Gen Z thay đổi để thích nghi trước những khó khăn
(Dân trí) - Những lao động trẻ ở Mỹ đang có cách tiếp cận thực tế và khôn ngoan hơn đối với giáo dục, việc làm, cũng như tiết kiệm cho tương lai.
Số liệu gần đây cho thấy lực lượng lao động trẻ tuổi nhất trong xã hội Mỹ hiện nay đang quan tâm hơn đến vấn đề tài chính của bản thân trong tương lai. Một báo cáo vừa được công bố bởi công ty quản lý đầu tư BlackRock cho thấy Gen Z tiết kiệm trung bình 14% thu nhập để làm lương hưu. Theo CNBC, tỷ lệ này cao hơn so với tất cả các thế hệ trước.
Tỷ lệ này cũng cao hơn thế hệ Millennials khi họ ở cùng độ tuổi của Gen Z bây giờ. Nghiên cứu năm 2021 của Fidelity cho thấy 15,8% Gen Z đang đầu tư vào lương hưu, cao hơn so với tỷ lệ 11,4% của thế hệ Millennials trước đây.
Những người lớn tuổi nhất thuộc Gen Z năm nay đã bước sang tuổi 25, phần lớn đều đang đi trên con đường sự nghiệp riêng của bản thân. Có những bạn trẻ quyết định không học 4 năm đại học mà lựa chọn những con đường khác, như theo học trường thương mại hoặc thi các chứng chỉ kỹ thuật số.
Theo một nghiên cứu gần đây, không giống với thế hệ trước đó, Gen Z đang tìm kiếm "những con đường dẫn đến sự nghiệp ngắn hơn, ít tốn kém hơn và trực tiếp hơn ở các ngành có nhu cầu cao". Giới trẻ tại Mỹ đang tiếp cận giáo dục cũng như việc làm một cách thực dụng hơn và khôn ngoan hơn.
Xét cho cùng, các sự kiện xảy ra trong thời thơ ấu và giai đoạn đầu trưởng thành có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ và hành vi của một người. Những ảnh hưởng đó thậm chí còn sâu sắc hơn những gì mà họ trải qua sau này trong cuộc đời.
Thế hệ chứng kiến nhiều biến động
Những bạn trẻ lớn tuổi nhất ở thế hệ Gen Z lớn lên giữa những làn sóng bất ổn, đặc biệt là về đa dạng kinh tế. Khi cuộc đại suy thoái 2007-2009 xảy ra, họ vẫn còn là những đứa trẻ. Chắc chắn trong số những bạn trẻ này, nhiều người phải chứng kiến cảnh gia đình và người quen mất việc làm, nhà cửa đắt đỏ và tiền học đại học tăng cao. Khi thời đại của tin tức và mạng xã hội bùng nổ, những Gen Z đời đầu đang ở tuổi thanh thiếu niên. Còn vào những năm đại học và bắt đầu ra nhập thị trường lao động, họ chứng kiến cả thế giới bị rung chuyển bởi một đại dịch khủng khiếp.
Về cơ bản, cảm giác an toàn đã bị phá vỡ liên tục vào thời điểm mà thế hệ này dễ bị ảnh hưởng nhất. Vì vậy, thông điệp Gen Z nhận được sau những sự kiện này rất rõ ràng: Cuộc sống nhiều rủi ro, bạn không thể dựa vào người khác để chăm sóc bản thân mình.
Các phần khác trong nghiên cứu của BlackRock đánh giá những sự kiện tiêu cực toàn cầu này ảnh hưởng như thế nào đến hành vi và thái độ của thế hệ trẻ so với thế hệ lớn tuổi hơn ở Mỹ. 90% Gen Z cho biết đại dịch và lạm phát đã ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với tiết kiệm hưu trí, trong khi 82% thế hệ Millennials, 79% Gen X và 75% thế hệ Baby Boomer có cùng suy nghĩ như vậy.
Một chuyên gia tư vấn 25 tuổi có tên Danny Molloy đồng ý rằng tình hình thế giới có ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch cho tương lai của anh. Danny bày tỏ: "Trải qua nhiều cú sốc trước khi bước vào giữa tuổi 20 đã khiến một số Gen Z đời đầu như chúng tôi quan tâm hơn đến việc đảm bảo ngôi nhà của mình vẫn an toàn trong trường hợp nếu như mọi thứ xấu đi một lần nữa. Thực trạng của thị trường nhà ở và sự khan hiếm nhà giá rẻ cũng buộc chúng tôi phải tiết kiệm nhiều hơn để có thể chi trả các khoản cần thiết".
Một thế hệ có ý thức tiết kiệm
Gen Z không phải là thế hệ đầu tiên bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và sự thất bại của các thể chế. Thế hệ Silent Generation (những người sinh từ năm 1928 đến năm 1945) lớn lên trong bóng tối kinh tế của cuộc Đại suy thoái và bắt đầu già đi trong Thế chiến thứ hai. Họ cũng sớm hiểu ra không có gì là chắc chắn, cho nên đã có cách tiếp cận cân bằng và thận trọng đối với cả sự nghiệp và tài chính của bản thân.
Nhưng một sự khác biệt rõ ràng giữa Thế hệ này và Gen Z là Silent Generation là thế hệ cuối cùng có thể dựa vào trợ cấp lương hưu của nhà nước. Kể từ đó trong nhiều thập kỷ, ngay từ khi còn đi học, những người trẻ đã được dạy rằng họ không nên dựa vào an sinh xã hội để chi trả cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu, bởi số tiền này ít hơn nhiều so với lương hưu do người sử dụng lao động chi trả.
Hiện nay, chỉ có 38% Gen Z tin rằng an sinh xã hội sẽ giúp họ sau khi nghỉ hưu. Tỷ lệ này thấp hơn so với 42% của thế hệ Millennials, 64% của Gen X và 83% của những người thuộc thế hệ Baby Boomer.
Michael Rudolph, cố vấn tài chính cho Eagle Strategies, một công ty con của New York Life, cho rằng sự khác biệt về thái độ này không liên quan đến các sự kiện mà một người phải trải qua trong quá trình trưởng thành. Ông tin rằng việc giáo dục sớm ngay từ trên ghế nhà trường đã giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về tài chính, thúc đẩy trẻ tìm hiểu từ đó thực hiện ý tưởng tiết kiệm. Ông Rudolph chia sẻ rằng trong các cuộc hội thảo gần đây với học sinh trung học: "Mức độ quan tâm thật đáng kinh ngạc. Điều này không hề tồn tại cách đây 10 năm".
Thêm vào đó, người trẻ cũng đang tiếp thu những bài học từ gia đình để có kế hoạch tiết kiệm cho cuộc sống khi nghỉ hưu. Đôi khi, kế hoạch này còn được tiến hành trước khi thanh thiếu niên bước chân vào đại học.
Sierra Whittmore, 24 tuổi, đã nhận được lời khuyên tiết kiệm từ gia đình cách đây gần 10 năm. "Khi tôi 15 tuổi, bố nói rằng việc tiết kiệm dù chỉ một khoản nhỏ dần dần cũng có thể nhân lên thành một số tiền lớn. Chỉ bằng cách bỏ ra 5 USD/tháng, tôi cũng có thể nhận được một khoản nào đó và điều này thực sự khích lệ tôi".
Gen Z có thể đã lớn lên trong một thế giới hỗn loạn khó khăn, nhưng điểm tích cực là họ tự lập, không phụ thuộc vào người khác. Các dữ liệu trên là bằng chứng cho thấy thế hệ trẻ có quyết tâm tự lực xây dựng một tương lai an toàn hơn. Gen Z đã sẵn sàng để chăm sóc bản thân.