6 vấn đề đáng chú ý trên thị trường ô tô, xe máy năm 2009
(Dân trí) - Giữa lúc thị trường và ngành công nghiệp ô tô - xe máy thế giới trải qua nhiều biến động, thị trường Việt Nam năm 2009 đã có những tín hiệu vượt khủng hoảng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề cần suy ngẫm.
Trước thềm năm mới 2010 hứa hẹn nhiều biến động trên thị trường ô tô, xe máy trong nước - khi dòng xe chiến lược cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ được xác định, những ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và lệ phí trước bạ kết thúc, trong khi thuế nhập khẩu ô tô giảm nhẹ theo lộ trình Việt Nam đã cam kết với WTO - hãy cùng Dân trí điểm lại những vấn đề đáng chú ý trong năm 2009:
1. Những thay đổi về thuế, phí
Khởi đầu là quyết định của Bộ Tài chính giảm 50% thuế GTGT, từ mức 10% xuống còn 5%, đối với 19 nhóm hàng, trong đó có ô tô các loại, áp dụng từ ngày 1/2 đến 31/12/2009. Lập tức, hàng loạt các hãng xe và nhà phân phối ô tô đã công bố bảng giá mới hấp dẫn khách hàng hơn.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi từ ngày 1/5 đến hết 31/12/2009. Cũng trong thời gian này, 4 nhóm hàng sẽ được bổ sung giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT, trong đó có xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3. Thị trường bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian dài ảm đạm.
Một thay đổi nữa về thuế đối với mặt hàng ô tô là theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2009, xe ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi-lanh từ 3.000 cm3 trở xuống được giữ nguyên hoặc giảm thuế suất. Trong khi đó, ô tô 5 chỗ ngồi trở xuống có dung tích trên 3.000 cm3 và ô tô 6-9 chỗ phải chịu thuế suất cao hơn.
Vào tháng cuối cùng của năm 2009, Bộ Tài chính đã công bố biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi mới, áp dụng từ ngày 1/1/2010; theo đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi chạy bằng xăng và xe 4 bánh 2 cầu có dung tích xi-lanh trên 2,5 lít có mức thuế suất 80%, giảm 3% so với hiện nay. Dòng xe 4 bánh 2 cầu chủ động khác áp dụng thuế suất 77% (bằng mức trần cam kết với WTO).
2. Thị trường khởi sắc
Thị trường ô tô trong nước uể oải từ giữa năm 2008 chỉ sôi động trở lại từ giữa năm 2009 trước những thay đổi về thuế, phí nói trên. Tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước và nhập khẩu liên tục lập kỷ lục.
Mặc dù chưa có con số thống kê cho cả năm 2009, nhưng với doanh số lũy kế 11 tháng đạt 104.395 xe, tăng 2% so với cùng kỳ 2008, nhiều khả năng tổng doanh số năm của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) sẽ đạt mức 120.000 xe, vượt kế hoạch và cao hơn doanh số năm 2008.
Trong khi đó, ô tô nhập khẩu, dù phải chịu thuế suất cao, đang thực sự trở thành đối trọng của xe lắp ráp trong nước.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2009, có khoảng 76.300 chiếc ô tô cũ, mới nguyên chiếc các loại được nhập khẩu về Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 1,171 tỷ USD. Như vậy, so với con số 50.400 chiếc và kim ngạch 1,034 tỷ USD của năm 2008 thì lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam dự kiến tăng tới 50% và kim ngạch tăng 13% trong năm 2009.
Đáng chú ý nhất trên thị trường xe máy Việt Năm năm 2009 là việc hãng Piaggio của Ý đã chính thức khai trương nhà máy tại Việt Nam, sau 2 năm xây dựng, với mẫu xe “nội” đầu tiên là Vespa LX 125. Tiếp đó, Piaggio công bố quyết định chuyển trụ sở của hãng tại châu Á từ Singapore về Việt Nam.
Cũng trong năm 2009, thêm nhiều thương hiệu ô tô, xe máy ngoại có nhà nhập khẩu, liên doanh và phân phối chính thức tại Việt Nam, như Subaru từ Nhật Bản, Chrysler từ Mỹ, Fiat và Alfa Romeo từ Ý, Chery từ Trung Quốc, và thương hiệu mô-tô Ducati từ Ý.
3. Vụ thu hồi xe đầu tiên tại Việt Nam
Thu hồi xe là hoạt động phổ biến ở hầu hết các thị trường ô tô, xe máy trên thế giới. Theo đó, một hay nhiều mẫu xe bị phát hiện lỗi kỹ thuật thì nhà sản xuất sẽ phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm để khắc phục. Tại Việt Nam, hoạt động này còn khá mới mẻ.
Toyota Việt Nam là nhà lắp ráp ô tô đầu tiên tại Việt Nam công khai tiến hành thu hồi 662 chiếc xe Fortuner để kiểm tra và thay bu-lông cam chỉnh góc đặt bánh xe bị lỗi trong quá trình sản xuất. Sự việc có thể được nhìn nhận như một động thái tích cực của hãng và kỳ vọng tạo một tiền lệ tốt cho các nhà sản xuất khác.
4. Luật Giao thông đường bộ mới bắt đầu có hiệu lực
Những điểm đáng chú ý nhất trong Luật Giao thông đường bộ 2008, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, là quy định tất cả người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy 2 bánh, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy định (kể cả trẻ em từ 6 tuổi trở lên); và quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang 4 loại giấy tờ: Giấy đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau khi quy định về quản lý, gắn biển đối với xe máy, xe đạp điện theo Luật Giao thông đường bộ mới có hiệu lực, tại TP.HCM vẫn chưa có người dân nào đến đăng ký xe máy điện tại các cơ quan chức năng. Nguyên nhân chủ yếu do Nghị định 146 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông vẫn chưa bổ sung các trường hợp xe máy điện không đăng ký, nên cơ quan chức năng không thể tiến hành xử phạt. Do đó, nhiều tỉnh, thành phố đã phải tăng cường công tác tuyên truyền.
5. Đề xuất dòng xe chiến lược
Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2009.
Theo đề xuất của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 11, dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch tại Việt Nam là xe đa dụng từ 6-9 chỗ ngồi với dung tích động cơ nhỏ hơn 1,5 lít và đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Dòng xe chiến lược sẽ được nhiều ưu đãi về thuế GTGT, thuế TTĐB và lệ phí trước bạ.
Mẫu xe Toyota Avanza ra mắt ngay sau đó, hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của dòng xe chiến lược do Bộ Công thương đề xuất (Ảnh: Việt Hưng)
Nội dung đề xuất của Bộ Công thương lập tức nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía người tiêu dùng, giới chuyên gia, và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, với đa số ý kiến là phản đối vì cho rằng lựa chọn này là chưa hợp lý, ở chỗ xe đa dụng nhiều chỗ ngồi (6-9 chỗ) mà dung tích động cơ nhỏ (1,5 lít). Đến nay, những tranh cãi vẫn chưa có hồi kết và đề xuất này cũng chưa nhận được ý kiến đồng thuận từ chính các nhà sản xuất ô tô.
Trong một diễn biến khác nhưng cũng xoay quanh chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước là việc thanh tra Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra 6 công ty, gồm: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Công ty ô tô Việt Nam Daewoo, Công ty TNHH Việt Nam Suzuki, Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty TNHH Liên doanh sản xuất ô tô Ngôi Sao. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân khiến giá bán ô tô tại nước ta cao là tỉ lệ nội địa hóa thấp, chịu thuế cao; từ đó đẩy chính sách nội địa hóa ô tô của Việt Nam đến sát bờ vực phá sản.
6. Điều tra gian lận thuế ô tô
Năm 2009, vấn đề gian lận thuế ô tô được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện truyền thông và đưa ra thảo luận tại các bộ, ngành liên quan, xoay quanh định nghĩa xe tải VAN và xe chở tiền.
Từ tháng 5/2009, xe Kia Morning và Daewoo Matiz bị nghi ngờ gian lận thương mại, bằng việc đăng ký dưới hình thức xe tải VAN. Nếu kê khai là xe tải VAN được chấp nhận, doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế suất nhập khẩu 60%, và được ưu đãi các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và GTGT.
Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Tổng cục Hải quan xử lý, truy thu thuế đối với các xe đã vi phạm trên với thuế suất áp cho xe ô tô 5 chỗ chở người. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở chỗ Cục Đăng kiểm, thuộc Bộ Giao thông vận tải, đã cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xác nhận các xe trên là ô tô tải VAN, loại 2 chỗ ngồi.
Daewoo Matiz nhập khẩu dưới dạng xe tải VAN (Ảnh: H.Ngân)
“Xung đột” này vẫn chưa được các bên thống nhất giải quyết, thì đến tháng 12/2009, theo nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, tại một số cửa khẩu thuộc địa bàn TP. Hải Phòng có hiện tượng một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Hyundai hiệu Veracruz và Santa Fe 7 chỗ ngồi, nhưng khai là xe chở tiền, nhằm trốn thuế.
Câu chuyện một lần nữa cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý, để một mặt tránh tình trạng thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, mặt khác giảm thiểu những phiền phức không đáng có cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nhật Minh