Các nhà sản xuất ô tô điêu đứng vì đứt nguồn cung kim loại từ Nga

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Nhôm, palladium, nickel, cô-ban, lithium, titan, bạch kim... giá tất cả các kim loại cần thiết trong sản xuất ô tô đều leo thang kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các nhà sản xuất ô tô điêu đứng vì đứt nguồn cung kim loại từ Nga - 1

Nga cung cấp 20% sản lượng nickel phẩm cấp cao cho toàn thế giới để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện (Ảnh: Reuters).

Theo hãng tin Reuters, việc Nga tấn công quân sự vào Ukraine đang làm tăng giá kim loại dùng trong sản xuất ô tô, từ nhôm để làm thân xe, palladium để chế tạo bộ lọc khí thải, cho tới nickel để sản xuất pin xe điện... Tất cả cuối cùng sẽ đẩy giá thành sản xuất ô tô lên cao.

Dù mặt hàng kim loại hiện chưa phải là mục tiêu trong các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng một số đơn vị vận chuyển và nhà cung cấp phụ tùng ô tô đã "né" hàng hóa của Nga, gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất ô tô vốn đang quay cuồng vì thiếu chip và giá năng lượng tăng cao.

Khi trao đổi với các phóng viên vào tuần trước, ông Carlos Tavares, giám đốc điều hành của Stellantis, tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới, cho rằng chi phí vật liệu thô và năng lượng tăng cao sẽ tăng áp lực lên mô hình kinh doanh.

Giá nhôm và palladium đều tăng cao kỷ lục hôm 7/3, trong khi giá nickel lần đầu tiên đã vượt mức 100.000 USD/tấn vào ngày 8/3.

Ông Andreas Weller, giám đốc điều hành của Aludyne, công ty chuyên sản xuất các bộ phận đúc bằng nhôm và magiê cho các nhà sản xuất ô tô, cho biết, giá nhôm đã tăng 60% trong 4 tháng qua, cùng với việc giá năng lượng tăng vọt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của công ty ở châu Âu.

Với doanh số 1,2 tỷ USD/năm và chi phí tăng hàng trăm triệu USD, ông Weller cho biết công ty không còn cách nào khác là phải yêu cầu khách hàng trả cao hơn mức giá đã thỏa thuận.

Trong khi đó, ông Tavares cho rằng việc chấm dứt tình trạng thiếu chip có thể giúp các nhà sản xuất ô tô bù đắp việc tăng giá kim loại và năng lượng, nhưng theo ông, khó có thể giải quyết vấn đề chip bán dẫn trong năm nay.

Các nhà sản xuất ô tô Đức điêu đứng

Người tiêu dùng phải gánh hậu quả của tình trạng thiếu chip, khi nguồn cung xe giảm mạnh và giá tăng lên, từ trước khi giá kim loại tăng cao như hiện nay.

Theo các công ty tư vấn LMC và J.D. Power, giá giao dịch trung bình của một chiếc ô tô mới ở Mỹ trong tháng 2 là 44.460 USD, tăng 18,5% so với cùng thời điểm năm 2021.

Các nhà sản xuất ô tô của Đức như Volkswagen và BMW đã thấy rõ sự ảnh hưởng của căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine khi nó khiến các nhà sản xuất bó dây điện ở phía tây Ukraine phải tạm dừng sản xuất. Bó dây điện là một bộ phận quan trọng, giúp bó gọn trung bình tới 5 km cáp các loại trong một chiếc ô tô, và Ukraine là nhà cung cấp chính.

Còn về kim loại, các công ty Nga là nguồn cung cấp chính cho Đức. Vào năm 2020, 44% nhập khẩu nickel của Đức, 41% lượng titan, 1/3 sắt và 18% palladium đến từ Nga.

Với sản lượng 108 triệu tấn vào năm ngoái, Nga là nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ 5 thế giới, theo Credit Suisse, cung cấp cho các nhà sản xuất thép châu Âu hiện đang phải đối mặt với tình trạng tăng giá và có thể còn khó mua được.

Đứng trước sự lựa chọn mua hàng hóa của Nga và gián tiếp tài trợ cho cuộc tấn công quân sự của Nga, công ty thép và nhôm Voss Edelstahlhandel của Đức đã quyết định rút lui.

Giám đốc điều hành Thorsten Studemund của công ty cho biết: "Mặc dù nhôm không nằm trong danh sách trừng phạt nhưng nó được Nga sử dụng để hút tiền về nên chúng tôi đã từ bỏ".

Nga là nhà sản xuất nhôm lớn, chiếm 6% sản lượng toàn cầu.

Pin xe điện

Công ty Voss Edelstahlhandel của Đức cũng đang phải đối mặt với việc giá nickel tăng cao.

Caspar Rawles, giám đốc dữ liệu của công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence (BMI), cho biết dù Nga chỉ chiếm 5% sản lượng nickel toàn cầu, nhưng lại cung cấp khoảng 20% nickel phẩm cấp cao cho thế giới.

Kim loại này được sử dụng để sản xuất pin xe điện, nên các nhà sản xuất ô tô đã đầu tư hàng tỷ USD cho việc chuyển đổi từ xe động cơ đốt sang xe điện sẽ phải đối diện với thách thức mới, vào đúng thời điểm nhu cầu xe điện bắt đầu tăng.

Pin là một trong những bộ phận đắt nhất trong xe điện và các nhà sản xuất ô tô đang hy vọng giá pin sẽ rẻ hơn để có thể giảm giá xe điện.

Trong khi đó, giá lithium vốn đã tăng cao kỷ lục, giá cô-ban và nickel cũng rất cao, tăng sức ép lên các nhà sản xuất pin.

Theo www.autoblog.com