Con số "gây sốc" về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy

Nhật Minh

(Dân trí) - Bộ pin lithium-ion của chiếc Tesla Model S là nguyên nhân làm tăng đáng kể lượng nước cần dùng để chữa cháy cho phương tiện.

Gần 11 giờ ngày 15/11, Công ty cứu hỏa tình nguyện Morris Township (bang Pennsylvania, Mỹ) nhận được một cuộc gọi từ 911 yêu cầu hỗ trợ phối hợp với một số đơn vị khác chữa cháy trên đường cao tốc liên bang Interstate 80. Họ đã phải mất nhiều giờ đồng hồ cùng hơn 15.000 lít nước để dập tắt lửa trên chiếc xe điện Tesla và dọn dẹp hiện trường.

Con số gây sốc về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy - 1

May mắn là không có ai bị thương trong sự cố cháy xe khủng khiếp này.

Sự việc bắt đầu khi một chiếc Tesla Model S mới được mang về trước đó một ngày (14/11).

Một người ngồi trên xe khi xảy ra sự cố cho biết sau khi gầm xe đập vào vật gì đó trên đường thì khói bắt đầu bốc lên. Tài xế đã nhanh chóng tấp xe vào lề, tất cả 3 người cùng đi và một vật nuôi đã kịp ra khỏi xe an toàn.

Trong khi đó, dù lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt nhưng cũng không thể cứu chiếc Tesla Model S. Công ty cứu hỏa Morris Township cho biết họ đã phun hết 2 téc nước, tương đương tổng cộng hơn 15.000 lít nước nhưng vẫn không đủ để giảm thiểu hơn nữa mức độ thiệt hại.

Các téc nước khác đã được huy động thêm tới hiện trường và tổng cộng hơn 45.000 lít mới đủ để dập lửa hoàn toàn. Con số này cao hơn nhiều so với khi chữa cháy xe động cơ đốt trong, loại xe chỉ cần gần 1.900 lít nước để dập lửa.

"Do bộ pin lithium-ion trên xe điện mà việc chữa cháy tốn nhiều nước hơn thông thường. Nếu không dập lửa triệt để, xác xe vẫn có thể bốc cháy trở lại. Tất cả các đội cứu hỏa có mặt tại hiện trường khi đó đã mất gần 2 tiếng tiếp tục phun nước vào chiếc xe chỉ còn trơ khung", công ty Morris Township cho biết.

Tesla không phải là loại xe điện thuần (BEV) khiến lực lượng cứu hỏa vất vả hơn so với chữa cháy xe xăng.

Khi một chiếc xe điện có hiện tượng thoát nhiệt và bốc cháy thì rất khó dập. Trong một số trường hợp, chỉ một cục pin bị thoát nhiệt cũng có thể dẫn đến cháy xe, vì nó truyền sang các cục pin xung quanh. Đã có trường hợp xe được đưa về bãi tập kết phế thải mà 3 tuần sau bỗng cháy trở lại. 

Một số hình ảnh của vụ cháy xe điện Tesla Model S nói trên:

Con số gây sốc về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy - 2
Con số gây sốc về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy - 3
Con số gây sốc về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy - 4
Con số gây sốc về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy - 5
Con số gây sốc về lượng nước cần dùng để dập tắt ô tô điện bị cháy - 6

Ảnh: Morris Township Fire Company

Theo Carscoops

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm