Cách xác định tiền lương để tính chế độ cho cán bộ nghỉ do sắp xếp bộ máy
(Dân trí) - Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết về cách tính tiền lương tháng, phụ cấp hiện hưởng để tính các chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị.
Công văn 1814/BNV-TCBC - vừa được Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy - nêu rõ về cách tính tiền lương hiện hưởng để tính trợ cấp.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) và điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2025/TT-BNV (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2025/TT-BNV) đã quy định rõ tiền lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp để tính tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).
Theo đó, các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy, phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng,.... ) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Theo bộ này, căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) thì phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau.
Riêng mức lương cơ sở được tính toán trên mức lương liền kề của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).
Để hình dung rõ hơn về quy định trên, Bộ Nội vụ nêu ví dụ trường hợp ông Nguyễn Văn A., công chức, xếp bậc 4, hệ số lương 5,42 ngạch chuyên viên chính, được hưởng các chế độ phụ cấp gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,4; phụ cấp công vụ 25%, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy 0,3; phụ cấp khu vực 0,2.
Theo đó, tiền lương tháng để tính chính sách, chế độ của ông A. được dựa trên cơ sở các chế độ phụ cấp sau: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,4; phụ cấp công vụ 25% là 17.023.500 đồng/tháng (phụ cấp trách nhiệm cấp ủy 0,4, phụ cấp khu vực 0,2 không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng).
Về cách tính tiền lương hưởng chính sách, Bộ Nội vụ nêu trường hợp cụ thể ông Nguyễn Văn B., viên chức (xếp bậc 3, hệ số 3,00 ngạch chuyên viên) xin nghỉ việc không hưởng lương từ 1/6/2024 (mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng).
Ông B. xin thôi việc từ ngày 1/4 do cơ quan trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
Tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ của ông được tính trên hệ số lương 3,00 ngạch chuyên viên từ tháng 5/2024, mức lương cơ sở được tính trên mức lương cơ sở của tháng 3 là 2,34 triệu đồng/tháng.
Theo đó tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ của ông B. là 7,02 triệu đồng/tháng.
Về thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) và Điều 4 Thông tư số 01/2025/TT-BNV (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2025/TT-BNV) thì đối với những người nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/7 (ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024) thì hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.