Cái chết oan của người phụ nữ có đủ cảnh tỉnh người đi ô tô mở cửa an toàn?

Gia An

(Dân trí) - Mở cửa ô tô sai cách và thiếu quan sát có thể sẽ gây tai nạn cho người đi đường nhưng hiện nay không ít người vẫn mắc lỗi này.

Cái chết oan cảnh tỉnh cánh tài xế

Xem đoạn video tài xế taxi ở Hà Nội mở cửa xe bất cẩn khiến một phụ nữ ngồi trên xe máy tử vong, chị Bảo Linh (32 tuổi, Hà Tĩnh) vừa xót thương nạn nhân, vừa phẫn nộ hành động của lái xe ô tô.

"Chỉ một thao tác nhỏ, tưởng chừng như vô cùng đơn giản với người sử dụng ô tô, vậy mà vì chút bất cẩn khi mở cửa xe đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng", chị Linh nêu ý kiến, đồng thời lên án sự thiếu quan sát và thiếu ý thức của nam tài xế.

Cái chết oan của người phụ nữ có đủ cảnh tỉnh người đi ô tô mở cửa an toàn? - 1

Tài xế mở cửa xe bất cẩn khiến xe máy ngã ra đường, một phụ nữ tử vong (Ảnh cắt từ clip).

Theo trích xuất camera an ninh, chiếc taxi dừng đỗ sát lề đường trên phố Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Một nửa xe đỗ trên vỉa hè, phần còn lại vẫn nằm dưới lòng đường.

Khi tài xế mở cửa ghế lái (phần tiếp giáp lòng đường) đã không quan sát từ phía sau một chiếc xe máy chở hai người đang đi tới. Xe máy va vào cửa xe ô tô, văng ra đường, không may bị một ô tô khác đi ngược chiều tông trúng.

Vụ tai nạn khiến người phụ nữ ngồi sau xe máy bị bánh ô tô chèn qua người, tử vong. Người đàn ông điều khiển xe máy bị thương.

Ba năm cầm vô-lăng, chị Linh cho biết từng chứng kiến hoặc biết đến nhiều trường hợp tương tự trong nước và quốc tế. Không ít trong số đó đã gây ra những cái chết thương tâm hoặc những thương tổn mãi mãi trên cơ thể cho nạn nhân.

"Không biết bao nhiêu vụ việc mới đủ để cảnh tỉnh các tài xế và người ngồi trên ô tô", người phụ nữ thở dài.

Tài xế mở cửa ô tô bất cẩn, hất người phụ nữ đi xe máy ngã văng xa cả mét (Video: OFFB).

Hai vợ chồng chị Linh đều có bằng lái và sử dụng ô tô riêng nhưng chị cho biết dường như kỹ năng mở cửa ô tô không hề được đưa vào giáo trình và bài thi. Bản thân chị và chồng phải trang bị kiến thức này cho con bởi hiện nay nhà trường cũng không dạy.

Người phụ nữ 32 tuổi này cho biết luôn nhắc con trước khi mở cửa phải quan sát phương tiện phía sau thông qua gương chiếu hậu, quay hẳn về sau để nhìn. Nếu phán đoán tình hình không cản trở, không ảnh hưởng người đi đường, người trong ô tô mở hé cửa để tiếp tục quan sát, đồng thời cảnh báo người xung quanh.

Sau khi chắc chắn không có phương tiện đi tới, người trên xe mở cửa vừa đủ, đi ra nhanh và đóng cửa. "Với con trẻ, tôi luôn yêu cầu chúng xuống xe ở bên phụ sát với vỉa hè. Trường hợp bắt buộc phải xuống ở bên lái, tôi có thể xuống trước cho an toàn rồi mở cửa cho con", chị cho biết thêm.

"Thỉnh thoảng điều khiển xe máy, tôi cũng bị cánh tài xế "hù dọa" mấy lần, may mắn né được. Nếu phương tiện di chuyển với tốc độ cao hoặc không kịp xử lý, sẽ rất dễ xảy ra va chạm", chị Linh nói.

Cái chết oan của người phụ nữ có đủ cảnh tỉnh người đi ô tô mở cửa an toàn? - 2

Khi mở tính năng khóa trẻ em trên cánh cửa, người ngồi trên ô tô sẽ không thể mở cửa xe từ phía trong (Ảnh: TT).

Kinh nghiệm 7 - 8 năm lái xe ô tô, song anh Nguyễn Tuấn (31 tuổi, Hà Nội) thừa nhận đôi khi quên thao tác mở cửa an toàn, do bận việc hoặc vội vàng. 

"Mỗi lần dừng xe bên đường và mở cửa đi xuống, tôi đều có cảm giác lo lắng. Bởi vì chỉ trong tích tắc, một hành động sơ đẳng cũng có thể gây tai nạn cho người tham gia giao thông", anh nói.

Sau một lần "quên" nhớ đời hồi cuối năm ngoái khiến người đi xe đạp ngã xuống đường, bị thương nhẹ, anh Tuấn tự đặt 3 nguyên tắc dần trở thành thói quen, gồm: Nhìn gương chiếu hậu - mở cửa vừa đủ để bước ra - người ngồi ghế phụ hoặc sau chỉ được xuống xe khi anh cho phép. 

Nam tài xế cũng thường xuyên nhắc nhở người thân, bạn bè chú ý mở cửa xe an toàn, tránh hối hận nếu lỡ "một giây mất cảnh giác". Anh Tuấn thậm chí còn dùng tính năng khóa trẻ em ở ghế sau bên lái, tức người ngồi hàng hai trong xe chỉ có thể tự mở ở bên ghế phụ.

Các bước mở cửa ô tô an toàn

Theo Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), về nguyên tắc, luôn khóa trái cửa lại khi xe đang chạy để đảm bảo rằng các cửa không bị bật ra gây tai nạn cho người khác.

Khi mở cửa xe, cần quan sát kỹ trước sau bằng mắt và gương chiếu hậu. Nếu thấy khu vực an toàn, bạn mới tiến hành mở cửa.

Cái chết oan của người phụ nữ có đủ cảnh tỉnh người đi ô tô mở cửa an toàn? - 3

Quan sát kỹ xung quanh là bước đặc biệt quan trọng trước khi mở cửa ô tô, nhằm đảm bảo an toàn (Ảnh: Cục CSGT).

Trên thực tế, nhiều lái xe do vội vàng hoặc thiếu hiểu biết, đã thao tác mở cửa sai cách dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Lỗi thường gặp là sau khi dừng xe, kéo phanh tay, tắt máy, tài xế dùng tay trái kéo khóa mở cửa, cửa sẽ bung ra nhanh mất kiểm soát.

Thao tác mở cửa đúng là tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo mở khóa. Tay trái mở hé cánh cửa, quan sát kỹ phía sau khi thấy an toàn bạn mới mở cửa để xuống xe. Bạn không nên bung cửa cùng một lúc mà mở từ từ, người ra đến đâu cửa mở đến đó. 

Với người lớn tuổi và trẻ nhỏ ngồi sau xe, tài xế nên nhắc nhở ngồi yên, để mình xuống mở cửa cho họ ra ngoài. 

Với người ngồi ghế phụ, nghĩa là ngồi phía trong lề đường thì thường sẽ ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên cũng cần quan sát gương chiếu hậu trước khi mở cửa.

Cục CSGT cũng khuyến cáo người đi xe máy chú ý quan sát, đặc biệt khi đến gần những chiếc xe đang đỗ bên đường mà có người ngồi bên trong. Người điều khiển xe máy cố gắng giữ khoảng cách với ô tô chạy ngang qua, vì cửa có thể mở bất ngờ, đồng thời đảm bảo tốc độ an toàn.

Theo Cục CSGT, mở cửa ô tô gắn liền với các hoạt động dừng, đỗ xe và được quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường bộ. Điểm đ, điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2018 về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, quy định: "Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn".

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe mở cửa không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng.

Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Nếu hành vi gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do vụ tai nạn gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm