Nhà tuyển dụng đánh giá: Gen Z tham vọng nhưng thiếu tính kiên trì

Khánh Hoài

(Dân trí) - Gen Z "nhảy việc" dường như đang là đề tài nóng không chỉ đối với thế hệ trẻ, bên cạnh đó các doanh nghiệp và công ty cũng đang đối mặt với vấn đề này và tìm phương pháp giải quyết nhanh chóng.

Gen Z tham vọng cao

Theo chị Lê Na, trưởng bộ phận nhân sự của một công ty về môi giới bất động sản, người đã có 7 năm kinh nghiệm trong ngành nhân sự chia sẻ, doanh nghiệp chị đang làm việc là một công ty mới thành lập nên đội ngũ nhân sự rất trẻ. Trong đó nhân sự thuộc thế hệ Gen Z chiếm số lượng lớn, khoảng 40%-50% tổng số nhân sự hiện đang làm việc.

Nhà tuyển dụng đánh giá: Gen Z tham vọng nhưng thiếu tính kiên trì - 1

Chị Lê Na, trưởng bộ phận nhân sự của một công ty cho rằng nhiều bạn trẻ Gen Z rất tham vọng trong công việc. (Ảnh: NVCC)

Chị Lê Na nhận định, nhân sự trẻ thuộc thế hệ Gen Z làm việc đa chiều, có sự tự tin đối với bản thân nên khi làm việc họ luôn bày tỏ ý kiến và quan điểm cá nhân một cách rõ ràng.

Trong tất cả các buổi làm việc nhóm, cuộc họp với lãnh đạo, những nhân viên này không ngần ngại nói lên quan điểm của mình về vấn đề mà mọi người đang bàn luận, góp ý của họ mang tính xây dựng giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng và có những lựa chọn tối ưu. Đó là những phẩm chất và kĩ năng công việc liên quan đến ngành dịch vụ thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, mức độ tham vọng sự nghiệp của Gen Z rất cao nên khi bản thân đã chinh phục được mọi thử thách, khó khăn ở vị trí hiện tại, thì họ sẵn sàng "dứt áo ra đi" để tìm nơi có nhiều thử thách, phát triển bản thân mình.

Nguyên nhân "nhảy việc" cần xét tính hai chiều

Còn theo chị Hạ Phan, Thạc sỹ Quản trị nhân lực, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhân sự và trải qua nhiều vị trí quản lý nhân sự tại các công ty, tập đoàn, ngân hàng lớn chia sẻ, việc người lao động thay đổi công việc sau một thời gian gắn bó nhất định là điều không còn xa lạ đối với tất cả các thế hệ không riêng Gen Z.

"Tuy nhiên, đánh giá việc người lao động lựa chọn rời bỏ một công việc sau vài tháng hay sau rất nhiều năm là tích cực hay tiêu cực chúng ta cần phải xét tính hai chiều của sự việc.

Nguyên nhân có thể từ chính bản thân doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện phát triển cho người lao động hoặc chính cá nhân người lao động không đáp ứng được yêu cầu trong công việc của doanh nghiệp", chị Hạ nhận định.

Mỗi năm, chị Hạ Phan và đồng đội tuyển hàng trăm nhân viên Gen Z. Chị nhận xét rằng, họ có ưu điểm là trẻ, nhiệt huyết, ham học hỏi, cầu tiến. Mặc dù kiến thức được học ở trường có tính cập nhật, tuy nhiên công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn thế.

Tuy nhiên, các vị trí fresher (nhân viên mới) doanh nghiệp chưa cần quan tâm kinh nghiệm, mà sẽ quan tâm đến lộ trình tương lai và thái độ của nhân viên trong công việc.

Nhà tuyển dụng đánh giá: Gen Z tham vọng nhưng thiếu tính kiên trì - 2

Chị Hạ Phan cho rằng, một trong những mối quan tâm chính của các bạn Gen Z khi tìm việc làm là lương (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh ưu điểm, Gen Z khi làm việc thiếu tính kiên trì, sau một thời gian, cá biệt có trường hợp sau một tháng chưa thích nghi được môi trường, công việc không như mong muốn sẽ sẵn sàng từ bỏ để tìm công việc mới.

Khi Gen Z nhảy việc quá nhanh và quá nhiều, doanh nghiệp sẽ bị mất thời gian tuyển dụng, đào tạo lại từ đầu với các ứng viên mới, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Chính các bạn Gen Z cũng bị lãng phí thời gian cố gắng.

Theo ý kiến đánh giá của chị Hạ Phan, các bạn Gen Z ngoài việc quan tâm tới lương, thưởng, chế độ phúc lợi, đãi ngộ, đó họ cũng quan tâm đến tiềm năng phát triển của bản thân tại doanh nghiệp và môi trường làm việc. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được hoặc bản thân không cảm thấy phù hợp sẽ quyết định nhảy việc.

Dựa trên nhiều nguồn thông tin và bài khảo sát gần đây, chị cho biết, lương chính là mối quan tâm lớn nhất của các bạn Gen Z sau ra trường. Bên cạnh đó, khi làm việc tại doanh nghiệp trong những tháng đầu tiên, nếu các bạn ấy vỡ mộng vì môi trường, công việc cần làm so với lý thuyết… cũng dễ dẫn đến quyết định nhảy việc.

Vì thế, ở bối cảnh hiện tại thay vì "dè chừng" tuyển dụng hay đánh giá phiến diện, doanh nghiệp nên chủ động thích nghi với "quy luật vận động" này đến từ tệp người lao động mới mang tên Gen Z.

Trong suốt quá trình làm việc với Gen Z, chị Hạ hiểu và nắm bắt được tâm lý của các bạn trẻ, bên cạnh ưu và khuyết điểm về kinh nghiệm và kỹ năng, chị Hạ đã chọn lắng nghe nhiều hơn.

"Nghe để biết nhu cầu, để hiểu suy nghĩ, quan điểm của các bạn trẻ. Từ đó có thể thay đổi doanh nghiệp nếu có thể và phù hợp. Đồng thời, các bạn ấy bán thứ doanh nghiệp cần là thời gian, tuổi trẻ và kiến thức, sức lực, đổi lại doanh nghiệp cũng nên như vậy. Hãy đào tạo cho các bạn ấy những kỹ năng các bạn ấy muốn trau dồi, lắng nghe các bạn ấy để cả 2 bên đều cảm thấy thoải mái khi làm việc", chị bộc bạch.

Gen Z kiến thức tốt, kỹ năng mềm còn hạn chế

Theo chị Thu Phạm, hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị vận hành nhân sự, đã từng công tác qua nhiều công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, hiện tại chị đang giữ vai trò Giám đốc điều hành tại công ty về lĩnh vực tư vấn nhân sự.

Chị Thu cho biết, mỗi năm, công ty chị tuyển dụng với số lượng hàng trăm nhân sự Gen Z. Đối với thế hệ mới bước chân vào thị trường việc làm này, yếu tố môi trường và tính linh hoạt của công việc hiện nay yêu cầu khá cao nhưng kỹ năng mềm của độ tuổi này còn hạn chế.

Mặt khác, kiến thức của Gen Z rất tốt, do công nghệ phát triển bên cạnh giáo dục về nghề nghiệp được phổ cập hơn, họ được tiếp xúc sớm và nhanh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có cơ hội việc làm khá đơn giản.

Nhà tuyển dụng đánh giá: Gen Z tham vọng nhưng thiếu tính kiên trì - 3
Gen Z "nhảy việc" sẽ ảnh hưởng đến thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, số lượng nhỏ Gen Z có tính chủ quan và nóng vội nên chưa đáp ứng được yêu cầu của một số công ty lớn, có tiếng.

Chia sẻ về nguyên nhân nhảy việc của Gen Z hiện nay, chị Thu Phạm cho biết, kinh nghiệm còn ít, bên cạnh đó sự thay đổi nhanh và nhiều cơ hội việc làm nên tính gắn bó của các bạn với công việc chưa cao.

Khi lựa chọn nhân sự nói chung và Gen Z nói riêng, chị Thu sẽ xem xét theo từng vị trí tuyển dụng và tiêu chí về trình độ chắc chắn được ưu tiên nhất, bên cạnh đó yếu tố thái độ sẽ là yếu tố quyết định. Một số ít Gen Z có những thái độ bất cần, thích thể hiện, ảo tưởng về năng lực, tất cả những yếu tố này dẫn đến việc nhà tuyển dụng sẽ không tuyển.

"Hiện nay có nhiều ngành nghề, nhiều công việc có tính linh hoạt và sáng tạo cao, cơ hội học hỏi giao lưu phát triển của các bạn trẻ nhiều hơn, bên cạnh đó do các doanh nghiệp trẻ có nhiều cơ hội thay đổi lớn, nhân sự có sự thiếu hụt trầm trọng so với tốc độ phát triển lao động", chị Thu Phạm cho hay.

Về đặc điểm lựa chọn công việc, vì không có nhiều kinh nghiệm làm việc, muốn thử sức nên Gen Z thường có mong muốn ứng tuyển vào những vị trí yêu cầu không cao và các loại hình công việc mang tính sáng tạo nhiều hơn như: ngành marketing, content, truyền thông... và đặc biệt, các công việc làm từ xa được rất nhiều bạn trẻ ưu ái, chọn lựa trong thời điểm hiện tại.

Với tình trạng "nhảy việc" hiện nay, theo chị Thu Phạm nhận xét, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và tiền bạc với việc tuyển dụng.

Để khắc phục tình trạng này, chị Thu cho rằng phải xây dựng chiến lược, định vị thương hiệu doanh nghiệp, định vị sản phẩm và có xây dựng các chính sách phù hợp và mới lạ nhằm thu hút, giữ chân nhân sự như: tạo không gian làm việc mở, tạo nhiều không gian làm việc và vui chơi khác nhau, tổ chức nhiều hoạt động kết nối nhân sự hơn, bên cạnh đó xây dựng những bộ phận chỉ hướng tới tính kết quả thay vì yếu tố thời gian.