Ảnh hưởng của động đất ở Nhật đến ngành ô tô (2)

(Dân trí) - Có thể mất nhiều tuần mới thống kê được đầy đủ các mức độ thiệt hại đối với chuỗi cung cấp cho ngành ô tô, và lâu hơn nữa trước khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trở lại hoạt động bình thường, với nguồn cung cấp và giao thông thông suốt.

Subaru

 

Mặc dù có sản lượng không cao như Toyota, Honda hay Nissan, nhưng Subaru vẫn quyết định đóng cửa toàn bộ nhà máy nhằm góp phần cắt giảm tiêu thụ điện ở khu vực. Fuji Heavy Industries, chủ sở hữu thương hiệu Subaru, cho biết công ty dự kiến tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 20/3.

 

Nhìn chung, FHI chỉ bị một số hư hại nhỏ ở các tòa nhà và trang bị sản xuất tại nhà máy, nhưng một số đại lý Subaru thì bị thiệt hại và công ty hiện chưa nắm được chính xác tình hình sự an nguy của toàn bộ nhân viên đại lý.

 

Mazda

 

Mazda có tình hình tương tự Subaru về mức độ thiệt hại trong các trận động đất. Hiện tại, Mazda đã quyết định kéo dài thời gian ngừng sản xuất tạm thời đến hết ngày 20/3.

 

Chưa có thông tin cụ thể về thiệt hại sản lượng của Mazda, nhưng có vẻ như hãng không có thiệt hại lớn về nhà xưởng.

 

Suzuki

 

Suzuki có lẽ là nhà sản xuất ô tô khá khẩm nhất tại Nhật Bản vì trụ sở công ty nằm cách khu tâm chấn hơn 600km. Suzuki cho biết công ty không bị thiệt hại gì ở trụ sở hay các nhà máy ở Quận Shizuoka, và quan trọng hơn là không có nhân viên nào bị ảnh hưởng.

 

Công ty vẫn đang thu thập thông tin về nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng, cũng như các vấn đề có thể phát sinh do thiếu điện, hệ thống phân phối cảng bị ảnh hưởng và các vấn đề giao thông chung.
 
Ảnh hưởng của động đất ở Nhật đến ngành ô tô (2) - 1

 

Các hãng xe nước ngoài
 

Các nhà máy của Nhật Bản chủ yếu cung cấp cho thị trường Nhật. Tuy nhiên, đây cũng là một nguồn cung động cơ và linh kiện, phụ tùng cho các nhà máy lắp ráp ở nước ngoài và cung cấp một số xe chỉ sản xuất tại Nhật Bản, như Toyota Prius.

 

Ví dụ, GM mua hộp số cho xe Chevrolet Volt từ một nhà cung cấp Nhật Bản. Nhật cũng là nơi cung cấp pin cho một số xe hybrid sản xuất tại Mỹ. Ngoài ra, Nhật là nguồn cung cấp chủ yếu các linh kiện điện tử cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô.
 
Mặc dù ba đại gia ô tô Mỹ - GM, Ford, Chrysler - không sản xuất tại Nhật Bản, nhưng với nền kinh tế toàn cầu, họ không thể tránh khỏi một số tác động từ các trận động đất ở Nhật.

 

General Motors (GM)

 

Hiện tại, GM đang đánh giá tình hình vì tập đoàn cũng có các nhà cung cấp Nhật Bản. GM đã tạm dừng sản xuất tại nhà máy Shreveport ở tiểu bang Louisiana (Mỹ) trong tuần 21/3 do thiếu phụ tùng vì trận động đất tuần trước tại Nhật Bản. Nhà máy này lắp ráp các xe bán tải Chevrolet Colorado và GMC Canyon.

 

GM cho biết hiện vẫn đủ lượng xe xuất xưởng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tương lai thì chưa rõ. Việc tạm ngừng sản xuất có thể sẽ không chỉ dừng lại ở nhà máy Shreveport mà còn nhiều nơi khác ở Mỹ, vì rõ ràng là khó có được linh kiện, phụ tùng từ Nhật trong thời gian trước mắt.

 

GM không tiết lộ cụ thể linh kiện, phụ tùng nào bị thiếu nguồn cung.  

 

Khi được hỏi liệu GM có ý định cắt giảm ca ngoài giờ như nhiều nhà sản xuất khác nhằm giảm tiêu thụ linh kiện, phụ tùng, thì đại diện GM cho biết hiện chưa có kế hoạch thay đổi nào khác trong sản xuất.

 

Ford

 

Ông Todd Nissen, đại diện Ford, cho biết mặc dù mối lo ban đầu là nhà cung cấp cấp 1 - Sanyo - có thể gặp khó khăn trong việc cung ứng pin cho một số xe hybrid của Ford, nhưng hiện tại thì chưa có vấn đề gì.

 

Ông Nissen cho biết Ford hiện không thấy nguy cơ thiếu linh kiện, phụ tùng.

 

Chrysler

 

Chrysler hiện vẫn hoạt động tốt, không bị giảm sản lượng, và đang tiếp tục theo dõi tình hình sát sao.

 

Chrysler không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung phụ tùng từ Nhật Bản, nên có thể không gặp vấn đề gì lớn. Hiện tại, mối quan tâm chính của công ty là sự an toàn của những người dân ở vùng bị thảm họa động đất.
 
 

Nhật Minh

Theo Leftlane, WSJ