Đại lý ô tô Trung Quốc kêu cứu vì nguy cơ phá sản, càng bán càng lỗ
(Dân trí) - Trong khoảng 90 thương hiệu xe điện ở Trung Quốc, chỉ 2 thương hiệu có lãi, kết quả của việc chạy đua giành thị phần bằng mọi giá.
Xe tồn nhiều, càng bán càng lỗ
Hiệp hội Đại lý ô tô Trung Quốc (CADA) vừa gửi các cơ quan quản lý của nước này một bản báo cáo khẩn, cho biết các doanh nghiệp đang lỗ ngày một lớn, có nguy cơ dẫn tới sự sụp đổ của ngành phân phối và bán lẻ ô tô.
Trong 8 tháng đầu năm, các thành viên của CADA đã lỗ 138 tỷ nhân dân tệ (khoảng 19,62 tỷ USD). Nguyên nhân là phía nhà sản xuất thường xuyên thực hiện các chương trình giảm giá sâu.
Theo báo cáo của CADA, mang tên "Báo cáo khẩn về những khó khăn tài chính hiện tại và nguy cơ phá sản của các đại lý ô tô", khó khăn nhân đôi khi sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh, và các nhà sản xuất cung cấp cho đại lý nhiều hơn lượng khách hàng tiềm năng.
Việc phải mạnh tay giảm giá để giải phóng hàng tồn kho đã dẫn tới việc các đại lý càng bán càng lỗ, theo báo cáo trên. Hồi tháng 8, CADA cho biết mức giảm giá trung bình của xe mới là 17,4%.
Cuộc chiến về giá cũng đang khiến các ngân hàng xiết tín dụng đối với các đại lý. Bị cắt nguồn tài chính, ngành bán lẻ ô tô, trong đó có cả các trung tâm 3S cung cấp dịch vụ sau bán hàng để hỗ trợ khách hàng bảo dưỡng, sửa chữa xe có nguy cơ sụp đổ.
CADA cho biết, vốn hoạt động của nhiều đại lý ô tô đã bị dồn đến giới hạn.
"Từ đầu năm nay, truyền thông đã nhiều lần đưa tin về việc các đại lý ô tô trong nước đang trên bờ vực phá sản. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân nằm ở các vấn đề thanh khoản chứ không phải do hoạt động của đại lý, và cuối cùng, sự sụp đổ của chuỗi vốn dẫn tới việc doanh nghiệp đóng cửa", CADA cho biết.
Hiệp hội cầu cứu cơ quan chức năng giúp ngăn sự sụp đổ có tính hệ thống của ngành bán lẻ ô tô Trung Quốc. Họ hy vọng các cơ quan hữu quan sẽ đưa ra những biện pháp thích hợp để tạm thời giảm sức ép tài chính cho các đại lý ô tô.
Chỉ 2 thương hiệu xe điện có lãi
Điều mà nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang theo đuổi là cố gắng giành thị phần, thay vì lợi nhuận. Với các công ty sản xuất cả xe chạy xăng thì khoản lỗ từ xe điện còn phần nào được doanh số xe xăng bù đắp, còn với các công ty khởi nghiệp chỉ làm xe điện, tình hình khó khăn hơn vì họ không có nguồn lợi nhuận tương tự.
Cuộc chạy đua giảm giá còn đang lan sang cả các nhà cung cấp, khi họ buộc phải bán với giá dưới cả chi phí để lấy số lượng.
Hiện có gần 150 thương hiệu ô tô ở Trung Quốc, trong đó có khoảng 90 thương hiệu xe điện (bao gồm cả PHEV và EREV).
Theo cách phân loại của Trung Quốc, tất cả xe điện sử dụng pin được gọi là xe năng lượng mới (NEV). Do đó, thống kê xe điện của Trung Quốc bao gồm cả xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe hybrid chỉ dùng động cơ xăng để sạc pin (EREV), thường khiến những người không ở Trung Quốc hoặc không tìm hiểu kỹ nhầm là xe thuần điện (BEV).
Trong số khoảng 90 thương hiệu xe năng lượng mới ở Trung Quốc, chỉ 2 thương hiệu có lãi; đó là BYD và Li Auto. Cả hai đều không tin vào tương lai chỉ có xe thuần điện. Hiện gần một nửa doanh số của BYD đến từ xe PHEV. Trong khi đó, Li Auto cứ bán được 5 xe thì chỉ có một chiếc xe thuần điện, còn lại là EREV.
Tất cả các thương hiệu xe năng lượng mới khác ở Trung Quốc đều đang lỗ, dù doanh số tăng. Xe năng lượng mới, được gắn biển màu xanh lá, hiện chiếm khoảng 45,2% doanh số xe mới tại Trung Quốc. Xe động cơ đốt trong vẫn chiếm 47,3%, và 7,5% còn lại là xe hybrid truyền thống.
Trong tổng doanh số xe năng lượng mới (NEV) tại Trung Quốc, xe thuần điện (BEV) chiếm 56,4%, xe hybrid sạc điện (PHEV) chiếm 31,9%, còn xe dùng động cơ xăng để sạc pin (EREV) chiếm 11,7%, theo dữ liệu của Gasgoo tính đến tháng 6 năm nay.