75% Gen Z ở Mỹ thích làm việc từ xa, các công ty phải đồng ý linh hoạt

CTV

(Dân trí) - Linh hoạt hơn, ít áp lực và lương cao hơn là những tiêu chí mà lao động Gen Z đang hướng đến khi chọn việc làm.

Nhìn chung, những người Mỹ sinh từ cuối thập niên 90 đến đầu những năm 2000 thường có nhu cầu tìm kiếm việc làm ít hơn.

Không khó để thấy được điều đó khi so sánh tỷ lệ 71% tham gia thị trường lao động của họ với con số 75% ở Gen Y (những người sinh từ năm 1980 đến 1990) và 78% của Gen X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980) ở cùng độ tuổi lao động.

Dù chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong lực lượng lao động nhưng bù lại họ có trình độ học vấn cao hơn với 66% Gen Z Mỹ học lên đại học.

75% Gen Z ở Mỹ thích làm việc từ xa, các công ty phải đồng ý linh hoạt - 1

Giới trẻ ưa chuộng làm việc từ xa (Ảnh: Getty Images).

Xu hướng này cũng tương tự ở các quốc gia phát triển khác. Ngay sau khi tốt nghiệp hàng loạt sinh viên sẽ gia nhập thị trường việc làm. Những gì họ mong muốn từ các nhà tuyển dụng cũng khác biệt với các thế hệ đi trước. Khi nền kinh tế suy thoái sau đại dịch Covid-19, những mong muốn đó đang dần thay đổi.

75% Gen Z ở Mỹ thích làm việc từ xa, các công ty phải đồng ý linh hoạt - 2

So sánh ở cùng độ tuổi lao động (từ 20-24 tuổi) tỷ lệ không có việc làm ở Gen Z là 7.4 %, thấp hơn so với Gen X và Gen Y dù họ chiếm tỷ lệ cao hơn trong thị trường lao động với 78% và 75% (Ảnh: The Economist).

Gen Z ưa chuộng mô hình làm việc hybrid (làm việc kết hợp)

Mặc dù những lao động Gen Z cảm thấy khó gắn kết hơn so với các đồng nghiệp của họ tại thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, nhưng khả năng làm việc từ xa đã giúp họ khám phá ra những tiềm năng mới. 

Nhiều lợi ích tuyệt vời đã diễn ra kể cả khi họ làm việc và mặc đồ ngủ, tiếp nhận cuộc gọi công việc dù đang thư giãn trên chiếc ghế, chiếc võng ở một bãi biển địa phương xa lạ.

Báo cáo năm 2022 của Deloitte, cuộc thăm dò ý kiến với hơn 14.808 lao động Gen Z và 8.412 Gen Y trên 46 quốc gia, cho thấy 44% Gen Z sẵn sàng bỏ việc nếu hình thức làm việc từ xa không có trong các thỏa thuận việc làm ngày nay.

75% Gen Z ở Mỹ thích làm việc từ xa, các công ty phải đồng ý linh hoạt - 3

Tiêu chí hàng đầu để Gen Z lựa chọn cam kết với công việc là công ty tạo điều kiện cho họ có thể cân bằng cuộc sống. Thực tế, họ sẵn sàng từ chối nếu công việc không đáp ứng được mong muốn. Bên cạnh đó họ cũng tập trung tìm kiếm những tiêu chí khác như: Mức thu nhập cao, lộ trình thăng tiến rộng mở... (Ảnh: Deloitte).

Cân bằng công việc và cuộc sống, tìm kiếm cơ hội học tập, phát triển và văn hóa nơi làm việc tích cực… là những yếu tố quan trọng đối với Gen Z khi lựa chọn công việc.  

Cùng với đó, 75% người trả lời khảo sát thuộc Gen Z cho biết họ có xu hướng cam kết với công việc đề cao tính linh hoạt trong hình thức làm việc hơn.

Điều này cũng đồng nghĩa những ngành nghề với công việc không thể làm tại nhà không còn được ưa chuộng bởi những sinh viên mới tốt nghiệp nữa. 

Một nghiên cứu khác từ công ty tuyển dụng của Manpower Group, cho thấy mối quan hệ đối nghịch giữa tình trạng thiếu hụt nhân tài và chính sách làm việc linh hoạt. 

Các lĩnh vực ít có khả năng hoặc chậm hơn trong việc tổ chức hình thức làm việc từ xa bao gồm: Xây dựng, tài chính, khách sạn và sản xuất đã phải đối mặt với một số khoảng cách kỹ năng lớn nhất cho tất cả các hình thức công việc. Điều này gần như là chính xác đối với những người lao động có trình độ đại học.

75% Gen Z ở Mỹ thích làm việc từ xa, các công ty phải đồng ý linh hoạt - 4

Có sự thay đổi về sự yêu thích của các sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ. Giờ đây phần lớn các vị trí hàng đầu do các "gã khổng lồ" công nghệ và truyền thông thống trị thay vì các công ty tư vấn và ngân hàng lớn (Ảnh: The Economist).

Sự thay đổi của thị trường tuyển dụng

Bảng xếp hạng hàng năm của Universum, một công ty tư vấn nhân sự sau đại học, về điểm đến lý tưởng sau tốt nghiệp của tân cử nhân, đã chứng minh sự thay đổi của những nhận định trên.

Năm 2008, danh sách các nơi tuyển dụng tốt nhất được xếp hạng bởi sinh viên tốt nghiệp tại Hoa Kỳ đứng đầu là các ngân hàng lớn và các công ty tư vấn nhưng đến năm 2021, 7/10 vị trí cao nhất đã bị chiếm lĩnh bởi những "gã khổng lồ" công nghệ và truyền thông.

Có những dấu hiệu cho thấy sự yêu thích của Gen Z với công nghệ đã giảm thiểu. Sau một thập kỷ tuyển dụng rầm rộ, công nghệ đột nhiên giống như một cuộc đánh cược sự nghiệp kém an toàn hơn cho những sinh viên mới tốt nghiệp đầy tham vọng. 

Sau khi hứng chịu sự tấn công của các nhà đầu tư trong năm nay, các công ty như Alphabet, Meta, Microsoft và Uber đã giảm việc tuyển dụng. 

Twitter đã thu hồi những lời mời làm việc được đưa ra gần đây. Netflix cũng tiến hành sa thải hàng trăm nhân viên. Vì vậy, khi sở hữu những "con cưng" công nghệ mới hơn như Coinbase và Robinhood, Elon Musk, giám đốc điều hành của Tesla, đã thông báo về việc ngưng tuyển dụng và cắt giảm khoảng 1/10 nhân sự của nhà sản xuất ô tô điện. 

Theo Crunchbase, một đơn vị cung cấp dữ liệu, hơn 28.000 công nhân trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ đã mất việc làm trong năm 2022. 

Những lao động Gen Z mới tham gia thị trường lao động theo đuổi lĩnh vực công nghệ thường có xu hướng chọn lựa những công ty có thâm niên hơn là một công ty khởi nghiệp với triển vọng khó khăn.

Thay vào đó, một số sinh viên tốt nghiệp có thể sẽ chọn các công ty công nghệ cao có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn trước những biến động kinh tế. Trong đó các công ty dược phẩm đi đầu trong việc triển khai vaccine Covid-19 đang nhận được sự ủng hộ đặc biệt.

Như AstraZeneca và Pfizer, mỗi công ty đều tạo ra một cú hích hiệu quả và tăng hạng trong bảng xếp hạng những nơi tuyển dụng hấp dẫn nhất nước Anh vào năm ngoái. Công ty AstraZeneca đã tăng gấp đôi lượng hồ sơ nhân sự các sinh viên tốt nghiệp trung học và đại học vào năm 2021.

Nếu sinh viên tốt nghiệp Gen Z tiếp tục hướng tới các công việc an toàn của chính phủ, điều đó sẽ để lại một nguồn nhân tài nhỏ hơn cho các nhà tuyển dụng tư nhân. Nhiều chuyên gia lớn tuổi đã bỏ việc trong thời gian xảy ra đại dịch hoặc những người khác nghỉ hưu sớm.

Lực lượng lao động của Anh đã mất hơn 250.000 người kể từ khi Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên, Mỹ có ít hơn 3,3 triệu người làm việc. Theo OECD, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, sẽ mất ít nhất 4 năm để thị trường lao động Mỹ trở lại tỷ lệ việc làm trước đại dịch.

Cuộc chạy đua của các công ty trong việc thu hút nhân tài Gen Z

Các công ty sẽ đi xa đến đâu trong kế hoạch thu hút những người lao động trẻ tuổi và giữ cho họ sự hài lòng? Hiện tại, câu trả lời ngắn gọn dường như là: Khá xa.

Để đảm bảo về điều kiện làm việc linh hoạt của mình, ngân hàng Citigroup đã mở một trung tâm mới tại thành phố biển Málaga của Tây Ban Nha, thu hút hơn 3.000 người nộp hồ sơ cho 30 vị trí phân tích viên.

Hay như Google gần đây đã mời nghệ sĩ giành giải Grammy Lizzo đến trình diễn cho nhân viên thưởng thức, bên cạnh việc cung cấp nhiều đãi ngộ như các bữa ăn hấp dẫn, dịch vụ massage suốt ngày đêm và khu vực ngủ trưa.

Điều tốt nhất mà các công ty có thể làm để thu hút tài năng trẻ là chi thêm thật nhiều tiền. 

Theo Universum, có một số tiêu chí được quan tâm trước đó của những người sinh sớm thuộc Gen Z như: Cam kết của nhà tuyển dụng đối với sự đa dạng và hòa nhập hoặc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã giảm xuống, tiêu chí về mức lương cơ bản cạnh tranh và khoản thu nhập cao trong tương lai đã tăng lên.

Các ngân hàng như JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Citigroup và một số đơn vị tư vấn quản lý bao gồm McKinsey và BCG đã tăng mức lương hàng năm của các phân tích viên năm đầu lên tới 100.000 USD (tương đương 2,4 tỷ đồng). 

Mức lương khởi điểm của một số công ty luật cũng đã được nâng lên. BP, tập đoàn năng lượng khổng lồ tại Anh, đề nghị mức tiền thưởng khi ký kết hợp đồng lao động cho những sinh viên mới tốt nghiệp lên tới 5.000 bảng Anh (tương đương 132 triệu đồng).

Qua đó thấy rõ ràng rằng: Tiền không phải là tất cả, nhưng là thứ quan trọng nhất!

Theo www.economist.com