Lãnh đạo Đà Nẵng nói về chủ trương sáp nhập với tỉnh Quảng Nam

Hoài Sơn

(Dân trí) - Đà Nẵng và Quảng Nam đã thành lập ban chỉ đạo để chuẩn bị các công việc cho việc sáp nhập. Tuy nhiên về tên gọi, xác định trung tâm hành chính khi sáp nhập chưa có thông tin chính thức.

Ngày 11/4, tại buổi họp báo quý 1, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có những chia sẻ về thông tin sáp nhập hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, hiện nay chưa có văn bản chính thức của Bộ Chính trị, của Trung ương liên quan nội dung sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Hai địa phương đã thành lập ban chỉ đạo để chuẩn bị các công việc theo chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương.

Lãnh đạo Đà Nẵng nói về chủ trương sáp nhập với tỉnh Quảng Nam - 1

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo bà Thi, về tên gọi, xác định trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hay tại Quảng Nam khi sáp nhập đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức, phải đợi kết luận của Bộ Chính trị.

"Liên quan đến việc sáp nhập giữa hai địa phương, khi có thông tin chính thức của Bộ Chính trị quyết định cụ thể, có văn bản chính thức, thành phố sẽ trả lời", bà Thi nói.

Theo ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng và Quảng Nam đang cùng làm việc, chuẩn bị xây dựng đề án sáp nhập để trình cho Trung ương trong thời hạn là đầu tháng 5.

"Sáng hôm nay (11/4), Sở Nội vụ của hai địa phương cũng tổ chức cuộc họp trực tuyến để phân công, phối hợp với nhau thực hiện và hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện", ông Nguyện thông tin.

Lãnh đạo Đà Nẵng nói về chủ trương sáp nhập với tỉnh Quảng Nam - 2

Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo ông Nguyện, các cấp đang làm rất quyết liệt, vừa chạy vừa xếp hàng trong thực hiện chủ trương sáp nhập. Vấn đề sáp nhập tỉnh, thành rất nhiều việc phải chuẩn bị, không chỉ tên gọi khi sáp nhập hay trung tâm hành chính đặt ở đâu.

Ông Nguyện cho biết thêm, về nhà công vụ, nhà ở của công chức sau khi sáp nhập cũng là một vấn đề quan trọng, đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ công chức. Theo phân công trong ban chỉ đạo, các sở, ban, ngành sẽ tính toán theo chức năng của mình.

Về vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, ông Nguyện cho hay, thông tin Đà Nẵng còn 12 phường xã là gợi ý, định hướng của Trung ương và được lãnh đạo thành phố báo cáo trong cuộc họp với Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây.

Tuy nhiên Tổng Bí thư đã thông tin, định hướng lại việc sáp nhập cả nước còn khoảng 5.000 xã (giảm 50%). Trên cơ sở chủ trương này, Chính phủ đang xây dựng tiêu chí và sẽ có phương án tổ chức chính quyền cấp cơ sở.

Dự kiến những ngày tới sẽ có kết luận, từ 20 đến 22/4, Đà Nẵng sẽ lấy ý kiến nhân dân.

Lãnh đạo Đà Nẵng nói về chủ trương sáp nhập với tỉnh Quảng Nam - 3

Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Trong khi đó, về việc trung tâm hành chính thành phố có quá tải nếu sáp nhập hai địa phương, ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, sở sẽ nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo phục vụ tốt với lưu lượng người tăng lên, hạn chế tối đa các tác động làm quá tải hạ tầng.

Ông Nam cho biết thêm, đến nay chưa có tính toán về phương án di dời trung tâm hành chính.