Buikatti 57S 1937 - Câu chuyện đằng sau một cái tên
(Dân trí) - Bugatti Type 57S 1937 là một trong những dòng xe cổ mang trong mình niềm tự hào của nền công nghiệp ôtô Pháp, luôn là mẫu xe được giới đam mê săn lùng. Vậy còn Buikatti 57S, một cái tên "lắp ghép" thì sao?
Charles Chayne được biết đến là một trong những nhà sưu tập xe cổ Bugatti nổi tiếng nhất thế giới; ông là kỹ sư trưởng của tập đoàn xe Mỹ GM trong những năm 50-60 và cũng là dân mê xe cổ sành điệu. Trong số những chiếc xế cổ Bugatti mà Chayne sưu tập có Type 23, 41, 43 và 57S; nhưng có lẽ chiếc xe đặc biệt nhất lại là Buikatti Type 57S 1937 - mẫu xe chỉ được sản xuất 17 chiếc trên toàn thế giới.
Chiếc Bugatti Type 57S 1937 được Charles Chayne mua vào cuối thập niên 50. Ban đầu, xe thuộc sở hữu của một người Pháp (mang biển kiểm soát Paris vào cuối thập niên 40) và sau đó được qua tay các nhà sưu tập của Mỹ, rồi mới đến với vị cựu lãnh đạo của GM này.
Với số lượng sản xuất giới hạn cùng thân vỏ được thiết kế bởi hãng chế tác thân xe theo yêu cầu khách hàng thời bấy giờ có tên Vanvooren, chiếc Bugatti Type 57S này được săn lùng ráo riết bởi các tay sưu tập xe cổ. Tuy nhiên, những gì xảy ra đằng sau mẫu xe đặc biệt này mới thực sự độc đáo.
Vào những năm 50, với vai trò là phó Chủ tịch GM phụ trách kỹ thuật, Chayne đã đưa ra quyết định táo bạo: sử dụng chiếc Type 57S của mình làm nền tảng thử nghiệm những động cơ tương lai mang thương hiệu Buick. Chayne đã thay thế động cơ Bugatti 13S 8 xi-lanh nguyên bản bằng động cơ hợp kim mới Buick V8, loại động cơ ban đầu được Chayne thiết kế với mục đích ứng dụng cho hàng loạt các mẫu xe Buick. Tuy nhiên, sau đó, hãng xe Mỹ đã quyết định từ bỏ dự án này và hơn 30 năm sau, động cơ Buick V8 đã được Rover thiết kế lại và sản xuất tại Anh và đã trở thành loại động cơ hiện đại nhất được trang bị trong các dòng xe hạng sang của Rover.
Dù động cơ V8 không được GM ủng hộ, cựu kỹ sư trưởng của Buick vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ bằng cách thử nghiệm động cơ này cho riêng các mẫu xế cổ Bugatti của ông - một quyết định được coi là rất "dũng cảm". Cùng với những thay đổi, nâng cấp mới về tay lái trợ lực, giảm xóc, phanh thủy lực… và kết quả là mẫu siêu xe Bugatti có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên đến 120 mph (193 km/h) - một con số đủ khiến những chiếc xe thể thao vào thời điểm đó e dè. Và đây cũng chính là lí do tại sao chiếc Bugatti Type 57S này lại có cái tên gây tò mò: Buikatti Type 57S 1937.
Mẫu xế cổ mang dòng máu Pháp-Mỹ này tiếp tục được kéo dài sau khi được chuyển giao sang tay các chủ mới sau này. Năm 1975, Bunny Phillips - đồng sáng lập và là chủ sở hữu đầu tiên của Câu lạc bộ Bugatti Mỹ - đã tậu chiếc “Buickatti” 57S như một món quà Giáng sinh đặc biệt dành cho người vợ Lucille.
20 năm sau đó, Bunny Phillips đã đem chiếc xe bán đấu giá với số tiền thu được là 1,25 triệu USD. Và lúc này Buikatti Type 57S 1937 Vanvooren đã thuộc về chủ sở hữu mới cũng là một nhà sưu tập xe cổ Samuel Mann và được phục hồi trở về với động cơ I8 nguyên bản của mình, chấm dứt một giai đoạn đầy lí thú của mẫu xe huyền thoại này.
Một số hình ảnh về những chiếc Bugatti Type 57S khác:
Như Phúc
Tổng hợp