Hướng quản lý cán bộ, công chức khi bỏ cấp huyện
(Dân trí) - Khi bỏ cấp huyện, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ có sự thay đổi. Cơ chế này được Bộ Nội vụ đề xuất trong Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến góp ý. Một trong những nội dung cơ bản của dự thảo Luật là sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, bỏ cấp huyện).
Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức quy định tại Điều 1. Theo đó, luật không tiếp tục quy định về khái niệm cán bộ, công chức cấp xã như trước mà quy định cán bộ, công chức thống nhất từ trung ương cho đến cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Theo đó, cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp cơ sở, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bỏ Chương V quy định về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Như vậy, dự thảo luật đề xuất mô hình thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh.
Điều 42 Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng quy định chi tiết về việc thực hiện quản lý cán bộ, công chức khi thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương.

Thực hiện quản lý cán bộ, công chức theo Dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi (Đồ họa: Tùng Nguyên).