Chưa khi nào người dân tuân thủ giao thông thế này, tắc đường chút có sao?

PV

(Dân trí) - Tôi ở Hà Nội chục năm nay và cảm nhận rằng từ đầu năm 2025 mọi người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông hơn hẳn so với trước kia, sau khi chế tài xử phạt thêm nghiêm khắc (Độc giả Minh Tú).

Dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư khu vực Cầu Trắng (Hà Đông, Hà Nội), tôi cảm nhận sự khác biệt rõ ràng trong ý thức của người tham gia giao thông. Dòng người xếp hàng ngay ngắn trước vạch dừng để chờ đèn đỏ và gần như không còn gặp cảnh tài xế "loi nhoi" vượt đèn hay cố rướn lên trước vạch.

Chưa khi nào người dân tuân thủ giao thông thế này, tắc đường chút có sao? - 1

Việc chấp hành đèn tín hiệu giao thông đã tốt lên sau Nghị định 168 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tham gia giao thông trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội cũng thấy tương tự. Chưa hết hoàn toàn nhưng cũng đỡ hẳn cảnh đèn vàng rồi mà nhiều tài xế cũng cố rướn qua ngã tư, để rồi đi đến nút giao thì xảy ra xung đột. Và khi đèn đỏ còn vài giây, dòng người dừng chờ trong sự tuân thủ chứ cũng ít thấy tiếng còi thúc những người đi trước khi đèn chưa chuyển xanh.

Tôi sinh ra ở Thái Bình, lên Hà Nội từ năm 2010, tới nay cũng gần 15 năm gắn bó với Thủ đô. Trong mắt tôi thì chưa khi nào ý thức tham gia giao thông tại trung tâm của cả nước lại tốt đến vậy. Chứng kiến không ít vụ tai nạn giao thông tại các nút giao, ngã tư mà trong đó phần lớn là do lỗi vượt đèn, lòng tôi mừng thầm khi chứng kiến sự thay đổi tích cực này.

Chưa khi nào người dân tuân thủ giao thông thế này, tắc đường chút có sao? - 2

Đường phố đông đúc vào những ngày gần Tết (Ảnh: Mạnh Quân).

Cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có nhiều biện pháp để người dân tuân thủ luật hơn. Từ việc lắp loa tuyên truyền tại các ngã tư cho đến lắp camera phạt nguội hay kể cả sự hiện diện của lực lượng chức năng. Nhưng dường như chỉ đến khi "đánh vào ví tiền" thì người dân mới ý thức.

Thực chất việc vượt đèn đỏ, không tuân thủ luật giao thông còn tốn kém hơn, mất nhiều hơn khi có nguy cơ xảy ra tai nạn với nhiều chi phí viện phí. Chưa kể là còn gây tốn kém cho xã hội khi cản trở dòng phương tiện, bao nhiêu người phải chờ hoặc đi chậm lại chỉ vì một người vượt đèn đỏ.

Nhưng có lẽ người Việt là vậy, chỉ khi mức phạt không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông tăng lên 4-6 triệu đồng cho xe máy và 18-20 triệu đồng cho ô tô thì người dân mới thực sự biết sợ.

Chưa khi nào người dân tuân thủ giao thông thế này, tắc đường chút có sao? - 3

Người đi bộ được trả lại vỉa hè thay vì bị xe máy chiếm dụng như trước đây (Ảnh: Hải Long).

Đang được tự do, nay phải gò bó, nhiều người đánh đồng nguyên nhân tắc đường là do tăng mức xử phạt. Điều này không đúng bởi đợt này là dịp gần Tết, nhu cầu đi lại tăng cao. Cùng với đó, một số tài xế dừng quá sớm khi vẫn đèn xanh, tài xế không leo lên vỉa hè để đi như trước nữa nên tăng thêm áp lực cho giao thông.

Sẽ không còn ức chế, giật mình bởi các pha luồn lách, vượt đèn đỏ. Người đi ô tô cũng ý thức hơn, đường phố bớt hỗn loạn hơn. Mọi sự thay đổi đều có khó khăn ban đầu, nhưng nhìn về tương lai, giao thông của Việt Nam sẽ tốt lên. Và vì lý do là gì thì việc tắc đường một chút cũng chẳng sao so với việc người dân tuân thủ luật hơn.

Độc giả Minh Tú

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.

Dân trí ra mắt chatbot AI để tra cứu mức xử phạt lỗi giao thông

Để phục vụ việc tra cứu của bạn đọc, Dân trí đã phát triển một phần mềm chat tự động (chatbot) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên gọi DTchat.

Đây là công cụ cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin về mức xử phạt khi vi phạm luật giao thông theo Nghị định 168.

Bạn có thể trải nghiệm ở ô bên dưới. Xin lưu ý thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.