Bộ trưởng Nội vụ nói về việc sắp xếp cán bộ trong mô hình chính quyền mới
(Dân trí) - Nhấn mạnh cán bộ, công chức là yếu tố then chốt quyết định thành công của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đốc thúc việc nâng cao chất lượng đội ngũ.
Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định nhiều lần khi giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 17/6.
Cán bộ, công chức phải đa năng, đa nhiệm
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khái quát, qua thảo luận có thể thấy các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Về việc này, Bộ trưởng khẳng định: “Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, công chức giờ đây là nhân tố then chốt quyết định sự thành công của mô hình tổ chức mới. Vì vậy, việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu rất cấp bách để chuyển đổi hoàn toàn từ quản lý hành chính, sang quản trị, phục vụ nhân dân”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).
Bên cạnh đó, mô hình chính quyền địa phương mới vận hành cũng đòi hỏi tăng mạnh tính trách nhiệm trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, yêu cầu chất lượng rất cao.
Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy mới, nhất là cấp xã phải đa năng, đa nhiệm, có năng lực tổng hợp, xử lý công việc với tư duy đổi mới, kỹ năng công vụ đạt chuẩn hóa, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực phục vụ, đáp ứng mong mỏi của nền quản trị quốc gia cũng như địa phương, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Hãy làm những gì tốt đẹp nhất vì sự phát triển của đất nước!
Trước những yêu cầu mới đó, vị tư lệnh ngành nội vụ nêu những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Đầu tiên, Bộ trưởng đề cập, các địa phương cần triển khai đúng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ, các bộ có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức một cách thực chất, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của xã hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn các địa phương triển khai kịp thời các nội dung khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được thông qua và Luật Cán bộ, công chức đang được Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/7.
“Đây là những đạo luật quan trọng, cần thiết để đổi mới nền công vụ, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của nền hành chính. Theo đó, mỗi địa phương cần tập trung rà soát toàn diện đội ngũ về năng lực thực thi, nhất là người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp xã”, Bộ trưởng nhắc lại, đây là yếu tố mang tính quyết định trong hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp.
Một trong những giải pháp lớn Bộ trưởng Nội vụ lưu ý là việc triển khai, thực hiện đầy đủ chính sách hiện có để đảm bảo việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức chịu tác động trong sắp xếp bộ máy như Nghị định 178, sửa đổi bổ sung Nghị định 67, Nghị định 177, Nghị định 179, Nghị định 154 của Chính phủ.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Thắng).
Người đứng đầu ngành nội vụ khẳng định, đây là bộ chính sách nhân văn, hợp lý, chủ động, nổi trội giải quyết các vấn đề liên quan để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là giữ được chân người có năng lực, thu hút người có tài năng vào khu vực công…
Quan tâm, làm tốt công tác tư tưởng là một trong những vấn đề được Bộ trưởng lưu tâm. Bởi theo bà, hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức vẫn tâm tư, chưa xác định rõ tinh thần khi thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy.
Cuộc cách mạng vĩ đại như vậy sẽ có người phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi. Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, trong bối cảnh đó, cán bộ cần xác định tư tưởng cống hiến, chấp nhận, hy sinh lợi ích chứ không thể đòi hỏi chế độ vượt quá khả năng, điều kiện của đất nước hiện nay.
Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ với tâm tư của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và mong mỗi người giải phóng tư tưởng để cống hiến cho đất nước. Vì theo Bộ trưởng: “Hơn lúc nào hết, tổ quốc đang cần chúng ta làm những gì tốt đẹp nhất vì sự phát triển của đất nước”.
Cuối cùng, vị tư lệnh ngành nội vụ cũng nhấn mạnh đến việc tập trung đào tạo cán bộ, công chức, nhất là với công chức cấp xã. Sau khi thông qua Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương ban hành nghị định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt chăm lo với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm xây dựng văn hóa công vụ, lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm thước đo để đánh giá cán bộ, công chức, lấy tận tụy, liêm chính để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn
Về việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng nhắc lại mục tiêu của mô hình chính quyền mới là hướng đến đổi mới quản trị quốc gia, quản trị địa phương, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình trước các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu (Ảnh: Phạm Thắng).
Về nhiệm vụ, giải pháp đã và đang thực hiện, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đầu tiên phải kể đến vấn đề hoàn thiện hệ thống thể chế. Thời gian vừa qua, Quốc hội đã quyết tâm ban hành những đạo luật quan trọng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và các luật có liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành hàng loạt nghị định triển khai liên quan đến tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
Từ cuộc tập huấn trên toàn quốc để triển khai, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa qua, Bộ trưởng thông tin kết quả bước đầu rất tốt. Thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế sẽ được tiếp tục bổ sung để có đầy đủ công cụ pháp lý, hành lang chặt chẽ, triển khai thuận lợi mô hình chưa có tiền lệ này.
Bộ trưởng cũng nhắc lại Quốc hội có chỉ đạo, Chính phủ tập trung rất cao để triển khai đồng bộ, quyết liệt, triệt để việc phân cấp, phân quyền theo đúng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bộ trưởng cũng nói thêm về các giải pháp tận dụng, thúc đẩy quản trị số, hiện đại hóa hoạt động điều hành, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân, thúc đẩy sự chủ động của các cơ quan để đồng hành với địa phương xử lý vấn đề phát sinh khi vận hành mô hình chính quyền mới.