Xu hướng bạn trẻ Gen Z làm nghề phục vụ để trải nghiệm cuộc sống
(Dân trí) - Không ít bạn dù có điều kiện kinh tế ổn định nhưng vẫn lựa chọn làm nghề phục vụ để trải nghiệm, va vấp nhiều hơn với cuộc sống.
Những ngày đầu tiên đi làm khó khăn
Những ngày đầu tiên ở môi trường mới chẳng bao giờ dễ dàng, nhất là với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Lo lắng, bồn chồn là tâm lý chung của các bạn khi mới vào làm.
Minh Đan (sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) đang làm công việc phục vụ tại một quán lẩu nướng chia sẻ: "Ngày đầu tiên đi làm thật khó khăn vì mình còn loay hoay không biết làm gì, mọi người cũng chưa yêu cầu nhiều vì biết mình chưa quen với công việc.
Mình có 5 ngày để thử việc và trainning (đào tạo), trong thời gian phải học thuộc menu, học cách order, các quy định, cách lau dọn... và thậm chí cả cách đánh cống, lau xe nữa.
May mắn là mình làm quen khá dễ dàng chỉ trong ba ngày. Tuy nhiên, đến giờ mình vẫn sợ việc thanh toán vì chỉ cần nhầm lẫn một chút thì sẽ phải đền bù một khoản tiền lớn".
Ban đầu, gia đình không ủng hộ Minh Đan đi làm thêm vì lo con sẽ gặp nhiều vất vả, mệt mỏi và muốn con xin nghỉ việc ngay.
Sau khi thuyết phục và nói với bố mẹ rằng cô bạn muốn có nhiều trải nghiệm mới và học cách sống tự lập, gia đình đã ủng hộ Minh Đan tiếp tục làm nghề phục vụ.
Cùng chung tâm lý với Minh Đan, với Tú Ngọc (sinh viên trường Đại học Thương mại) những ngày đầu tiên đi làm phục vụ ở quán ăn gặp rất nhiều khó khăn.
"Là một người hướng nội và có phần nhút nhát, những ngày đầu đi làm mình cảm thấy khá là khó khăn để hòa nhập với công việc và đồng nghiệp. Mình gần như muốn bỏ cuộc ngay sau buổi đi làm đầu tiên.
Lúc ấy, mình đã tự nghĩ rằng nếu không vượt qua được rào cản này thì không thể làm được việc gì khác. Nhưng khoảng một tuần sau, nhờ nỗ lực bản thân và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, mình đã dần thích nghi và hòa nhập với công việc", nữ sinh chia sẻ.
Nghề phục vụ đem lại cho bạn trẻ những gì?
Thông thường, nghề phục vụ không phải ưu tiên của nhiều người vì không thể làm đẹp CV (hồ sơ xin việc), nhiều áp lực, vất vả và mệt mỏi. Tuy nhiên công việc này cũng giúp hoàn thiện nhiều kỹ năng mềm cần thiết, giúp các bạn được trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều người hơn, từ đó trưởng thành hơn.
Làm nhân viên phục vụ tại cửa hàng tiện lợi giúp Thanh Bình (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát triển kĩ năng giao tiếp. Thanh Bình chia sẻ: "Làm nghề phục vụ giúp mình cải thiện kỹ năng giao tiếp, áp dụng được rất nhiều trong đời sống, giúp mình học được cách ứng xử và thái độ của mình với những người xung quanh.
Sẽ có những lúc cửa hàng đông khách và mình phải làm việc hết công suất, điều đó giúp mình nhận ra đôi lúc công việc không chỉ là phục vụ nữa, mà giống như đang giúp khách hàng có được điều họ muốn. Mình rất thích được giúp đỡ mọi người dù không được trả công".
Trở nên tháo vát, năng động và cải thiện kỹ năng giao tiếp cũng là những lợi ích mà công việc phục vụ đã đem đến cho Vân Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Vốn là một cô bạn trầm tính và rụt rè, công việc phục vụ tại quán
cà phê đã giúp Vân Anh trở nên năng động hơn.
"Mình chọn công việc này vì muốn có thêm thu nhập, một phần muốn bản thân nên năng nổ, có thêm kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống, giao lưu gặp gỡ nhiều người hơn. Và thật sự công việc phục vụ đã giúp mình cải thiện thu nhập, trở nên năng động và tháo vát hơn, giúp mình tự tin khi giao tiếp với người lạ, có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống. Bên cạnh đó còn giúp mình học được cách sắp xếp thời gian đi học và đi làm".
Những kỷ niệm khi làm nghề phục vụ mà không phải ai cũng được trải qua
Làm nghề phục vụ đồng nghĩa với việc phải làm quen, giao tiếp với rất nhiều người ở nhiều lứa tuổi, địa vị… khác nhau. Bên cạnh những khách hàng thoải mái, cũng không ít lần các bạn trẻ rơi vào tình huống khó xử khi gặp phải các khách hàng khó tính.
Thanh Bình kể về một lần khách hàng khiến bạn thấy khó chịu: "Có một lần, khách hàng mang đến một tệp tiền 100.000 (khoảng 15 triệu) để chuyển vào ví điện tử. Theo quy định thì bọn mình chỉ được nạp tối đa 5 triệu thôi, mình cũng phải đếm đi đếm lại tệp tiền đó.
Bác ấy bắt đầu tỏ thái độ bực tức và hỏi cửa hàng có máy đếm tiền không với giọng khó chịu. Mình cũng nản và trả lời lại: "Đây là cửa hàng tiện lợi chứ không phải ngân hàng cô ạ, muốn giao dịch nhanh và chính xác mời cô ra ngân hàng". Mình nghĩ khi khách làm khó thì chỉ cần đáp lại khách với những câu từ đủ tinh tế thì khách sẽ chẳng khó chịu nữa".
Còn với Vân Anh, bên cạnh những lúc khách hàng phàn nàn thì cũng có rất nhiều câu chuyện vui khi cô bạn làm nghề phục vụ. Không chỉ trau dồi kỹ năng giao tiếp, Vân Anh còn được bồi dưỡng cả về khả năng ngoại ngữ.
"Công việc phục vụ giúp mình nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Có một lần khách người nước ngoài đặt hàng qua ứng dụng nhưng món khách gọi không còn. Mình đã trực tiếp xin lỗi, trao đổi và hỏi xem họ có thể đổi món không.
Dù vốn tiếng Anh của mình khá kém nhưng may mắn họ cũng hiểu và thông cảm, chúng mình đã trao đổi những câu cơ bản và mình đã thành công thuyết phục khách chọn món khác. Mình đã khá là bất ngờ vì bản thân đã tự tin hơn khi nói chuyện với người lạ", Vân Anh kể.