Ai cho bảo vệ quyền khóa bánh ô tô đỗ sai trong khu đô thị?

PV

(Dân trí) - Việc ô tô đỗ không đúng nơi trong khu đô thị cần lên án, tuy nhiên xử lý hành vi này cũng cần dựa trên căn cứ pháp luật chứ không thể muốn làm gì thì làm.

Hôm trước, sảnh chung cư nơi tòa nhà tôi sống bị ùn ứ vì một chiếc ô tô đỗ chắn lối ra vào. Người dân ở đây rất bức xúc, bảo vệ cũng đã khóa bánh phương tiện này, nhưng đương nhiên biện pháp đó không ngay lập tức giúp lối đi được thông thoáng.

Một lúc sau, tài xế chiếc ô tô trên ra xe, thấy bị khóa bánh nên đã tranh cãi với bảo vệ. Mọi việc diễn ra căng thẳng hơn khi người này yêu cầu phải mở khóa xe để anh ta đi, trong khi bảo vệ bắt phải làm tường trình, viết cam kết không tái phạm.

Hai bên lời qua tiếng lại, chỉ thiếu nước "động tay động chân", còn người dân thì thêm chật vật vì lối đi càng bị thu hẹp.

Ai cho bảo vệ quyền khóa bánh ô tô đỗ sai trong khu đô thị? - 1

Một số bảo vệ khu đô thị đã khóa bánh những xe đỗ không đúng quy định (Ảnh minh họa).

Là người trực tiếp bị "thiệt hại" do chiếc xe đỗ chắn lối và rõ ràng ở đó bảo vệ cũng đặt biển cấm dừng đỗ quá 15 phút. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng không đồng tình với việc khóa bánh xe như vậy. Căn cứ ở đâu để bảo vệ được quyền làm điều ấy? 

Như tôi được biết, để xử lý ô tô đỗ sai ở ngoài đường, lực lượng chức năng phải thành lập tổ công tác gồm các đơn vị khác nhau. Trước khi tiến hành cẩu xe còn phải gọi loa thông báo, sau đó mới niêm phong trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, rồi mới đưa xe vi phạm về bãi để xử lý.

Nói như thế để thấy việc can thiệp vào tài sản cá nhân, cụ thể ở đây là chiếc ô tô, cần thực hiện theo luật. Bởi vậy, bảo vệ chung cư có được trao quyền này không? Khi khóa bánh xe của người khác, nếu không may xảy ra tổn thất thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Thậm chí theo tôi biết, một số nơi còn tiến hành phạt tiền những tài xế đỗ xe không đúng quy định. Việc thu tiền càng trở nên đáng đặt câu hỏi hơn nữa khi mà không có biên lai. Vậy số tiền phạt đó sẽ về đâu, được dùng vào việc gì, ai là người giám sát?

Tôi không ủng hộ việc đỗ xe sai quy định, thậm chí còn rất bức xúc. Nhưng xử lý và xử phạt thì phải dựa trên căn cứ của pháp luật. Không thể xử lý cái sai bằng một cái sai khác, thế khác nào bức xúc vì bị đỗ xe trước cửa nhà thì "có quyền" xì lốp hay tạt sơn vào phương tiện của người ta?

Vì một xã hội văn minh, tôi mong mỏi mỗi tài xế đều nâng cao ý thức và tự đặt câu hỏi rằng mình đỗ thế này thì có ảnh hưởng tới mọi người không, nếu mình là người dân ở đây thì sẽ thấy thế nào? Tiếp theo đó, người bảo vệ hãy thực hiện đúng trọng trách của mình, xử lý những xe vi phạm đúng luật.

Độc giả Vũ Tuấn

Bài báo thể hiện ý kiến của độc giả, không nhất thiết trùng khớp với ý kiến của báo Dân trí.