"Hẹn hò xác sống" - kiểu yêu đương gây ức chế cực độ
(Dân trí) - Trào lưu yêu đương theo kiểu "zombie sống dậy" đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ.
Chủ đề tình yêu không mới nhưng luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Mới đây, trên mạng xã hội nổi lên trào lưu yêu đương "xác sống" khiến nhiều người phải tò mò.
Zombie sống dậy
Hiện tượng này ám chỉ việc hai người đang tìm hiểu, trò chuyện vui vẻ thì một người đột nhiên biến mất, không để lại dấu vết.
Nhưng sau một khoảng thời gian, họ quay trở lại và nói chuyện như chưa có gì xảy ra. Đây được ví như hành động "zombie sống dậy".
Mariel Darling - nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ sống tại New York, Mỹ - chia sẻ về trải nghiệm hẹn hò tồi tệ của mình trong một video TikTok.
"Anh ta tự dưng nhắn tin lại cho tôi sau vài tháng biến mất và nói chuyện vui vẻ. Điều này làm tôi cực kỳ khó xử", cô kể.
Sau khi đăng tải, video của Mariel nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm. Dưới phần bình luận, một số người nói rằng, họ từng trải qua những tình huống tương tự như cô và cảm thấy rất khó chịu.
"Bạn có bao giờ gặp tình cảnh tất cả các mối quan hệ trong quá khứ quay lại cùng một lúc không? Bốn người đàn ông tôi từng nói chuyện bỗng chốc đều nhắn tin hỏi thăm trở lại trong cùng một tuần", một tài khoản chia sẻ câu chuyện của mình.
Không chỉ Mariel, có rất nhiều người trẻ rơi vào hoàn cảnh giống cô. Vấn đề họ nhắc đến chính là xu hướng "hẹn hò thây ma" (zombie-ing), phiên bản "sinh sau đẻ muộn" và tệ hại hơn của hiện tượng "ghosting".
Nếu như "ghosting" ám chỉ việc đối phương hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời bạn trong khi đang tìm hiểu thì "zombie-ing" lại khiến cho người trong cuộc cảm thấy ức chế hơn. Đó là việc đối phương phớt lờ rồi vào một ngày lại chủ động nhắn tin với bạn như trước.
Trong khi những người ghosting "một đi không trở về" thì người zombie-ing sẽ đột ngột quay trở lại một cách bất ngờ, làm cho đối phương bị ám ảnh và không thể nào quên được họ.
Theo Cosmopolitan, "zombie-ing" bắt đầu được nhiều người biết đến vào năm 2017, khi các ứng dụng hẹn hò trực tuyến xuất hiện dày đặc. Mọi người dễ dàng làm quen với nhiều người cùng một lúc, khiến việc "dễ đến dễ đi" xảy ra thường xuyên hơn.
Năm 2018, từ điển tiếng lóng Urban Dictionary cập nhật từ này vào danh sách. Tờ Thirst gọi đây là hiện tượng "hẹn hò thiếu trách nhiệm".
Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến hơn vào năm 2020. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn vì phải ở nhà một mình trong khoảng thời gian dài mà không có ai nói chuyện.
Đó là lúc họ nhớ về những mối quan hệ trong quá khứ và tìm cách níu kéo nó bằng việc liên lạc lại.
Tiến sĩ Kate Balestrieri - chuyên gia tâm lý - gọi đó là hành vi tìm kiếm sự chú ý.
"Họ nhận ra đã bỏ lỡ cơ hội làm quen hoặc tiến xa hơn. Và giờ họ nhắn tin, gọi điện lại như một cách để xác nhận liệu còn cơ hội không?", tiến sĩ cho hay.
Gây ám ảnh cho đối phương
Trả lời News.com.au, chuyên gia hẹn hò Samantha Jayne phân tích, xu hướng này đã xuất hiện từ lâu trong các mối quan hệ. Những người không nghiêm túc với chuyện yêu đương thường thích áp dụng nó.
"Zombie-ing cực kỳ tai hại và khó hiểu. Nó dễ tác động đến sự tự tin, khiến ai đó cảm thấy lo lắng về việc bị bỏ rơi. Sau khi đối phương đột ngột quay lại, sự xuất hiện đó lại mang lại cảm giác hy vọng, hoặc một lời nhắc nhở đau đớn về sự ra đi không một câu giải thích", cô nói.
Jayne tiết lộ, khi người cũ nói chuyện như thể mọi thứ giữa cả hai vẫn bình thường, nạn nhân sẽ cảm thấy rất hoang mang. Người ấy xuất hiện mà không nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải giải thích cho hành động trước đó.
Samantha cho biết, có hai kiểu người chính trong trường hợp này: "Zombie sâu sắc" và "zombie hời hợt".
"Zombie sâu sắc" chỉ những người giao tiếp kém, không biết cách kết thúc cuộc trò chuyện. Họ đã hết tình cảm với đối phương nhưng không biết phải mở lời như thế nào nên họ chọn cách im lặng và "bốc hơi".
Sau một thời gian, họ thấy có lỗi với hành động của mình hoặc còn quan tâm đến người kia nên chủ động liên lạc lại.
"Zombie hời hợt" thì tệ hại hơn, khi chỉ coi đối phương là "lốp dự phòng", cảm thấy cô đơn không có ai nói chuyện nên nhắn tin lại. Họ gieo hy vọng cho bạn nhưng cũng làm bạn cảm thấy bất an, lo lắng vì có thể họ sẽ lại đột nhiên biến mất giống như trước kia.
Theo nữ chuyên gia, sự khác biệt chính giữa hai loại là kiểu người giao tiếp kém ít ra vẫn cảm thấy có lỗi với đối phương. Khi quay lại, họ sẽ giải thích kèm lời xin lỗi. Ngược lại, kiểu người tìm kiếm "lốp dự phòng" vẫn mang tâm lý chơi đùa, sẵn sàng làm tổn thương người khác thêm lần nữa.
Cô cũng nhấn mạnh rằng, chỉ nạn nhân mới có quyền quyết định mọi thứ: "Bạn có thể xóa, chặn hoặc không liên lạc lại để họ không thể làm tổn thương mình thêm lần nào nữa. Bạn cũng có thể nói thẳng cảm xúc của mình và yêu cầu lời giải thích về hành động trước đó của họ".
Hà My