Sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, cán bộ được bố trí ra sao?
(Dân trí) - Sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ chuyển hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách ở cấp huyện xuống cấp xã.

Sau sáp nhập, cán bộ cấp xã sẽ tạm thời giữ ổn định (Ảnh minh họa: Tố Linh).
Theo đề án sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố sẽ có 2 đợt sắp xếp cán bộ.
Giai đoạn thứ nhất, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và kết thúc nhiệm vụ cấp huyện, thành phố sẽ chuyển 4.946 biên chế công chức được giao năm 2025 để bố trí biên chế cấp xã.
Cụ thể, với số cán bộ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và lãnh đạo 2 ban chuyên môn của HĐND cấp xã, thành phố sẽ căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ để lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để bầu, bổ nhiệm. Trong đó, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Đối với số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp sẽ bố trí đủ vào số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp xã sau sắp xếp.
Thành phố sẽ điều động, bố trí công chức cấp huyện theo hướng dẫn của Trung ương giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng thuộc đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập; tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh về cấp xã.
Đối với công chức tại UBND cấp huyện sẽ bố trí công tác tại các đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập.
Tiêu chuẩn bố trí công chức chuyên môn, nghiệp vụ tại cấp xã phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm đối với công chức cấp huyện trở lên theo quy định.
Sau khi sắp xếp, tổng số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã là 11.342 cán bộ, công chức.
Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với 7.758 người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong năm 2025.
Thành phố giao chính quyền cấp xã (sau sắp xếp) làm việc với người hoạt động không chuyên trách và xem xét bố trí họ tham gia công tác tại khu phố (thôn, tổ dân phố) và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác.
Đối với 95.613 biên chế viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước (công tác tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cấp huyện được giao cho cấp xã thành lập sau sắp xếp quản lý), thành phố sẽ bố trí hết vào biên chế viên chức cấp xã được thành lập sau khi sắp xếp.
Cụ thể, UBND cấp xã mới thành lập sẽ quản lý số lượng viên chức tại các đơn vị trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non và trạm y tế trú đóng trên địa bàn.
Số lượng biên chế viên chức tại các trạm y tế ở các đơn vị hành chính cấp xã được giữ nguyên. Viên chức tại Trung tâm y tế cấp huyện sẽ chuyển về trực thuộc Sở Y tế quản lý.
Đối với các viên chức thuộc các lĩnh vực khác sẽ thực hiện theo quy định về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập khi sắp xếp.
Giai đoạn thứ hai là khi thực hiện sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM. Theo đề án, sau khi sáp nhập 3 địa phương thành một thì TPHCM (mới) tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của thành phố.
Trên cơ sở định hướng của Trung ương, thành phố sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giản biên chế công chức hành chính và giảm số lượng người làm việc để đảm bảo thực hiện đúng tỷ lệ giảm do Trung ương quy định.