Lần đầu đi làm: Chọn việc kiếm tiền nhanh hay việc đúng chuyên môn?
(Dân trí) - Chuyện chọn lựa công việc đầu tiên luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ. Dù đi làm với mục đích gì, các bạn sẽ đều được trải nghiệm và tích lũy kiến thức bổ ích.
Còn trẻ, hãy cứ trải nghiệm
Bạn Lê Kiều Linh (sinh viên Đại học Ngoại Thương), đang làm thực tập sinh Marketing tại một công ty nổi tiếng tâm sự: "Mình đi làm muộn hơn các bạn đồng trang lứa một chút.
Lúc bạn bè đi làm hoặc đã có hoạt động cả rồi, mình mới bắt đầu đi tìm việc làm, vào khoảng giữa năm thứ hai đại học nhưng vì dịch Covid-19 nên tìm kiếm một công việc cũng có chút khó khăn, nhưng may mắn là mình đã tìm được thông tin qua một kênh thông tin tuyển dụng và tự ứng tuyển được vào công việc ưng ý.
Theo quan điểm cá nhân và đối với riêng mình thì đây chưa phải là thời điểm vàng để kiếm tiền vì mình biết mình chưa thật sự "chín".
Mục tiêu của Kiều Linh là sau khi ra trường sẽ được các công ty mời đi làm chứ không phải tự đi tìm việc. Vậy nên, bạn chọn đi làm sớm để học hỏi và tích lũy thật nhiều kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống.
"Rất nhiều doanh nghiệp sẽ yêu cầu vị trí chuyên viên có tối thiểu từ một đến hai năm kinh nghiệm. Bởi thế mình muốn tích lũy kinh nghiệm cùng với kiến thức chuyên môn càng sớm càng tốt để không phải mất thêm thời gian sau khi tốt nghiệp.
Hơn nữa, Marketing cũng có rất nhiều công việc với vị trí thực tập sinh và là một ngành rất chào đón đối với các bạn trẻ. Vậy thì tại sao mình lại không thử?", Linh nói.
Là thợ pha chế tại một quán cà phê, bạn Cù Thanh Hằng (sinh viên Đại học RMIT Việt Nam) chia sẻ: "Mình đã có công việc đầu tiên ngay từ năm thứ nhất đại học và đó là một nhân viên pha chế đồ uống tại một chuỗi cửa hàng cà phê có tiếng.
Ngay sau kỳ thi đại học, mình đã tham gia vào rất nhiều nhóm tuyển dụng làm ngoài giờ trên Facebook và khi thấy chuỗi cửa hàng này tuyển dụng, mình đã quyết định gắn bó ngay bởi vì mình biết đó là một môi trường khá chuyên nghiệp và năng động với sinh viên trẻ như mình".
Hằng đã lựa chọn một công việc vất vả trong ngành dịch vụ ngay từ đầu bởi bạn muốn hiểu được rằng đồng tiền kiếm ra sẽ khó khăn và vất vả như thế nào.
Ngoài ra, Hằng cảm thấy bản thân còn trẻ nên hãy cứ trải nghiệm đi, biết đâu lại tìm ra được thế mạnh mới, sở thích mới và có thể phát triển bản thân hơn thì sao. Thời gian sau này còn rất nhiều để có thể làm công việc đúng chuyên ngành nên mình không cảm thấy nóng vội.
"Đặc biệt, từ bé đến giờ, mình cực kì thích ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống, cũng như hiểu được sự khắc nghiệt của nó nên mình cảm thấy mình cần phát triển bản thân ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là qua va chạm thực tế", nữ sinh nói.
Không có lựa chọn công việc nào tốt hơn lựa chọn nào
Các bạn sinh viên đều đã định rõ hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển của bản thân từ trước.
"Thực ra không có lựa chọn nào tốt hơn lựa chọn nào cả", bạn Hoàng Nam (sinh viên Đại học RMIT Việt Nam), thực tập sinh Marketing khẳng định. "Chỉ có thể chọn lựa chọn phù hợp với mình hơn thôi".
Bản thân Nam có nhiều người bạn đi làm phục vụ ở quán cà phê hay quán ăn. Mặc dù công việc vất vả nhưng có thể kiếm thêm thu nhập để tự trang trải cuộc sống.
Còn Nam chưa có được trải nghiệm làm trong ngành dịch vụ là vì tiền hiện chưa phải là ưu tiên số một của bạn.
"Mình biết ngành Marketing là ngành "hot" và có tỷ lệ chọi cực khủng hiện nay nên mình mong muốn tích góp cơ hội để trải nghiệm và học hỏi nó càng sớm càng tốt.
Những người bạn của mình và mình dù đi làm công việc theo hai hướng khác nhau nhưng kết quả sẽ đều được trưởng thành và học hỏi, mình nghĩ đó là thành công rất lớn rồi".
Anh Đức đang theo học tại Đại học Thương Mại và hiện đang làm nhân viên pha chế đồ uống tại một quán bar dành cho giới trẻ đã xác định rõ hướng đi cho bản thân ngay từ đầu: "Công việc này đã theo mình từ khi mình còn là một cậu sinh viên năm nhất.
Vào thời điểm này, tại trường, mình vẫn đang học chương trình đại cương, mình chưa được tiếp cận kiến thức chuyên ngành nên việc được đi học việc hay đi thực tập với một sinh viên ngành Thương mại điện tử như mình sẽ là thách thức".
Anh Đức hiểu rằng bản thân còn chưa sẵn sàng về kiến thức và kỹ năng để đóng góp cho một công việc nào liên quan đến chuyên ngành của bạn. Bạn nói: "Đối với bản thân mình, đã không làm thì thôi, còn nếu đã làm là phải "ra gì". Nên khi mình cảm thấy mình chưa đem lại được giá trị gì cho công ty thì mình sẽ chưa đi làm. Cứ bay nhảy trước đã!".
Không có lựa chọn nào là sai cả, vì mỗi người sẽ đều có cho mình những lựa chọn sáng suốt và phù hợp với bản thân.
Kiều Linh bộc bạch: "Mỗi bạn trẻ khi đi làm lần đầu tiên sẽ có những mục đích khác nhau. Nhưng tựu chung lại thì đó là tiền, kinh nghiệm, mối quan hệ, kiến thức, kỹ năng. Các bạn lựa chọn khác mình không có nghĩa các bạn sai, hay các bạn không có tầm nhìn xa. Mà vì lựa chọn đó phù hợp với mục đích của các bạn.
Có nhiều bạn cũng cần hoặc mong muốn tự chi trả cho cuộc sống của mình. Mà thực sự thì từ công việc dịch vụ, các bạn cũng sẽ học được sự kiên nhẫn, thái độ chuyên nghiệp và sự cẩn trọng, tôn trọng với mọi người.
Mình trân trọng tất cả các công việc dịch vụ và các bạn làm những công việc đó bởi đó là công việc rất vất vả và nó đòi hỏi các bạn phải kiên trì, có sức khỏe tốt.
Ngoài ra nó còn là một công việc rất hay để phát triển kỹ năng mềm, nếu có cơ hội thì mình cũng sẵn sàng và mong muốn được trải nghiệm qua công việc dịch vụ này".
Thanh Hằng cho biết cô khâm phục các bạn có thể đi học việc đúng chuyên ngành của mình từ những ngày đầu. "Để so sánh với các bạn đồng trang lứa, cá nhân mình vốn hiểu rõ được bản thân. Vậy nên mình cảm thấy mỗi người đều có nhu cầu và vạch xuất phát cũng như cột mốc trong cuộc đời khác nhau.
Vì thế mà bản thân mình luôn ngưỡng mộ những bạn có xuất phát điểm sớm hơn mình, các bạn sẽ có lợi thế hơn trong công việc sau này. Nhưng mình nghĩ nếu không từng trải nghiệm một công việc dịch vụ, bạn sẽ chưa có đủ kỷ niệm đáng nhớ cho tuổi trẻ. Mình cũng không bao giờ cảm thấy tủi thân vì mọi người đã có công việc chuyên ngành còn mình thì lại đi làm nhân viên quán cà phê cả. Mọi người đều đã, đang và sẽ có cho mình những lựa chọn sáng suốt nhất phù hợp với họ".
Những ngày đầu đi làm khó khăn
Bước đầu tiên luôn là bước khó khăn nhất. Những ngày đầu làm việc ở môi trường mới luôn là những ngày tháng áp lực nhất mà các bạn phải thích nghi.
Bạn Hoàng Nam kể: "Khi mới bắt đầu làm việc quả thật mình cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên mình gặp phải là về việc quản lý thời gian. Vì deadline trên trường của mình khá dày và yêu cầu sinh viên phải tự học rất nhiều, nên khi mới bắt đầu đi làm, cuộc sống của mình gần như đảo lộn.
Ngày nào mình cũng sáng đi học, chiều đi làm, tối về tự học và hoàn thành công việc, hoàn toàn không có thời gian cho bản thân hay bạn bè. Nhưng sau khoảng 3 tuần thích nghi thì mọi chuyện cũng dần ổn và đi vào quỹ đạo hơn.
Khó khăn thứ hai là làm quen với môi trường làm việc. Công việc của mình cho phép tiếp xúc với các nghiệp vụ thực và vì năng lực chuyên môn chưa cao nên xử lý công việc cũng chậm hơn.
Công ty mình là một công ty trẻ nên cũng khá thoải mái trong tác phong và ăn mặc nhưng không thể phủ nhận rằng họ cũng yêu cầu sự chuyên nghiệp cao, khác với các môi trường mình từng được tiếp xúc qua".
Dù làm hai công việc khác nhau nhưng cùng chung tâm lý với Hoàng Nam, Anh Đức cũng gặp nhiều bỡ ngỡ trong ngày đầu đi làm của mình. "Bởi vì đây là công việc đầu tiên của mình, nên khi mới vào, đương nhiên mình cũng như bao người khác, gặp vô vàn khó khăn và đòi hỏi bản thân phải học thêm nhiều điều.
Do đặc thù là quán bar nên mình phải làm việc trong môi trường khá ồn ào, di chuyển đi làm và đi về khá muộn nữa. Đặc biệt là mình phải mất rất nhiều thời gian để học thuộc công thức pha chế chỉ trong vòng một vài buổi.
Hơn nữa góc pha chế của quán bar mở cho khách có thể quan sát nên mình cũng phải rất chỉn chu và cẩn thận khi pha chế. Tuy vất vả nhưng mình được quản lý và các anh chị bạn bè đồng nghiệp giúp đỡ rất nhiều nên mọi thứ cũng đâu vào đó".
Được gì và mất gì giữa hai lựa chọn công việc đầu tiên?
Câu chuyện nào cũng sẽ luôn có hai mặt của vấn đề. Qua mỗi trải nghiệm, các bạn đều "được" và "mất".
"Mình được nhiều hơn mất", Kiều Linh tiết lộ. "Mình cảm thấy đây là một trải nghiệm xứng đáng. Vì thực sự mình học được rất nhiều, từ các kiến thức chuyên môn đến các góc nhìn mới về ngành nghề mà mình theo đuổi.
Mình cũng xây dựng được các mối quan hệ mới với các anh chị cùng chuyên ngành và mạng lưới xã hội cho riêng mình. Mình may mắn khi có thêm rất nhiều các anh chị em thân thiết khi cùng bắt đầu thực tập với nhau. Điều đặc biệt và thuận lợi nhất trong quá trình này chắc là mình tìm được một người tư vấn tốt và rất giỏi, luôn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào mọi người cần.
Thậm chí là mình đã tự xây dựng và quản lý được hình ảnh cá nhân. Nói chung là rất nhiều điều mới mẻ và thú vị mà mình tin sẽ rất có ích cho sự nghiệp sau này của mình. Nhưng đánh đổi thì mình cũng có nhiều giây phút căng thẳng khi phải vừa học kiến thức và vừa thực hành song song tại công ty.
Đôi lúc cũng cảm thấy nản chí vì thấy bản thân chưa đủ "chín" để hoàn thành công việc. Ngoài ra đi làm còn khiến mình có ít thời gian cho gia đình và thỉnh thoảng mình cũng cảm thấy bản thân "bị chững chạc" hơn so với các bạn đồng trang lứa nhưng mình tin mọi đánh đổi đều là xứng đáng cho tương lai!".
Về phía Thanh Hằng, nữ sinh vừa cười vừa chia sẻ: "Nhiều người bạn hay trêu mình là "dại", sao tự dưng lại chọn công việc vất vả để làm trong khi hoàn cảnh gia đình không phải là thiếu thốn và còn có nhiều công việc khác nhàn hạ hơn nhưng mình cảm thấy rất tự hào cũng như may mắn khi đưa ra lựa chọn này.
Bản thân mình là một người khá kiệm lời và hướng nội nhưng sau khi đi làm mình cảm thấy bản thân đã thay đổi hẳn, nhận thức và kỹ năng của mình cũng được nâng cao và thực tế hơn. Khi tiếp xúc với khách hàng, mình sẽ gặp các tình huống khác nhau mà buộc bản thân phải có nhiều cách xử lý linh hoạt khác nhau.
Mình học được sự kiên nhẫn, cách ứng xử khéo léo, thậm chí là phải tiết chế bản thân trong nhiều trường hợp. Mình đã lớn lên rất nhiều. Cái "mất" duy nhất mình thấy là công việc này sẽ không mang lại nhiều lợi ích trong việc làm đẹp lý lịch xin việc của mình sau này, nhưng nó thật sự là một trải nghiệm đáng thử của tuổi trẻ. Vì dù là công việc gì đi chăng nữa, chắc chắn nó sẽ khiến bạn hoàn thiện bản thân hơn ở một khía cạnh nào đó".