Ấn Độ thử nghiệm lắp đặt đèn giao thông full-LED độc lạ ở Mumbai
(Dân trí) - Với toàn bộ thân cột đèn cũng được lắp bóng LED sáng rực, người tham gia giao thông sẽ khó có thể nói rằng không nhìn thấy đèn xanh, đèn đỏ.
Theo đó, thay vì sử dụng đèn giao thông như thông thường, hệ thống mới sẽ lắp đặt đèn LED lên toàn bộ phần thân của cột đèn, từ đó giúp cải thiện khả năng hiển thị của tín hiệu đèn giao thông. Ánh sáng phát ra sẽ mạnh hơn và rộng hơn, khi toàn bộ phần thân cột đèn đều phát sáng. Việc tích hợp đèn LED có nghĩa là mỗi khi màu của đèn giao thông thay đổi thì toàn bộ phần cột đèn cũng sẽ sáng lên cùng màu, thay vì chỉ mỗi phần bóng đèn như truyền thống.
Mặc dù mới chỉ được lắp thử nghiệm ở một khu vực, giới chức địa phương đã có kế hoạch triển khai hệ thống mới ở nhiều địa điểm khác. Ngoài những lợi ích về mặt chức năng, thiết kế đèn giao thông mới còn được giới thiệu là có tính "thẩm mỹ" cao hơn. Tuy vậy, vẫn có những thách thức đặt ra bao gồm việc uốn cong đèn LED theo yêu cầu và đồng bộ hóa với hệ thống tín hiệu giao thông.
Nhìn chung, dự án mới được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích và các ý tưởng vẫn đang được điều chỉnh. Các điều chỉnh này bao gồm nỗ lực thực hiện chuyển đổi hệ thống sang sử dụng năng lượng mặt trời, nhằm tăng tính bền vững và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, các chuyên gia cũng nghiên cứu các giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả về mặt chi phí và chất lượng ánh sáng ở các khu phố.
Hồi năm ngoái, trong một dự án độc lập khác, một hệ thống đèn giao thông kiểu mới với đèn LED lắp đặt ngay trên mặt đường đã được triển khai tại giao lộ Công viên KBR ở Hyderabad. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về kết quả của dự án đó.
Ở thời điểm hiện tại, việc thí điểm đã cho thấy kết quả thành công ban đầu, và nhiều đèn giao thông kiểu mới sẽ được đưa vào sử dụng trên các tuyến đường một chiều và có thể mở rộng ra ngoài khu vực Worli Sea Face.
Việc tăng khả năng hiển thị của hệ thống đèn giao thông mới ở Mumbai sẽ giúp lái xe nhận ra tín hiệu từ xa và nhờ đó có thể nâng cao độ an toàn cho người đi bộ. Việc áp dụng các lý thuyết này vào nghiên cứu thực tế, có thể mang đến những phân tích sâu hơn về hiệu quả của việc cải thiện khả năng hiển thị tín hiệu giao thông.
Đối với một quốc gia có tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn giao thông đường bộ cao như Ấn Độ, những phát minh như vậy đều rất hữu ích. Giới chức New Delhi hiện không công bố số liệu cụ thể, tuy nhiên, tai nạn giao thông được cho là nguyên nhân chủ yếu trong các vụ thiệt hại nhân mạng do tai nạn tại Ấn Độ. Mặc dù chỉ chiếm chưa đến 3% tổng số phương tiện giao thông, nhưng quốc gia Nam Á này lại chiếm tới 12% số ca thiệt mạng do tai nạn giao thông trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có gần 300 nghìn ca thiệt mạng do tai nạn giao thông đường bộ ở Ấn Độ vào năm 2018.