DNews

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực

Trân Ni

(Dân trí) - Suốt thời kỳ đại dịch, nhiều cô gái Trung Quốc chìm đắm trong thế giới ngọt ngào với bạn trai ảo. Giờ đây, họ còn thuê cosplayer để mang mỹ nam "kỹ thuật số" của mình ra ngoài đời thực.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực

Trào lưu yêu mới nổi tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực

Suốt thời kỳ đại dịch, nhiều cô gái Trung Quốc chìm đắm trong thế giới ngọt ngào với bạn trai ảo. Giờ đây, họ còn thuê cosplayer để mang mỹ nam "kỹ thuật số" của mình ra ngoài đời thực.

Đối với Rynee Ren, buổi hẹn hò với người bạn trai Zuo Ran đã trở thành mơ ước từ lâu.

Trong buổi gặp mặt hiếm hoi đó, cô đi chơi công viên, ghé thăm một cửa hàng nước hoa và cùng bạn trai tạo ra mùi hương độc đáo của riêng mình. Trước khi chia tay, đôi trẻ còn trao nhau nụ hôn thắm thiết.

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói cho đến khi mọi người biết Zuo Ran không có thật. Chàng trai mà Ren hôn thực chất là một nữ cosplayer - người được Ren thuê để đóng vai bạn trai trong mơ Zuo Ran. Còn Zuo Ran vốn là nhân vật Ren vô cùng yêu thích nhưng chỉ tồn tại trong trò chơi điện tử.

Đây chính là dịch vụ rất thịnh hành tại Trung Quốc thời gian gần đây: Cosplay bạn trai ảo và hẹn hò với những người bỏ tiền thuê mình.

Trào lưu hẹn hò bạn trai ảo

Theo Sixth Tone, những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn bắt đầu mối quan hệ yêu đương ở đời thực. Thay vào đó, họ tìm kiếm giây phút lãng mạn, chìm đắm trong tình yêu thông qua trò chơi điện tử.

Các cô gái như vậy được gọi là "hội mộng mơ". Họ thường nảy sinh tình cảm mãnh liệt với những nhân vật nam trong game và sẵn sàng chi hàng nghìn USD để mở khóa các cấp độ mới.

Không dừng lại ở đó, họ còn tiếp tục thỏa mãn sở thích của mình bằng cách đưa mối quan hệ ảo này ra ngoài đời thực. Những cô gái "mộng mơ" như Ren thuê các cosplayer chuyên nghiệp để đóng giả bạn trai ảo rồi tạo ra những buổi hẹn hò hoàn hảo như thật.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 1
Trào lưu hẹn hò bạn trai ảo nở rộ ở Trung Quốc. (Ảnh: Sixth Tone).

"Tôi cảm thấy như Zuo Ran đã xuyên từ màn hình ra ngoài đời thực để hẹn hò cùng mình. Các cosplayer đã mang lại trải nghiệm vô cùng chân thực", Rynee Ren chia sẻ.

Những từ khóa liên quan đến trào lưu hẹn hò bạn trai ảo cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt trên Douyin (TikTok Trung Quốc), thu hút tới hơn 100 triệu lượt xem.

Dưới các video theo chủ đề này, dân mạng để lại nhiều bình luận trái chiều. Người chỉ trích, người đồng cảm, cũng có người nhìn thấy mình trong đó.

Trào lưu này phần nào phản ánh các vấn đề xã hội tại Trung Quốc như mất cân bằng giới tính, nhiều năm phong tỏa do đại dịch đã khiến người trẻ cảm thấy bị cô lập và mất kết nối.

Từ tình yêu ảo…

Xu hướng hẹn hò ảo bắt nguồn từ thế giới của các trò chơi otome, hay còn gọi là "game thiếu nữ". Thể loại game này được phát triển tại Nhật Bản vào những năm 1990, chỉ những tựa game có cốt truyện hấp dẫn, khuyến khích người chơi nữ xây dựng mối quan hệ lãng mạn với nhân vật nam hoàn mỹ.

Thể loại game otome du nhập vào Trung Quốc từ năm 2010 và nhanh chóng thu hút lượng lớn người chơi.

Năm 2017, Love and the Producer - tựa game kể về cô gái làm trong ngành truyền thông có mối quan hệ "mập mờ" với 4 anh chàng đẹp trai - đã có hơn 7 triệu lượt tải xuống, mở ra kỷ nguyên bùng nổ của loạt game tương tự.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 2

Poster game "Love and the Producer" tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2020. (Ảnh: VCG).

Những cảm xúc với bạn trai ảo mỗi ngày đều tăng lên, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Các cô gái nằm trong "hội mộng mơ" có thể tiêu số tiền "cực khủng" để thắt chặt mối quan hệ tình cảm trong game.

"Các nhân vật nam có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những người chơi nữ có mặc cảm, tự ti", Sun Yuannan - giảng viên Đại học Sư phạm Sơn Đông (Trung Quốc), người nghiên cứu tác động của game thể loại otome đối với phụ nữ - cho biết.

Cô nói thêm rằng, càng chơi, họ sẽ càng cảm thấy không đủ. Họ dành nhiều thời gian và tiền bạc vào game đến nỗi biến tình cảm ảo thành thật.

Mức độ phổ biến của trò chơi điện tử tăng cao hơn nữa trong thời kỳ đại dịch. Trên khắp Trung Quốc, hàng triệu người trẻ bị cách ly trong nhà nhiều tháng liên tục và không thể hẹn hò ngoài đời thực. Nhiều người chuyển sang otome game để giải khuây.

Ren - sinh viên đến từ thành phố Ninh Ba, Trung Quốc - là một trong số họ. Trước đại dịch, cô giành được suất học bổng tại một trường đại học ở Úc, nhưng lệnh cấm xuất cảnh năm 2020 khiến cô bị mắc kẹt tại Trung Quốc.

Trong hai năm tiếp theo, Ren học trực tuyến tại nhà và khó khăn khi gặp gỡ bạn bè mới.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 3
Nhân vật Zuo Ran và giao diện game "Tears of Themis" được phát hành tại Trung Quốc. (Ảnh: Sixth Tone).

Sau đó, cô tìm thấy Zuo Ran. Anh là một trong những nhân vật chính ở trò chơi otome Tears of Themis. Trong game, Zuo Ran được miêu tả là một luật sư quyền lực, làm việc tại công ty danh giá.

Khi làm việc, anh lạnh lùng và xa cách. Nhưng khi tan ca, anh ấy vừa ân cần, vừa ngọt ngào. Những điều đó đã đánh gục trái tim của Ren.

Cô dành hàng giờ để trò chuyện với Zuo Ran qua các cuộc gọi thoại và tin nhắn văn bản đã được soạn sẵn theo kịch bản của trò chơi, tiêu khoảng 15.000 nhân dân tệ (hơn 50 triệu đồng) vào game.

Gần đây, Ren nhận ra mình hoàn toàn có thể gặp được Zuo Ran ở ngoài đời thực. Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ những hạn chế, "hội cô gái mộng mơ" bắt đầu trả tiền cho cosplayer để hóa trang thành nhân vật họ đã dành tình cảm trong nhiều năm.

Đến hẹn hò đời thực

Để tìm được cosplayer phù hợp với hình tượng bạn trai ảo, các cô gái này đăng tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Trong đó, mô tả kỹ càng về hình tượng, tính cách nhân vật, mức tiền công và đặc biệt liệu cosplayer có sẵn sàng hôn môi không. Nếu phù hợp, họ sẽ kết nối, lên lịch cho một buổi hẹn hò lãng mạn.

Một cuộc gặp gỡ thường bao gồm các hoạt động trong buổi hẹn hò điển hình như cùng đi ăn, mua sắm, đi công viên. Các cosplayer thường tính phí 100-200 nhân dân tệ (khoảng 340.000-680.000 đồng) cho mỗi giờ. Người thuê cũng phải trả tiền cho bất kỳ bữa ăn, hoạt động nào trong buổi hẹn hò.

Ren đã trải nghiệm dịch vụ này và rất hài lòng. Cô cảm thấy người trong mộng của mình như bước ra từ game để yêu thương cô.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 4
Một buổi hẹn hò của Ren với "bạn trai ảo". (Ảnh: Sixth Tone).

Xu hướng này tượng trưng cho giấc mơ của những người phụ nữ như Ren. Họ cảm thấy cô đơn, mệt mỏi khi phải đương đầu với rắc rối của mối quan hệ yêu đương hoặc từng gặp đổ vỡ trong tình yêu. Những vụ bạo lực, quấy rối tình dục… hay bất cứ điều gì đã khiến các cô gái này mất niềm tin vào phái mạnh.

Ngay cả khi tìm kiếm người mô phỏng bạn trai ảo, họ cũng chỉ lựa chọn cosplayer là nữ. Hơn nữa, họ cho rằng, khi thuê cosplayer giới tính nữ, họ sẽ không lo bị quấy rối, lạm dụng hay đánh giá.

Các cosplayer cũng cố gắng hết khả năng để làm hài lòng khách hàng của mình, mang đến trải nghiệm hẹn hò chân thực nhất có thể.

Nhiều người đi giày bệt, mặc thêm đồ cơ bắp hoặc miếng đệm vai to để mô phỏng ngoại hình của bạn trai ảo chính xác hơn. Họ cũng nỗ lực diễn đúng tính cách nhân vật trong game.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 5

Jony Lin trong một buổi hẹn hò cùng người đóng giả bạn trai ảo diễn ra vào tháng 3 vừa qua. (Ảnh: Sixth Tone).

"Cô ấy đã tìm hiểu trước về vai bạn trai ảo của tôi và học cách ăn nói của anh ấy. Một chi tiết dễ thương khác tôi thấy đáng nhớ là khi chúng tôi đang chờ đèn giao thông, gió thổi tung váy của tôi, cô ấy ngay lập tức đứng sau giúp tôi che", Jony Lin - một người từng thuê cosplayer đóng giả bạn trai ảo - chia sẻ.

Lún quá sâu vào tình cảm không có thật

Thoạt nhìn, đây có vẻ là trải nghiệm thú vị nhưng khi quá đắm chìm, nó sẽ mang đến những tác hại khó cứu vãn.

Ren chia sẻ, cô cảm thấy khó khăn để tiếp tục và trở lại cuộc sống bình thường sau buổi hẹn hò. Tâm trí của Ren tràn ngập hình ảnh của nữ cosplayer - người đã đóng vai bạn trai ảo Zuo Ran.

Ren cảm thấy mình thậm chí trở thành kẻ bám đuôi nữ cosplayer kia khi liên tục theo dõi "nhất cử nhất động" của cô trên mạng xã hội, chỉ muốn biết người đó đang làm gì ngay lúc này.

Trong vài khoảnh khắc, Ren muốn chi một số tiền khổng lồ để "độc chiếm bạn trai", trả tiền cho nữ cosplayer và yêu cầu cô không được hẹn hò với ai khác dưới tư cách là Zuo Ran. May mắn thay, bạn bè của Ren đã ngăn cô lại.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 6

Các cô gái cùng người đóng giả bạn trai ảo đi hẹn hò, vui chơi hạnh phúc như cặp đôi bình thường. (Ảnh: Sixth Tone).

Một số chuyên gia lo lắng trào lưu cosplay thành bạn trai ảo sẽ khiến người chơi đắm chìm vào thứ tình yêu không có thật mà không bao giờ muốn thoát ra được.

"Ngay cả khi cả hai đều là phụ nữ, mô hình này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nếu nó chỉ dựa vào thỏa thuận miệng và thanh toán riêng tư, không có sự đảm bảo của bên thứ ba", Wu Yue - phó giáo sư Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho hay.

Một mối bận tâm khác là các trò chơi otome mang lại cho phụ nữ trẻ những kỳ vọng không thực tế khi yêu đương trong tương lai. Liệu họ có tìm được một người có lý tưởng và tính cách hoàn mỹ tựa như Zuo Ran hay không?

Wu và Sun đã khảo sát hơn 600 người chơi otome game giới tính nữ vào năm 2018. Họ đưa ra kết luận rằng, các trò chơi có vẻ vô hại, nhưng trên thực tế lại củng cố "chủ nghĩa lý tưởng độc hại" ở các thiếu nữ.

Tuy nhiên, những cô gái yêu thích otome game lại bác bỏ ý kiến này. Họ nhận định, bản thân không hề mong đợi người yêu đời thực của mình đẹp trai hay thành đạt như các nhân vật trong game. Tuy nhiên, họ muốn tìm một người đàn ông có thể đối xử tử tế với phụ nữ như nhân vật ảo.

Họ chia sẻ một vài tựa game thậm chí còn mang tính giáo dục cao, khiến họ nhận ra những tư tưởng sai lầm trong tình yêu.

"Trước đây, tôi nghĩ mẫu bạn trai lý tưởng là người đối xử đặc biệt với bạn gái, mua cho cô ấy những món quà thật đắt tiền và luôn là người đầu tiên xin lỗi khi tranh cãi", Lin nói.

Nhưng câu chuyện trong game đã làm cô thay đổi suy nghĩ.

Trong trò chơi mà Lin tham gia, nhân vật chính điều hành một công ty điện ảnh đang trên bờ vực phá sản. Trong khi giải quyết khủng hoảng, cô ấy gặp nhiều kiểu đàn ông khác nhau. Lin cảm thấy vô cùng ngạc nhiên trước cách họ cư xử.

"Nhân vật nam đầu tiên trong game là chủ tịch của một tập đoàn kinh doanh lớn. Lúc đầu, tôi nghĩ anh ấy sẽ cho tôi một khoản tiền, hóa ra không phải. Thay vào đó, anh ấy hướng dẫn tôi từng bước để tự mình giải quyết vấn đề", Lin tiết lộ.

Mang đến giá trị cảm xúc

Xu hướng thuê người hóa trang thành bạn trai ảo mở ra cơ hội mới cho giới cosplayer tại Trung Quốc. Trong khi nhiều người coi đây là cơ hội kiếm tiền tốt, không ít cosplayer đang làm dịch vụ này miễn phí vì họ cảm thấy hạnh phúc khi mang đến những điều tích cực.

Wang - giáo viên tiểu học đến từ tỉnh An Huy, Trung Quốc - bắt đầu cosplay như một sở thích khi cô còn học cấp hai.

Hiện nay, cô 23 tuổi nhưng vẫn giữ kín đam mê này vì lo sợ bố mẹ và bạn bè sẽ có cái nhìn tiêu cực về mình. Khi Wang nghe về công việc hóa trang thành bạn trai ảo, cô nhanh chóng tham gia.

"Tôi muốn tìm thấy điều gì đó còn thiếu trong tính cách của mình thông qua những vai diễn này, chẳng hạn như sự trưởng thành", Wang nói.

Cô cũng chia sẻ việc hóa trang thành bạn trai ảo khó khăn hơn cosplay bình thường khá nhiều.

Trào lưu yêu lạ tại Trung Quốc: Hẹn hò bạn trai tổng tài ảo… ở đời thực - 7

Cosplayer đôi khi đã chữa lành cho những trái tim vụn vỡ và cô đơn. (Ảnh: Sixth Tone).

Wang cho hay: "Tôi thực sự cần trở thành một nhân vật nào đó trong cả ngày. Trang phục của nhân vật cũng không thoải mái và khá khó chịu khi phải đội tóc giả trong thời gian dài. Do có chiều cao khiêm tốn, tôi phải đi giày độn để cao thêm từ 7-8cm nên việc đi bộ lâu giống như cực hình".

Tuy nhiên, Wang cho biết, phản ứng của khách hàng đã chứng minh mọi sự cực khổ đều xứng đáng.

Vào cuối một buổi hẹn hò gần đây, cô tiễn một người phụ nữ trẻ về. Trước khi vào nhà, cô gái đó đã ôm Wang rất lâu và thì thầm vào tai Wang hai chữ "Cảm ơn".

Sau đó, cô ấy cũng gửi cho Wang một tin nhắn, nói rằng cô ấy muốn nói lời cảm ơn đến chính Wang chứ không phải người bạn trai ảo.

Điều đó khiến Wang cảm nhận được sự ấm áp do chính mình mang đến cho người khác, từ công việc bản thân yêu thích.