Báo động nguy cơ tử vong do tính năng khởi động bằng nút bấm của ô tô
(Dân trí) - Nút bấm khởi động xe, hay tính năng khởi động xe không cần dùng chìa, đang ngày càng trở nên phổ biến vì người dùng chỉ cần ngồi vào ghế lái và bấm nút. Sự tiện dụng là không cần bàn cãi, nhưng vì tạo điều kiện cho người dùng ra khỏi xe mà quên tắt máy, chúng cũng có thể gây ra những sự cố ngạt khí đáng tiếc.
Tiện nhưng nguy hiểm...
Vào một sáng mùa hè năm ngoái, ông Fred Schaub lái chiếc Toyota RAV4 của mình vào đỗ trong gara gắn liền với nhà ở Florida (Mỹ) và rồi cầm khóa bấm vào nhà, tin rằng xe đã tắt máy. 29 tiếng sau, ông được tìm thấy đã tử vong do ngạt khí CO (carbon monoxide) trong lúc ngủ. Lượng khí CO đo được trong nhà ông Schaub khi đó cao gấp 30 lần ngưỡng chịu đựng của con người.
“Sau 75 năm lái ô tô, bố tôi nghĩ rằng khi ông cầm khóa ra khỏi ô tô tức là xe đã tắt máy,” con trai ông nói.
Nạn nhân đầu tiên của "khiếm khuyết" này của công nghệ khởi động xe không chìa được cho là bà Jeanette Colter, một phụ nữ 70 tuổi cũng sống ở Florida, khi bà quên không tắt máy chiếc Toyota Avalon đỗ trong gara. Ngôi nhà đầy khí CO và bà được con gái tìm thấy nằm bất tỉnh và đã ngừng thở giữa phòng ngủ và bếp; trong khi chồng bà - ông David, 89 tuổi, chết trong phòng ngủ.
Hiện chưa có thống kê đầy đủ chính thức của về số vụ tử vong và tổn thương do ngạt khí CO thải ra từ ô tô được trang bị hệ thống khởi động không chìa.
Tuy nhiên, tổng hợp dữ liệu từ các báo cáo, thông tin từ các vụ kiện, thống kê tai nạn có liên quan của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa..., trang The New York Times cho biết kể từ năm 2006 đến năm 2016, đã có ít nhất 28 người tại Mỹ tử vong do ngạt khí CO thải ra từ ô tô có trang bị hệ thống khởi động xe không cần dùng chìa (dùng nút bấm khởi động) mà tài xế quên tắt máy khi ra khỏi xe. Ít nhất 45 người khác đã bị thương và một số người bị tổn thương não. Con số thực tế có thể cao hơn.
Theo số liệu thống kê của trang Edmunds, hệ thống khởi động không dùng chìa hiện là trang bị tiêu chuẩn trên hơn một nửa trong số khoảng 17 triệu xe mới bán ra mỗi năm tại Mỹ. Trong khi đó, động cơ được chế tạo hoạt động ngày càng êm, và tất cả tạo điều kiện cho tài xế mắc lỗi quên tắt máy khi ra khỏi xe. Nếu xe đỗ trong nhà và vẫn nổ máy, lượng khí CO thải ra có thể gây ngạt cho người sống trong nhà.
Dù ngày càng có nhiều trường hợp tử vong do lỗi này, nhưng hầu hết các nhà sản xuất ô tô vẫn không bổ sung tính năng an toàn nào có thể giúp ngăn chặn nguy cơ này. Theo tờ New York Times, cách đây 7 năm, Hội các kỹ sư ô tô Mỹ đã từng kêu gọi việc bổ sung cho hệ thống khởi động không chìa tính năng cảnh báo xe chưa tắt máy khi khóa điều khiển không ở gần xe, hoặc thậm chí tự động tắt máy.
Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cũng đã soạn thảo một quy định mới yêu cầu xe ô tô phải có tính năng cảnh báo tài xế về việc xe chưa tắt máy. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ô tô phản đối dự thảo này và thực tế là đến nay cũng chưa có bước tiến nào đáng kể để quy định được thông qua.
Các hãng xe ngại tốn kém?
Hiện nay, một số ít xe, như Ford và Toyota, đã được trang bị tính năng cảnh báo bằng âm thanh trên xe khi cửa ghế lái mở ra (dấu hiệu tài xế ra khỏi xe) trong khi xe đang nổ máy. Tuy nhiên, nguy cơ quên tắt máy xe vẫn hiện hữu, vì đa số tài xế vẫn thường chỉ về số P hoặc N và vẫn để xe nổ máy khi cần ra ngoài xử lý việc gì nhanh chóng.
Một số mẫu xe hiện đại hơn, có tính năng tự động tắt động cơ nếu xe nổ máy không tải trong khoảng 30 phút và chìa khóa không ở trong xe. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong tổng số xe bán ra thị trường vẫn rất thấp.
(Ảnh: CNBC)
Cách đây 3 năm, vì hệ thống khởi động bằng nút bấm của xe ô tô tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc khí CO, người tiêu dùng Mỹ đã làm đơn kiện 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, gồm: BMW (tính cả Mini), Fiat-Chrysler, Ford, General Motors, Honda (tính cả Acura), tập đoàn Hyundai (tính cả Kia), Mercedes Benz, Nissan (tính cả Infiniti), Toyota (tính cả Lexus), và Volkswagen (tính cả Bentley).
Theo đơn kiện gửi Toà án quận ở Los Angeles khi đó, đã có 13 trường hợp tử vong tại Mỹ do ngộ độc khí CO liên quan tới xe được trang bị hệ thống khởi động không dùng chìa - công nghệ có mặt trên hơn 5 triệu xe lưu hành tại Mỹ.
Bên nguyên đơn cho rằng các nhà sản xuất ô tô có thể "cứu" 13 trường hợp tử vong và nhiều trường hợp thương tổn nếu trang bị thêm cho xe tính năng tự động tắt động cơ khi không có người ngồi trên xe - một tính năng không quá đắt và phức tạp.
Mục đích chính của đơn kiện là gây sức ép để các nhà sản xuất ô tô phải trang bị tính tăng tự động tắt máy khi xe không có người ngồi trong. Bên cạnh đó là một số yêu cầu bồi thường và phạt. Tuy nhiên, tới nay, sự việc vẫn chưa đi đến đâu.
Đây là vấn đề không chỉ gây tranh cãi giữa người tiêu dùng với các hãng xe và giữa các hãng xe với nhau, mà còn gây mâu thuẫn trong chính nội bộ các hãng. Ví dụ, Toyota có một hệ thống gồm 3 tín hiệu âm thanh bên ngoài xe và một ở bên trong để cảnh báo tài xế về việc xe vẫn đang nổ máy. Tuy nhiên, khi các kỹ sư của hãng cho rằng cần có các tín hiệu cảnh báo hiệu quả hơn, như đèn chớp hoặc âm thanh báo động riêng, Toyota đã bác bỏ đề xuất này.
Xe của tập đoàn Toyota, bao gồm cả thương hiệu Lexus, chiếm tới gần một nửa số vụ tử vong và tổn thương do ngạt khí CO, theo tờ The New York Times. Tuy nhiên, Toyota vẫn một mực cho rằng hệ thống khởi động không chìa của hãng đáp ứng, thậm chí là vượt, tất cả các tiêu chuẩn an toàn của Mỹ (?!).
Nhật Minh