40 triệu xe máy không được kiểm soát khí thải
Đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy năm 2010 yêu cầu, trong giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm soát được 80-90% lượng khí thải xe máy tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy vậy, đến nay, các ngành chức năng đều thừa nhận “lộ trình đưa ra đã thất bại”.
“Vỡ kế hoạch”
40 triệu xe gắn máy không được kiểm soát khí thải
Năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải đối với xe máy đã được phê duyệt. Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ GTVT xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng. Cụ thể, từ năm 2010-2013, bắt đầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và phấn đấu đạt 20% số xe máy ở Hà Nội và TP.HCM tham gia kiểm định khí thải định kỳ. Đồng thời, phải hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe máy, với ít nhất 100 cơ sở ở Hà Nội và 150 cơ sở tại TP. HCM. Giai đoạn 2013-2015, sẽ kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80-90% lượng xe tại 2 TP lớn này. Bên cạnh đó, phải mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để 60% số xe ở các TP loại 1 và 2 đạt tiêu chuẩn khí thải. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị chức năng chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, triển khai đề án đã thừa nhận “lộ trình thực hiện bị vỡ tiến độ”. Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cho biết, việc kiểm soát khí thải đối với xe máy đang gần như bất lực. Trong khi đó, kiểm soát khí thải xe máy được cho là cần thiết, vì tốc độ gia tăng của loại hình phương tiện này lớn qua từng năm và trong thời gian tới, xe máy vẫn là phương tiện chủ lực của người dân khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được.
Hiện nay nước ta có khoảng 2 triệu xe ô tô và khoảng 40 triệu xe máy. Như vậy, lượng khí thải xe máy thải ra hàng năm là vô cùng lớn. Song, theo ông Chu Mạnh Hùng, nhận thức của lãnh đạo các địa phương về phát thải khí xe máy còn chưa cao, dẫn tới tình trạng không mặn mà trong thực hiện. Trong khi đó, để kiểm soát được khối lượng xe máy khoảng 40 triệu chiếc là không đơn giản. “Cần sự hỗ trợ, vào cuộc của các bộ, ngành và nòng cốt là UBND các tỉnh, thành phố”, Vụ trưởng Vụ Môi trường bày tỏ.
Xin “khất” đến 2017
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, Cục Đăng kiểm đã báo cáo Bộ GTVT xin Chính phủ giãn lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe máy. Dự thảo Nghị định kiểm soát khí thải xe gắn máy đã được Cục này trình Bộ GTVT nêu rõ, xe máy sử dụng chưa đến 3 năm sẽ không nằm trong diện phải kiểm định khí thải hàng năm. Phạm vi kiểm soát khí thải xe máy cũng được mở rộng tại 5 TP lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chu kỳ kiểm định là 1 năm/lần. Thời gian áp dụng từ 1/7/2017 đối với TP Đà Nẵng. Tại 4 TP còn lại sẽ theo lộ trình: từ 1/7/2018, kiểm soát đối với xe trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1/7/2019, kiểm soát đối với các xe còn lại. Xe máy sau khi kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ được dán tem kiểm định, khi đó xe mới đủ điều kiện tham gia giao thông. Trước mắt, theo dự thảo, sẽ dựa vào khoảng 500 đại lý ủy quyền tại 5 TP lớn của 5 hãng xe máy ở Việt Nam để tham gia kiểm định khí thải xe máy. Các đại lý này sẽ được Cục Đăng kiểm hỗ trợ tập huấn, chuyển giao phần mềm kỹ thuật và cung cấp tem chứng nhận.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, sắp tới, sẽ có chế tài để bắt buộc các chủ xe gắn máy phải thực hiện kiểm tra khí thải theo chu kỳ quy định. Đối với ô tô, theo ông Chu Mạnh Hùng, Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn EURO 2, trong khi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã áp dụng tiêu chuẩn EURO 4. Vì vậy, nếu không nâng tiêu chuẩn lên, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới. Được biết, từ 2017, ô tô tại Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 4.
Theo Ngân Tuyền
An ninh thủ đô