Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Đề xuất thêm 2 nhóm cán bộ lập pháp được hỗ trợ 100% lương hệ số

Hoa Lê

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung 2 nhóm nhân sự tham gia công tác xây dựng pháp luật được hỗ trợ 100% mức lương hệ số hiện hưởng hằng tháng.

Nội dung này được nêu ra tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật sáng 16/5.

Đề xuất thêm nhóm được hưởng hỗ trợ

Về chế độ, chính sách với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết, dự thảo nghị quyết quy định người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu, nghiên cứu chiến lược chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ 100% mức lương hệ số lương hiện hưởng hằng tháng (không gồm phụ cấp).

Đại biểu đề xuất thêm 2 nhóm được hỗ trợ hằng tháng. Nhóm đầu tiên là đại biểu hoạt động chuyên trách và công chức hoạt động chuyên trách HĐND tỉnh của Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội. Lý do đại biểu viện dẫn là những nhân sự này thực hiện nhiệm vụ tương đồng theo lĩnh vực được phân công.

Đối tượng thứ hai được đề xuất là chánh văn phòng, 1 phó chánh văn phòng phụ trách lĩnh vực công tác Quốc hội và công chức Phòng Công tác Quốc hội. 

Đề xuất thêm 2 nhóm cán bộ lập pháp được hỗ trợ 100% lương hệ số - 1

Đại biểu Tô Ái Vang (Ảnh: QH).

Bà Vang phân tích, theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập, quy định vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh như tham mưu tổ chức phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật thảo luận đóng góp ý kiến, nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Theo quyết định của Văn phòng Quốc hội về việc điều động công chức và lao động hợp đồng thì hầu hết các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành đều bị giảm biên chế so với trước đây khoảng 50%.

"Vì thế, công chức Phòng Công tác Quốc hội rất ít so với yêu cầu, tính chất tham mưu, giúp việc cho đoàn và các đại biểu trong đoàn", bà Vang cho hay.

Vì thế, theo đại biểu, công suất làm việc của những nhân sự này gần như tăng lên gấp đôi. Hằng năm, Văn phòng Quốc hội chỉ cấp kinh phí hoạt động và phụ cấp cho đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội trong đoàn theo quy định.

"Trong khi công chức trực tiếp và thường xuyên tham mưu các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng pháp luật thì không được cấp", đại biểu nêu.

Nghị quyết 1004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phân cấp quản lý do sáp nhập chung về Văn phòng Quốc hội, HĐND tỉnh. Trong khi trước đây, theo Nghị quyết 1097 quy định biên chế của Văn phòng Quốc hội tỉnh thì các đối tượng trên hưởng các chế độ, phụ cấp, trong công tác xây dựng pháp luật.

Với những lý do nêu trên, đại biểu cho rằng cần thiết bổ sung 2 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng.

Quan tâm đến chính sách đặc biệt

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cũng đồng tình với việc ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến chính sách đặc biệt đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và công chức văn phòng đại biểu HĐND. Đối tượng được hưởng chế độ chính sách tham gia công tác xây dựng pháp luật quy định trong dự thảo là Ban Pháp chế HĐND tỉnh và đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. 

Đề xuất thêm 2 nhóm cán bộ lập pháp được hỗ trợ 100% lương hệ số - 2

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Ảnh: QH).

Quy định như vậy chưa đảm bảo công bằng giữa các đại biểu HĐND tỉnh ở các ban như Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Đô thị… Đây cũng là những đại biểu tham gia xây dựng chính sách pháp luật và các nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn. Vì vậy, bà Nguyệt Thu đề nghị Quốc hội bổ sung đối tượng này vào dự thảo nghị quyết.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hiện nay Hội đồng này có 16/17 thành viên được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ hàng tháng.