Suýt nghỉ việc nhưng vì "cảm nắng" đồng nghiệp mà ở lại công ty phấn đấu
(Dân trí) - Công việc đầu tiên của các bạn trẻ rất quan trọng, nó không chỉ mang lại kinh nghiệm, kỹ năng mà còn ảnh hưởng tới cả định hướng sự nghiệp của các bạn trong tương lai.
Những bài học thực tiễn có giá trị
Bạn Trần Thị Hạnh (20 tuổi, sinh viên chuyên ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn) chia sẻ: "Mình đi thực tập ở vị trí nhân viên đón tiếp khách hàng, mới vào nhận việc sẽ được chị giám sát đào tạo, hướng dẫn cụ thể những công việc cần làm. Mình được học hỏi nhiều thứ như: Cách giải quyết vấn đề, ứng xử với khách sao cho đúng.
Ngoài ra, ở mỗi môi trường mới, mỗi cách phục vụ sẽ khác nhau, mình sẽ được đào tạo sao cho phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của mỗi nơi. Ở nhà hàng sẽ có rất nhiều khách, khách nước ngoài, khách miền nam, miền bắc, văn hóa mỗi vùng miền đều khác nhau. Nên mình cũng phải biết để mà phục vụ cho phù hợp".
Hạnh chia sẻ thêm: "Sau quá trình đào tạo, mình làm việc trực tiếp với khách, chị giám sát sẽ đứng tại sảnh quan sát mình làm. Đối với những vấn đề nhỏ, chị sẽ đợi khách đi rồi chị mới nhận xét và chỉnh sửa. Với sự việc lớn trong lúc mình phục vụ khách, chị sẽ hướng dẫn ngay lập tức và nói chuyện lại với khách để tránh mang lại cho khách hàng một dịch không tốt.
Trong ngày đi làm việc, có bất cứ sự việc gì mình đều phải tổng hợp, ghi chép lại vào một cuốn sổ để cuối ngày họp và báo cáo lại cho trưởng bộ phận. Trưởng bộ phận sẽ lắng nghe cách mình giải quyết, xem sự việc đã được giải quyết triệt để chưa, nếu chưa thì phải thông báo và có hướng giải quyết ngay".
Theo Hạnh, những công việc đã được chị giám sát đào tạo qua nhưng thực tập sinh vẫn mắc sai lầm thì sẽ bị nhắc nhở.
Hạnh tâm sự về một lần mắc lỗi và bị kiểm điểm: "Có lần, nhóm chúng mình tầm 6-7 người đi làm cùng ca, mỗi người một nhiệm vụ. Nhân viên đứng cửa sẽ có nhiệm vụ đón tiếp, hỏi số lượng người và hướng dẫn khách, nhân viên đứng cột có nhiệm vụ dẫn khách vào quầy và mời nước.
Trên một chuyến xe có thể có nhiều đoàn, mà mỗi đoàn sẽ đi rất nhiều người. Khi mọi người đi xuống quá nhanh, người của đoàn sau không may dính vào người của đoàn trước, khi đó bọn mình bị rối và lẫn lộn công việc của nhau. Chị giám sát có để ý và nhắc nhở mình. Từ sau lần đó cả mình và các bạn khác đều chú ý hơn và đã lên kế hoạch để làm việc khoa học hơn, mình nghĩ học từ những sai lầm bao giờ cũng nhớ lâu hơn".
"Đi làm không hề áp lực như mình vẫn nghĩ"
Bạn Phạm Lưu Thùy Dương đang là sinh viên năm 3 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng sinh viên đi thực tập được chỉ bảo rất tận tình. "Hồi mới đi thực tập, mình hay ngại ngùng, tự ti lắm. Vì mình không có kinh nghiệm nên sếp phải chỉ dạy từng tí một, hướng dẫn mình từ những thứ cơ bản nhất.
Mình có thời gian vừa học vừa làm trên công ty, thậm chí còn được kèm riêng. Các anh chị ở công ty rất thân thiện, chỉ cần mình mở lời thì sẽ giúp đỡ rất nhiệt tình.
Mình là sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện nên khi đi thực tập phải thiết kế hình ảnh, khi ấy thì sếp và chị quản lý sẽ cho mình hướng đi và cho thời gian để tự làm. Rồi thời gian sau thì mình bắt đầu báo cáo về những gì mình học được. Khi kết thúc thời gian tự học và đi vào thực hành, sẽ được chỉ dẫn tỉ mỉ. Và khi hoàn thành một dự án, mọi người sẽ họp và đưa ra nhận xét về sản phẩm của mình".
Thùy Dương bộc bạch thêm về câu chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa mình và các anh chị khác thế hệ: "Mình và sếp thuộc hai thế hệ khác nhau nên nhiều lúc nói chuyện bị bất đồng ngôn ngữ, thỉnh thoảng sếp nói một hướng nhưng mình lại hiểu theo một hướng thành ra lại gặp khó khăn trong việc truyền tải công việc.
Trước đây mình cứ nghĩ đi làm sếp bảo gì nghe nấy, nhưng không, các bạn sinh viên đi thực tập đừng ngại tranh luận. Làm ngành sáng tạo thì 8 người 10 ý, đôi khi mình cảm thấy sếp góp ý chưa được hợp lý, mình cũng không ngại tranh luận.
Hay có những lúc sếp đánh giá về bản thân mình, về sự cố gắng và kỹ năng mà mình cảm thấy không đúng thì cũng trình bày lại. Nhờ đó mà mình đã học hỏi được nhiều điều từ những cuộc tranh luận".
Theo Thùy Dương, môi trường thực tập của sinh viên hiện nay vô cùng thân thiện và chu đáo. Có rất nhiều hoạt động gắn kết tình cảm đồng nghiệp như tổ chức liên quan hay tặng quà bất ngờ cho nhân viên.
"Đi làm không hề áp lực như mình vẫn nghĩ, nhiều lúc nó còn là môi trường giúp mình giải thỏa căng thẳng vì được gặp những anh chị đồng nghiệp vô cùng chu đáo.
Nhớ có lần mình bị bắt xe phạt tiền, lên công ty mặt buồn ủ rũ, hôm ấy sếp ngồi dỗ dành động viên mình khá lâu, sau đó còn bảo chị quản lý đặt trà sữa để an ủi mình", Thùy Dương nói.
Suýt nghỉ việc nhưng vì "cảm nắng" đồng nghiệp mà ở lại công ty
Ngoài những câu chuyện liên quan đến áp lực công việc, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm, còn có cả những câu chuyện ngoài lề thú vị khác khi bạn trẻ đi làm.
Đó chính là câu chuyện của bạn Lê Tiến Đạt (20 tuổi, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) khi lần đầu đi làm. Đạt tâm sự: "Mình thực tập ở một công ty giáo dục, làm sale account (bán hàng - PV). Thời gian đầu công việc còn gặp khó khăn, nhiều lúc mình cảm thấy mệt mỏi vì không quen với công việc, không quản lý được thời gian. Cho nên mình đã dự kiến sẽ nghỉ thực tập ở công ty sớm để thực hiện những dự định khác của bản thân.
Nhưng vào một dịp công ty đi tổ chức hoạt động gắn kết tình cảm đồng nghiệp (bonding). Mình gặp được một cô bé rất năng nổ và hướng ngoại, mình bị ấn tượng với sự nhiệt thành và chăm chỉ của em".
Đạt cho rằng sự rung động ấy tạo cho anh rất nhiều động lực để cố gắng trong công việc: "Sau đó cả hai có vài dịp làm việc cùng nhau, phối hợp trong công việc. Mình như được truyền năng lượng tích cực của cô bé trong công việc. Mình bắt đầu làm việc năng suất hơn, cố gắng nhiều hơn, cũng có thêm một lý do nữa để ngày càng cố gắng.
Khoảng thời gian đó mình được sếp khen vì nỗ lực chăm chỉ, công việc cũng tiến triển tốt. Sau hơn một tháng cố gắng trong công việc, chúng mình đều được nhận giấy chứng nhận thực tập loại tốt của công ty, còn trong chuyện tình cảm thì chúng mình chỉ dừng lại ở đồng nghiệp".
Nhìn chung, các bạn trẻ đều đồng ý rằng càng sớm trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp và năng động càng tốt. Hiện nay, các nhà tuyển dụng cũng ưu tiên những ứng viên có nhiều kinh nghiệm việc làm hơn. Chính vì vậy việc trang bị đủ cho bản thân nhiều kiến thức và kinh nghiệm và nền tảng vô cùng cần thiết trước khi ra trường.