn màu xanh lá cây và màu vàng) được sử dụng cho việc công bố mức độ tiêu thụ nhiên liệu của ô tô. Nhãn năng lượng màu xanh lá cây thể hiện số liệu về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe do Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận đảm bảo.
Tuy nhiên theo quy định DN còn được phép tự công bố mức tiêu hao nhiên liệu của sản phẩm. Cục Đăng kiểm chỉ kiểm tra mức độ hợp lệ của hồ sơ được nộp và phương pháp thử nghiệm được sử dụng chứ không tiến hành thử nghiệm để kiểm chứng mức tiêu thụ nhiên liệu mà DN công bố. Và mức tiêu hao nhiên liệu do DN tự công bố sẽ được thể hiện trên mẫu nhãn màu vàng.
Đến thời điểm hiện nay, cơ quan Đăng kiểm mới nhận được 95 bộ hồ sơ của các kiểu loại xe do 9 DN (Toyota, Hyundai, Honda, Suzuki, Ford, Nissan, Audi, BMW và Kia) gửi tới để cơ quan này kiểm tra và xác nhận cấp nhãn năng lượng. Tuy nhiên chỉ có 1 trong số 9 DN nói trên là Công ty Hyundai Thành Công nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dán tem màu xanh lá cây, các DN còn lại đều nộp hồ sơ để thực hiện dán nhãn màu vàng. Cơ quan Đăng kiểm đã xem xét được 88 bộ hồ sơ.
Cơ quan quản lý chất lượng sẽ đưa ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu với cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe nếu vi phạm một trong các quy định: Gian dối trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu; bị đình chỉ dán nhãn năng lượng đến lần thứ 2 theo quy định. Nguồn: Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT |
Giải đáp về việc sẽ có sự chênh lệch về số liệu giữa việc DN tự công bố và cơ quan Đăng kiểm kiểm định, ông Nguyễn Tô An- Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới- Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định: Máy móc kỹ thuật, tiêu chuẩn, thông số để xác định mức tiêu hao nhiên liệu của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc thông số về mức tiêu thụ nhiên liệu khác nhau là do mẫu ô tô thử khác nhau, thời gian xe thử khác nhau, thậm chí cách thử nghiệm khác nhau... Khác với việc đo tiêu chuẩn khí thải, việc đo mức tiêu hao nhiên liệu trên sản phẩm sẽ không thực hiện trên xe mới sản xuất, chưa chạy rotda (Xe mới, chưa chạy rotda mức tiêu hao nhiên liệu sẽ cao hơn so với xe đã chạy một thời gian, máy móc đã ổn định).
Việc DN cho rằng công bố theo kết quả kiểm định của Cục Đăng kiểm thông thường sẽ “hơi cao” hơn so với số liệu mà hãng xe tự công bố. Đại diện cơ quan Đăng kiểm cũng cho biết: Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ -đơn vị duy nhất hiện nay có đủ điều kiện để thử nghiệm khí thải và mức tiêu hao nhiên liệu của xe ô tô tại Việt Nam. Trung tâm này đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy nhãn màu xanh lá cây có độ tin cậy về số liệu cao hơn nhãn màu vàng.
Liên quan đến chế tài xử lý, được biết cơ quan Đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận lưu hành cho các sản phẩm theo quy định phải dán nhãn năng lượng mà không dán nhãn. Tuy nhiên để thực hiện nghiêm vấn đề này cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác, đơn cử như cơ quan Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cần vào vào cuộc nếu phát hiện sản phẩm lưu hành trên thị trường không chấp hành nghiêm quy định dán nhãn năng lượng, đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi công bố không đúng mức tiêu hao nhiên liệu của sản phẩm. Đây không chỉ là hành vi lừa dối người tiêu dùng mà còn liên quan đến lượng khí thải ra môi trường.
Theo Nguyễn Hà
Hải quan Online