4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng

Gia An

(Dân trí) - Ống xả phả vào mặt người khác, gác chân phía sau dễ gây thương tích, hay lốc máy có thể bị thủng khi va chạm là những điểm mà một số người dùng xe máy Honda chưa hài lòng.

Honda là thương hiệu xe máy chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam, áp đảo hoàn toàn các tên tuổi khác. Trở thành sản phẩm "quốc dân" nhưng một số chi tiết trên dòng xe máy Honda đời mới lại gây bất tiện nhất định cho người sử dụng. 

Ống xả phả vào mặt người khác

4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng - 1

Ống xả nguyên bản trên một số đời xe Winner X sẽ phả thẳng vào người đi phía sau, buộc người dùng phải độ chế để khắc phục (Ảnh: Tinhte).

Vấn đề này gặp phải trên Honda Winner khi phần khí thải thoát ra từ ống xả sẽ phả thẳng vào người đi phía sau, thậm chí trực tiếp vào mặt. Điều này gây ảnh hưởng tới những người xung quanh, đặc biệt khi xe dừng chờ đèn đỏ tại các khu vực đông đúc.

"Bản thân mình là chủ xe Winner X khi biết vấn đề này cũng rất ngại với mọi người", Vũ Hoàng, một người sở hữu xe, chia sẻ.

Để khắc phục, một số chủ xe đã lắp thêm phần chụp bên ngoài có giá vài chục nghìn đồng để hướng đường ống xả xuống dưới. Trong khi đó, trên mẫu Winner X 2022, Honda tinh chỉnh lỗ thoát ống xả cụp xuống 20 độ, khắc phục phần nào sự bất tiện trên. 

Gác chân kim loại gây nguy hiểm

4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng - 2

Gác chân phía sau một số mẫu xe Honda được ví như con dao, có thể gây nguy hiểm (Ảnh: My Đức).

Phần gác chân phía sau trên nhiều mẫu xe của Honda đời mới được làm hoàn toàn bằng kim loại. Khi sử dụng, người dùng mở ra và chi tiết này sẽ nhô khoảng 5-7 cm so với thân xe. Nếu không được gập vào sau khi sử dụng, gác chân kim loại này có thể gây thương tích cho người khác.

"Một lần, mình ở trong bãi xe khá chật, chị gái bên cạnh dắt chiếc Lead ra mà không để ý, phần gác chân này quệt vào ống đồng chân mình gây chảy máu và đau cả ngày trời", Đức Anh, một "nạn nhân" của chi tiết trên nhớ lại. "Nói không quá thì phần gác chân này tiềm ẩn nguy hiểm chẳng khác gì một con dao gắn trên xe". 

Một số khách hàng khác phàn nàn rằng khi không may xảy ra va chạm, xe bị đổ mà phần gác chân kim loại này đụng vào người cũng sẽ gây thương tích. Do đó, người điều khiển phương tiện cần chủ động gấp phần gác chân này lại khi không sử dụng. 

Không có nút bật/tắt đèn 

Trên nhiều mẫu xe đời mới, Honda không còn tích hợp nút bật/tắt đèn. Điều này đồng nghĩa với việc khi khởi động là hệ thống chiếu sáng trên xe sẽ mặc định bật lên; hãng chỉ giữ lại nút chuyển chế độ đèn chiếu xa, chiếu gần.

4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng - 3

Nhiều dòng xe máy của Honda hiện nay mặc định sẽ luôn bật đèn khi khởi động (Ảnh: HVN).

Theo giải thích của Honda Việt Nam, đây là hệ thống đèn AHO (đèn trước luôn sáng) nhằm tăng khả năng nhận diện cho phương tiện khi lưu thông trên đường, giúp người khác dễ nhận biết và chủ động phòng tránh va chạm. Tuy nhiên, một số khách hàng không đồng tình với cách giải thích này.

"Là người sử dụng xe, tôi thấy cái mà Honda Việt Nam gọi là AHO thực tế chỉ đơn thuần là cắt bỏ nút bật/tắt đèn và đấu trực tiếp, tức là lúc nào đèn cũng sáng, còn nút chỉnh pha/cos thì vẫn vậy", Nguyễn Công Hải, chủ chiếc Honda Wave RSX FI nói.

Trong điều kiện và thói quen sử dụng xe máy tại Việt Nam, việc đèn xe luôn bật gây những bất tiện nhất định. "Nhiều lần mấy cô trong xóm nhắc tắt đèn, lúc đi vào chỗ đông người muốn tắt đèn để không chói mắt người khác thì lại chẳng được. Nhìn chung, mình vẫn thích có công tắc để chủ động hơn", anh Hải cho hay.

4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng - 4

Một số chủ xe phải tự độ thêm công tắc để tắt đèn nhưng việc này tiềm ẩn những rủi ro khi thay đổi thiết kế gốc của nhà sản xuất (Ảnh chụp màn hình).

Để khắc phục, một số chủ xe đã tìm đến các dịch vụ nhằm độ thêm công tắc bật/tắt đèn. Tuy nhiên những lo ngại khi lắp thêm phụ  kiện bên ngoài, nguy cơ hư hỏng xe hay bị hãng từ chối bảo hành do thay đổi thiết kế nguyên bản vẫn thường trực.

Nguy cơ vỡ lốc máy khi xe bị đổ

4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng - 5

Chân chống giữa trên Honda AirBlade có phần đầu nhọn, nguy cơ làm thủng lốc máy nếu xe bị đổ hoặc xảy ra va chạm (Ảnh: Hội Honda AirBlade Việt Nam).

Anh Văn Phong, chủ một chiếc xe Honda AirBlade, vừa phải thay lốc máy (lốc nồi) chỉ vì trước đó làm đổ xe ra đường. "Lúc đó, mình yếu tay nên dắt xe bị đổ, không xảy ra va chạm với người khác, thế nhưng phần lốc máy đã bị chọc thủng bởi phần nhọn trên chân chống giữa của xe", anh kể.

4 điểm trên xe máy Honda gây bất tiện và nguy hiểm cho người dùng - 6

Thiết kế chân chống giữa trên xe Honda SH có thể hạn chế được tình trạng thủng lốc máy khi xe bị đổ (Ảnh: Quốc Thái).

Trên mẫu AirBlade, Honda trang bị chân chống giữa với phần gạt được thiết kế có một mũi nhọn quay vào mặt trong, gần với phần lốc máy. Khi xe bị đổ xuống mặt đường, chi tiết này có thể bị bẻ cong vào trong và làm thủng lốc máy, gây tốn kém không nhỏ để thay thế, sửa chữa.

Một số chủ xe đã chọn cách cắt bỏ phần đầu nhọn này đi để tránh rơi vào tình huống tương tự. "Đồng ý xe bị đổ hay va chạm do tai nạn thì lỗi thuộc về người sử dụng, tuy nhiên nhà sản xuất cũng nên tình tới các tình huống chứ. Thực tế một số dòng xe khác của Honda như SH chẳng hạn, thiết kế chân chống giữa phẳng và cách xa lốc máy nên đâu có bị vậy", anh Phong cho biết thêm.