Cháy nhà nghi do sạc pin xe điện Volvo

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Sự việc xảy ra ở bang Michigan, Mỹ và một chiếc Volvo được cho là đang cắm sạc vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

Theo trang tin địa phương MLive, ông Marvin Boluyt, 70 tuổi, đang nấu ăn thì phát hiện có khói trắng bốc lên từ bên hông nhà. Ông nhanh chóng đưa vợ và thú cưng rời khỏi tòa nhà khi nó bắt đầu bị nhấn chìm trong lửa.

Không có thông tin chi tiết, nhưng có vẻ như chiếc Tesla Model 3 đã sạc xong, nên ông Boluyt rút phích cắm, và bắt đầu sạc cho chiếc Volvo - dường như là mẫu XC60 Recharge. Sau đó xảy ra vụ hỏa hoạn.

Có vẻ như mọi người đã kịp thoát ra ngoài an toàn (Video: YouTube).

Người điều hành Sở cứu hỏa Scio - ông Andrew Houde - cho rằng bộ sạc có thể là nguyên nhân, nhưng cũng thận trọng nói: "còn quá sớm để khẳng định".

Bất kể nguyên nhân là gì, ông lưu ý rằng đây là vụ cháy đầu tiên mà họ xử lý liên quan đến một chiếc xe điện và cho biết cụm pin lithium-ion chính là thách thức mới.

Video ghi lại hiện trường cho thấy chiếc Tesla đã bị lửa phá hủy hoàn toàn, trong khi chiếc Volvo bị hỏng nặng ở phần đầu xe. Ngôi nhà và gara để xe cũng bị hư hại.

Cháy nhà nghi do sạc pin xe điện Volvo - 1

Chiếc Volvo đã bị lửa thiêu rụi phần đầu (Ảnh: MLive).

Cháy nhà nghi do sạc pin xe điện Volvo - 2

Chiếc Tesla bị cháy toàn bộ (Ảnh: MLive).

Mặc dù chưa rõ nguyên nhân vụ cháy, nhưng các nghiên cứu cho thấy xe điện ít có khả năng gây cháy nổ. Tuy nhiên, một khi hỏa hoạn xảy ra, sự hiện diện của xe điện có thể là một thách thức vì một số đơn vị phòng cháy chữa cháy chưa được đào tạo chuyên môn và thiếu nguồn lực để xử lý các vụ cháy xe điện.

Điều đó đã xảy ra vào tháng trước khi một sở cứu hỏa tình nguyện phải đối phó với một chiếc Tesla Model Y đang cháy. Cuối cùng, họ đã dùng tới hơn 136.000 lít nước mới kiểm soát được ngọn lửa, thay vì chỉ cần khoảng 1.135-3.800 lít như với xe động cơ đốt trong.

Cháy pin lithium-ion (loại phổ biến nhất hiện nay ở xe điện) là do phản ứng hóa học, dịch chuyển ion âm-dương bên trong cụm pin, nên không cần oxy vẫn cháy và không thể dập lửa mà chỉ có thể cách li chỗ cháy, ngăn tình trạng cháy lan, chờ kết thúc phản ứng hóa học mới hết cháy.

Trên thế giới đã có một số trường hợp, sau khi lửa tắt, xe điện được đưa về bãi tập kết phế thải mà 3 tuần sau bỗng cháy trở lại. Đó là do hiện tượng thoát nhiệt của pin lithium-ion, không cần tiếp xúc trực tiếp với tia lửa cũng có thể cháy nổ.

Theo MLive