Người trẻ Trung Quốc chưa hết tháng đã hết tiền

PV

(Dân trí) - Phần lớn người trẻ Trung Quốc hiện nay không có thói quen tiết kiệm tiền như thế hệ cha mẹ của họ.

Theo CNBC, Eric Hsu (kỹ sư xây dựng 38 tuổi) nhớ lại, lúc còn 10 ngày nữa mới được nhận lương nhưng anh chỉ có 32 USD (khoảng 750.000 đồng) trong túi. Anh thậm chí còn không có tiền tiết kiệm.

Eric chia sẻ với CNBC rằng, anh phải dùng số tiền ít ỏi đó để mua một ổ bánh mỳ, ăn qua ngày cho đến khi có lương.

"Gia tộc ánh trăng"

Eric Hsu thuộc về nhóm người lao động trẻ và độc thân, được gọi là "yue guang zu" (tạm dịch: Gia tộc ánh trăng). Thuật ngữ này chỉ những người trẻ thường hết tiền vào cuối tháng. Hsu còn gọi vui là: Tiền vào từ tay trái và ra bằng tay phải.

"Đôi khi tôi nghĩ mình đang có một mức lương khá ổn, chứ không phải thấp. Nhưng không hiểu sao tôi luôn hết sạch tiền trước cuối tháng", anh buồn bã nói.

Người trẻ Trung Quốc chưa hết tháng đã hết tiền - 1

Xu hướng "gia tộc ánh trăng" khá phổ biến ở giới trẻ Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, thuật ngữ "gia tộc ánh trăng" xuất phát từ Đài Loan và đã lan rộng ra những nơi khác. Theo một báo cáo, có khoảng 40% thanh niên độc thân sống ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến đang sống bằng tiền lương.

Ông nói: "Điều này rất khác với cha mẹ họ - những người thật sự tiết kiệm từng đồng theo đúng nghĩa đen. Còn người trẻ thì tiêu hết từng đồng họ có".

Chi phí sinh hoạt hiện nay ngày càng tăng khiến cho nhiều người trẻ có nguy cơ gia nhập "gia tộc ánh trăng", đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Trong khi tỷ lệ lạm phát tại Đài Loan (Trung Quốc) thấp hơn nhiều so với các nước khác (2,4%) nhưng phí sinh hoạt và dịch vụ vẫn tăng.

A-Jin (34 tuổi) chia sẻ với CNBC, các chi phí cố định như bảo hiểm, tiện ích hay đi lại đã chiếm hơn một nửa mức lương 30.000 Tân Đài tệ (khoảng 23 triệu đồng) mỗi tháng của cô.

"Tôi chỉ còn lại 10.000 Tân Đài tệ/tháng (khoảng 7,5 triệu đồng) cho tiền ăn và các chi phí khác. Ăn uống ở ngoài giá 300 Tân Đài tệ/ngày (khoảng 230.000 đồng), không có cách nào để tiết kiệm. Trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như tai nạn xe, tôi sẽ không có tiền mặt để giải quyết".

Hạnh phúc nhỏ nhưng chắc chắn

Đối với một số người, tâm lý YOLO (you only live once - bạn chỉ sống một lần trên đời) lại khuyến khích họ chi tiêu cho những gì mình muốn, ngay cả khi đang mắc nợ.

Eric Hsu đã đi làm được 10 năm nhưng vẫn phải tích cóp từng đồng để trả hết các khoản nợ từ thời sinh viên.

"Thay vì tiết kiệm tiền vào cuối tháng, tôi quyết định trả hết các khoản nợ của mình", anh nói.

Nhưng một chấn thương đầu gối nghiêm trọng đã khiến Hsu phải nghỉ làm không lương 2 tuần. Đó là lúc anh nhận ra mình không thể tự nuôi sống bản thân.

Trước đó, anh có 4 thẻ tín dụng và gần 70% tiền lương mỗi tháng sẽ dùng để trả nợ, vì thế chỉ còn lại rất ít cho việc tiết kiệm.

Người trẻ Trung Quốc chưa hết tháng đã hết tiền - 2

Chuyên gia nói về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Đài Loan, Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Giáo sư Đại học Bách khoa Hong Kong cho biết, "gia tộc ánh trăng" phản ánh sự vỡ mộng mà giới trẻ cảm thấy về cuộc sống hiện tại. Nó giống một số thuật ngữ khác ở Trung Quốc 2 năm trước là "tang ping" và "bai lan".

Theo đó, "tang ping" nghĩa là thay vì phải làm việc suốt đời để mua nhà như trước, giờ đây chỉ nên sống một cuộc sống bình thường, nằm duỗi và mặc kệ đời.

Còn "bai lan" nói đến thái độ thờ ơ với cuộc đời của một bộ phận người trẻ khi cuộc sống ngày càng trở nên áp lực, cạnh tranh.

"Trong bối cảnh hiện nay, cha mẹ của những người trẻ đã trải qua quá trình công nghiệp hóa rất thành công và hoàn thành các mục tiêu trong cuộc sống của họ", ông nói thêm.

Nhưng đó là một điều khác đối với thế hệ này, họ nhìn thấy thành công của cha mẹ mình nhưng không đạt được điều đó.

Có một khoảng cách rất lớn giữa kỳ vọng và thực tế. "Gia tộc ánh trăng" tồn tại chủ yếu do giới trẻ không thể sở hữu nhà, bởi hiện nay thiếu nhà ở giá rẻ.

Kỳ vọng mua được nhà riêng, kết hôn và xây dựng gia đình giờ quá xa vời. Những người trẻ thà từ bỏ giấc mơ đó và tiêu tiền vào những thứ mà họ chắc chắn sẽ có được ngày hôm nay. Những thứ này được gọi là "xiao que xin" - nghĩa là "hạnh phúc nhỏ nhưng chắc chắn".

Hsu mô tả tình trạng hiện tại: "Nhà không phải để ở, mà là để đầu tư. Một căn hộ hiện có giá 20 triệu Tân Đài tệ (khoảng 15 tỷ đồng). Tôi cần tiết kiệm bao lâu với mức lương hàng năm là 720.000 Tân Đài tệ (khoảng 550 triệu đồng)?".

Không có mục tiêu dài hạn

A-Jin cho hay, hiện tại cô không có bất kỳ mục tiêu dài hạn nào cho tương lai và cũng từ bỏ hoàn toàn ý định tích tiền mua nhà.

"Chỉ cần tôi có thức ăn và được no bụng, tôi sẽ không chết. Vì mọi thứ khác là không thể nên tôi chỉ cần sống sao cho tử tế, vậy thôi", cô nói.

Đối với Hsu, những ngày khó khăn nhất của anh đã qua đi. Anh rút kinh nghiệm và hủy thẻ tín dụng của mình từ 2 năm trước, đồng thời tự hứa sẽ tiết kiệm 1/3 lương của mình mỗi tháng.

Tuy nhiên, Hsu vẫn coi mình thuộc "gia tộc ánh trăng" bởi anh không chắc liệu bản thân có thể sống sót nếu xảy ra sự cố thêm một lần nữa hay không.

"Tôi vẫn chưa có mục tiêu tài chính dài hạn nào. Ưu tiên của tôi là thanh toán nốt số nợ trong thẻ tín dụng. Tôi chỉ bị thúc đẩy bởi nỗi sợ đói trở lại", anh chia sẻ.

Hà My