Sau khi sáp nhập, cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện
(Dân trí) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cấp tỉnh, xã với nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ sở.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi mới nhất quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Nhiệm vụ, quyền hạn của 2 cấp
Theo đó, trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), dự Luật phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn từng cấp chính quyền địa phương theo hướng cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.
Đồng thời, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề ở cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia ở cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp này.

Theo thông báo từ Ban Chấp hành Trung ương, cả nước sẽ giảm 60-70% số xã hiện tại (Ảnh: QC).
Đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,… của địa phương.
Đối với cấp xã, dự thảo Luật quy định cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện và cấp xã hiện nay.
Đồng thời, cấp này được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của mình.
Dự thảo Luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đặc biệt, cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.
Ngoài ra, dự Luật còn bổ sung chủ thể phân cấp là HĐND để thực hiện đồng bộ chủ trương đẩy mạnh phân cấp từ chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp xã; từ HĐND cho UBND cùng cấp. Luật hiện hành quy định, chính quyền địa phương chỉ có chủ thể thực hiện phân cấp là UBND.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định: "HĐND phân cấp cho UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp".
Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương
Đối với cấp tỉnh, dự Luật cơ bản giữ như quy định hiện hành. Dự thảo Luật chỉ tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập cấp tỉnh và bổ sung quy định Ủy viên các Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Còn với cấp xã, dự Luật quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu) gồm: HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối đa là 40 đại biểu.
Đồng thời, UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác để phù hợp với mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã mới.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII chiều 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Bên cạnh đó, Trung ương nhất trí cao với chủ trương sau sáp nhập, đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng so với hiện hành.